Nhân rộng mô hình sân chơi miễn phí cho trẻ bằng vật liệu tái chế
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 12/07/2017
Theo Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, chơi là một trong những nhu cầu cơ bản và những hoạt động vui chơi cần được miễn phí với tất cả trẻ em. Tuy nhiên, ở những thành phố có mật độ dân cư đông đúc như Hà Nội, TP. HCM ... không gian chơi miễn phí và hoạt động chơi của trẻ chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.
Nhưng bằng việc thực hiện những ý tưởng mới và kêu gọi sự tham gia của cộng đồng, nhóm Think Playgrounds (TPG – đây là một nhóm thiện nguyện gồm các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng ở Hà Nội) đang thay đổi quan niệm về sân chơi và hoạt động sáng tạo của trẻ em. Bằng việc tạo ra những sân chơi hoàn toàn miễn phí có các đồ chơi ngộ nghĩnh, đáng yêu, làm bằng vật liệu tái chế an toàn, nhóm đang hướng việc người lớn ngừng khuyến khích trẻ em là những người hưởng thụ, mà khuyến khích trẻ sáng tạo và tự làm ra mọi thứ.
Lễ hội xích đu được làm từ những vật liệu tái chế được nhóm TPG tổ chức ở công viên Yên Sở (Hà Nội) năm 2016 |
Trước thực trạng thiếu sân chơi trẻ em ở các thành phố lớn, nhiều em nhỏ phải tìm đến những điểm chơi không an toàn như vỉa hè, lòng đường, hoặc vùi đầu vào trò chơi ảo trên các thiết bị thông minh. Vì thế nhóm TPG được thành lập với mong muốn tìm kiếm các giải pháp đơn giản, hiệu quả và sáng tạo để xây dựng các sân chơi cho trẻ em sinh sống trong trung tâm thành phố.
Điểm đặc biệt của các sân chơi này là việc nghiên cứu để sáng tạo và sản xuất các thiết bị sân chơi từ vật liệu tái chế. Ngoài việc giảm chi phí sản xuất để qua đó có thể tạo ra nhiều sân chơi hơn nữa, đây còn là mô hình tiêu biểu về bảo vệ môi trường.
Để có thể tìm hiểu rõ hơn về mô hình hoạt động những như những ưu thế khi sử dụng vật liệu tái chế khi làm sân chơi cho trẻ, phóng viên báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, thành viên sáng lập TPG.
Chào anh Quốc Đạt, anh có thể chia sẻ mục tiêu ban đầu của nhóm TPG khi thực hiện dự án xây dựng sân chơi cho trẻ từ những vật liệu tái chế?
Mục tiêu ban đầu của nhóm khi thành lập năm 2014 nằm ở chính tên gọi của nó - Think Playgrounds (Nghĩ về sân chơi trong thành phố). Mục tiêu mà TPG hướng tới đó là giải quyết các vấn đề thiếu không gian công cộng và vui chơi miễn phí cho trẻ em trong thành phố. Và vật liệu tái chế trong thời gian đầu rất thích hợp cho những sân chơi giá rẻ, hợp túi tiền với cộng đồng.
Những đồ chơi được làm từ lốp ô tô cũ, gỗ tái chế ở sân chơi ngõ 102 Trường Chinh, TP. Hà Nội |
Được biết các sân chơi cho trẻ được xây dựng miễn phí. Vậy nguồn tài chính, công sức của các thành viên bỏ ra khi thực hiện dự án có “miễn phí”?
- Những sân chơi đầu tiên được xây dựng bởi các tình nguyện viên cống hiến ngày cuối tuần. Nhưng chữ miễn phí này nên được hiểu đúng là sân chơi được tạo ra mà trẻ em sử dụng miễn phí. Các thiết bị, vật tư và sức lao động mà nhóm bỏ ra không thực sự miễn phí. Sau 3 năm hoạt động, TPG đã trở thành một doanh nghiệp xã hội, xây dựng sân chơi không chỉ cho khu dân cư mà còn cho các gia đình, nhà trẻ, nông trại. Những lợi nhuận này được sử dụng để tái đầu tư vào nhân lực, trả thù lao cho các kiến trúc sư và những người thợ để các dự án cộng đồng tiếp tục bền vững hơn.
Hiện nay, nhóm đã thực hiện được bao nhiêu dự án sân chơi miễn phí cho trẻ em trên cả nước, thưa anh?
- Hiện nay nhóm đã thực hiện hơn 60 sân chơi và các sự kiện vui chơi miễn phí cho trẻ em từ thành phố cho đến vùng sâu vùng xa. Mỗi dự án đều là thành quả kết hợp với các tổ chức phi chính phủ như tổ chức Health Bridge, chính quyền địa phương và các nhóm hội thiện nguyện khác. Dự án mới nhất của chúng tôi được đánh giá là thành công là Sân chơi phường Chương Dương mới được khánh thành trong tháng 6 vừa qua. Đây là thành quả từ nỗ lực các bên: TPG, tổ chức Health Bridge, quận Hoàn Kiếm, và tổ dân phố Vọng Hà.
Trẻ em hứng thú với những sáng tạo dựa trên vật liệu tái chế của nhóm TPG |
Ngoài việc xây dựng sân chơi từ vật liệu tái chế, nhóm còn thực hiện nhiều dự án độc đáo khác như biến nhà vệ sinh công cộng bỏ hoang thành sân chơi? Hiệu quả của những dự án này như thế nào, thưa anh?
- Biến nhà vệ sinh công cộng thành sân chơi thực sự là rất thú vị. Nó làm thay đổi quan niệm về không gian công cộng và tối ưu hóa chức năng của không gian. Tất nhiên, trẻ em cứ có chỗ chơi là vui rồi. Quan trọng là không gian đó ngay gần nhà, an toàn và dễ dàng tiếp cận cho các bé. Vừa rồi chúng đã biến một nhà vệ sinh công cộng ở ngõ 179 đường Hoàng Hoa Thám (P. Ngọc Hà, Q. Ba Đình, Hà Nội) sân chơi cho trẻ em. Dự án này thực sự rất thú vị.
Thông điệp mà nhóm TPG muốn gửi gắm khi sử dụng những vật liệu tái chế để làm đồ chơi cho trẻ em là gì?
- Sử dụng vật liệu tái chế để làm đồ chơi là vô cùng khó. Hiện nay, vật liệu chủ yếu mà nhóm sử dụng là lốp xe, còn gỗ tái chế thường không đảm bảo độ bền. Tuy nhiên, tái chế các vật dụng thành đồ chơi luôn là một thách thức thú vị cần sự sáng tạo của cộng đồng, các bậc cha mẹ nhằm giúp trẻ em nhìn ra được các công cụ thân quen có thể thành đồ chơi. Bởi vậy, đồ chơi cho trẻ em ko nhất thiết phải đắt tiền. Nếu người lớn dành thời gian để sáng tạo và thay đổi không gian sống cho các bé thì mọi vật liệu đều có tiềm năng thành đồ chơi, sân chơi
Sắp tới, nhóm có kế hoạch nhân rộng mô hình này để nó có thể áp dụng rộng rãi hơn nữa trên phạm toàn quốc không, thưa anh?
- Cho đến nay có môt số nhóm khác đã chủ động học tập và copy nhiều mẫu đồ chơi của TPG. Đây là một ví dụ về sự lan tỏa. Hy vọng các nhóm bạn trẻ sẽ tiếp tục sáng tạo hơn và chấp nhận các thử thách trong thành phố, nơi các bạn sinh ra và lớn lên. Đây là một bài toán khó hơn nhiều so với các hoạt động thiện nguyện và từ thiện vùng cao.
Xin cảm ơn anh!
Phạm Văn