Phòng chống giông sét trong mùa bão: Người dân không nên thờ ơ

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 08/07/2017

(TN&MT) - Từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm là cao điểm của mùa mưa tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Mưa to thường kèm theo dông, sét, có thể gây thiệt hại về người...

 

(TN&MT) - Từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm là cao điểm của mùa mưa tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Mưa to thường kèm theo dông, sét, có thể gây thiệt hại về người và tài sản. Do đó, người dân cần phải hiểu và chủ động phòng chống sét trong mùa dông bão.

KHÔNG THỂ CHỦ QUAN

Ông Phạm Xuân Trường, trưởng trạm khí tượng DK 17 (Đài Khí tượng – Thủy văn tỉnh) cho biết, những năm gần đây tình hình khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh có diễn biến ngày càng phức tạp. Năm 2016 mùa mưa bão đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm với nhiều loại hình thiên tai như thời tiết nguy hiểm, triều cường, mưa to kéo dài từ 3-7 ngày trong tháng 9-10, mưa lớn gây ngập lụt. Tại TP. Vũng Tàu, số ngày mưa và dông sét trong năm dao động từ 100-130 ngày. Dông sét thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm. Tần suất xuất hiện nhiều hơn vào giai đoạn chuyển mùa từ tháng 4-7. Thời gian dông sét xảy ra nhiều nhất trong ngày là chiều tối và đêm. Ông Trường cho biết thêm, trước đây, sét đánh chủ yếu ở những khu vực nhà cao tầng, đồng ruộng, nhưng vừa qua sét đánh cả người đang tham gia vận động trên bãi biển.

Cụ thể, theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh BR-VT, những năm gần đây hiện tượng sét đánh gây thiệt hại về người và tài sản vẫn liên tục xảy ra trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ban đã ghi nhận một số thiệt hại nghiêm trọng do dông sét tại BR-VT. Đó là tháng 8-2013 tại xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc), sét đã đánh chết 1 phụ nữ đang đi xe máy trên đường. Cùng thời điểm này, tại KDL Hồ Cốc, sét đánh làm chết 4 người và 4 người khác bị thương khi đang đứng trú mưa trong chòi nuôi tôm. Năm 2016, sét đánh chết 11 con heo ở xã Phước Thuận. Ngày 27-8-2016, bệnh viện Lê Lợi (TP. Vũng Tàu) tiếp nhận và thực hiện cấp cứu một sinh viên đang chơi đá bóng trên bãi biển bị sét đánh trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở, toàn thân tím tái. Ngày 6-6-2017, tại huyện Châu Đức, dông sét đã làm sập 39 căn nhà.

Ngày 30-6, một bé trai (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) vừa bị tử vong vì bị sét đánh trong lúc bé sử dụng điện thoại đang sạc pin. Câu chuyện này mặc dù không xảy ra trên địa bàn tỉnh BR-VT nhưng một lần nữa dấy lên hồi chuông về kiến thức phòng tránh dông sét trong mùa mưa bão của người dân. Ông Lê Chí Toàn, Giám đốc KDL Biển Đông (TP. Vũng Tàu) cho biết, khi có hiện tượng mưa, gió lớn, giông, nhân viên cứu hộ của KDL ngay lập tức yêu cầu khách lên bờ để bảo đảm an toàn. Đa phần khách chấp hành hiệu lệnh nhưng một số người vẫn chủ quan, cố tình không lên, khiến KDL rất khó xử lý.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÒNG TRÁNH DÔNG SÉT?

Ông Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN (Sở KH-CN tỉnh) cho biết, nhằm giảm thiểu thiệt hại do dông sét gây ra, từ năm 207 đến nay, Sở KH-CN đã lắp đặt 121 nô hình chống sét đánh thẳng và lan truyền trên đường điện cho các hộ dân và các công trình công cộng (như trụ sở ủy ban xã, các trạm y tế xã, phường) cho các huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Long Điền, Châu Đức và TP. Bà Rịa. Đồng thời, Sở KH-CN cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về phòng chống dông sét cho người dân; phát hành hàng chục ngàn tờ rơi hướng dẫn phòng chống sét an toàn…

Ông Hiền cho rằng, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do dông sét, tỉnh cần xây dựng một số trạm cảnh báo dông sét tự động, khi phát hiện có khả năng dông sét xảy ra thiết bị này sẽ tự động truyền online đến các cơ quan quản lý và tại nơi đặt trạm có còi hú báo động, phục vụ thông báo cho khách du lịch đặc biệt là tại các hoạt dộng tắm biển ở Vũng Tàu; các khu vui chơi, thể thao ngoài trời. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần đầu tư dự án, đề án phòng chống sét trên địa bàn tỉnh; trước mắt cần thực hiện dự án công nghệ phòng chống sét tại các KDL bãi biển TP. Vũng Tàu và các huyện ven biển.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, thiết bị cảnh báo sét đơn giản không hiệu quả và rất khó đáp ứng cầu cao trên thực tế. Với hệ thống trạm sử dụng thuật toán xử lý số liệu thông minh sẽ có tác dụng hơn trong việc cảnh báo sét sớm. Công nghệ này cho phép cảnh báo sét sớm trước 30-60 phút, với độ chính xách trên 90%.

 

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh cho biết thêm, khi dông, sét chuẩn bị xuất hiện, bằng mắt thường chúng ta có thể quan sát những đám mây phát triển theo chiều thẳng đứng, hình đồi núi, hoặc mây phát triển phủ kín bầu trời có màu đen, sau đó có cầu vồng xuất hiện. Khi thấy các hiện tượng này, mọi người không nên đứng ngoài cánh đồng, sân vận động, bãi biển; không nghe điện thoại; không cầm, nắm vật bằng kim loại; không trú mưa dưới gốc cây to, cột điện, gò đất cao để tránh bị sét đánh. Khi cơn giông, sét sắp đến, mọi người nên vào nhà và ngồi yên trên ghế hoặc giường gỗ, chân không được chạm đất. Nếu đang đi thuyền hoặc đang bơi, tắm biển thì nên vào bờ ngay. Tránh xa các vật cao như cây đơn độc, các ngọn tháp, hàng rào, cột điện, đường dây điện và điện thoại là những thứ thu hút sét.

Bài & ảnh: Yến Nhi