Xe đẩy giúp ngư dân dễ dàng di chuyển thuyền ra biển
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 16/06/2017
Bàn giao xe đẩy cho ngư dân |
Những chiếc xe đẩy tiện lợi đó nằm trong Dự án Sáng kiến và phát triển địa phương thích ứng biến đổi khí hậu (VIE/033) do Lúc-xăm-bua tài trợ, trang bị xe đẩy thuyền nan cho các làng chài bãi ngang ven biển của 3 huyện Quảng Điền, Phú Vang và Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế).
Dự án với tổng kinh phí hoạt động được phê duyệt là 305.596.434 đồng, giúp ngư dân ven bờ các làng chài bãi ngang ven biển giảm sức lao động trong việc đưa thuyền nan lên xuống khai thác thủy sản, vừa nâng cao an toàn, giảm hư tổn thuyền nghề hơn khi có bão lụt xảy ra bằng cách đưa thuyền vào bờ sâu hơn.
Không giấu được sự vui mừng, ngư dân Nguyễn Thà (ở xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền) hào hứng nói, trước khi chưa có xe đẩy thuyền nan, chúng tôi phải dùng đòn gánh thuyền xoay vòng rất nặng nhọc. Nhiều chuyến biển, người dân còn huy động cả vợ, con phụ giúp đẩy, gánh thuyền ra biển. Tính ra, mất khoảng 30 phút để gánh thuyền lên bờ, đôi lúc phải chờ nhiều người mới gánh thuyền lên bờ hay đẩy được thuyền ra biển.
“Bây giờ, việc vận hành xe đẩy thuyền nan rất nhanh, chỉ cần vài người sẽ đưa được thuyền lên bờ mà không mất nhiều công sức và thời gian, chỉ mất khoảng 5 phút mà thôi...”- ông Thà cho hay.
Thử nghiệm xe đẩy tại huyện Phú Lộc (Ảnh: Chi cục Thủy sản Thừa Thiên Huế) |
Nhiều ngư dân cũng cho biết, vào mùa mưa bão, nếu không kịp di chuyển thuyền lên bờ, việc bị sóng đánh hư là rất cao. Mỗi lần hư hỏng nặng thuyền thì chi phí sửa chữa có thể lên tới vài triệu đồng.
Đến nay, dự án đã thiết kế, sản xuất và trao được 16 chiếc xe đẩy, trong đó huyện Quảng Điền được trao 5 chiếc, huyện Phú Vang 5 chiếc và huyện Phú Lộc 6 chiếc. Có 289 hội viên và ngư dân vùng được trao xe đều biết sử dụng xe đẩy thuyền nan một cách nhanh chóng và hiệu quả. Về lâu dài, xe đẩy thuyền nan này có thể được nhân rộng cho toàn bộ các xã bãi ngang của tỉnh.
Chị Nguyễn Thị Kim Anh - Phó Trưởng phòng Khai thác và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, Chi cục tỉnh đã thiết kế với cấu tạo chắc chắn, phù hợp với vùng biển Thừa Thiên Huế và mang đi thử nghiệm nhiều lần để xe đẩy được hoàn thiện hơn.
Từ giữa năm 2016, các cán bộ của phòng Khai thác và Phát triển nguồn lợi thủy sản đã thiết kế xe đẩy sơ bộ để làm việc với chi hội nghề cá, tổ chức cộng đồng xã, huyện nhằm chọn ra mẫu thiết kế phù hợp cho địa phương. Sau đó, khảo sát nhu cầu và chọn đối tượng hưởng lợi, giới thiệu các mẫu thiết kế nhằm chọn mẫu thiết kế để sản xuất thử. Tiếp theo là hợp đồng với nhà sản xuất theo mẫu thiết kế đã chọn.
Thử nghiệm xe đẩy tại vùng biển Vinh Hiền (Ảnh: Chi cục Thủy sản Thừa Thiên Huế) |
Chi cục đã phối hợp với chính quyền các xã của 3 huyện trên để tổ chức thử nghiệm xe cho các chi cục nghề cá biển, thôn vạn chài trước khi sản xuất đại trà và hỗ trợ, qua đó để hạn chế đầu tư trang bị thiếu phù hợp với thực tế và ngư dân sử dụng không hiệu quả, lãng phí.
Qua quá trình thử nghiệm, đơn vị cũng tiếp thu các ý kiến góp ý từ ngư dân và chính quyền cấp huyện, xã và tiếp hành điều chỉnh thiết kế, bổ sung và hoàn thiện một số thiết bị để nhà sản xuất chế tạo cho phù hợp với thực tiễn loại hình, kiểu dáng thuyền nan mỗi địa phương.
“Hiện số lượng tàu thuyền tại tỉnh Thừa Thiên Huế nhiều nhưng xe đẩy hỗ trợ mới 16 chiếc/3 huyện là còn ít. Do đó, Chi cục Thủy sản đề xuất Dự án VIE/033 hỗ trợ thêm xe đẩy cho các tổ chức cộng đồng, ít nhất là 5 chiếc thuyền nan có 1 chiếc xe đẩy nhằm đưa thuyền lên bờ một cách nhanh chóng, kịp thời vào mùa mưa lũ. Còn các địa phương có nhu cầu mua sắm xe đẩy thuyền thì liên hệ đăng ký tại Chi cục Thủy sản để có kế hoạch sản xuất và cung ứng...”- chị Kim Anh chia sẻ.
Bài & ảnh:Thế Anh