Đại gia vàng xin làm khu du lịch thay cho biệt phủ trái phép trên núi Hải Vân
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 15/06/2017
Ngày 15/6, ông Đàm Quang Hưng - Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) xác nhận, quận vừa tiếp nhận được đơn của ông Ngô Văn Quang, liên quan đến việc biệt phủ trái phép trên khu đồi Chim Chim, đất rừng đặc dụng Nam Hải Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng). Theo đó, đại gia vàng xin xây dựng thành khu du lịch trên đất rừng mà ông Quang, vốn là giám đốc công ty vàng Phước Minh, tỉnh Quảng Nam, đang nắm giữ.
Đại gia vàng xin xây dựng thành khu du lịch trên đất rừng mà ông Quang, vốn là giám đốc công ty vàng Phước Minh, tỉnh Quảng Nam, đang nắm giữ |
Qua tìm hiểu của PV, đây là diện tích đất từng được ông Quang xây dựng khu biệt thự trái phép và được báo chí, chính quyền địa phương phát hiện, buộc phải tháo dỡ vào năm 2015.
Trao đổi với PV, ông Đàm Quang Hưng - Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết: Đúng là chúng tôi có tiếp nhận đơn xin chuyển đổi thành khu du lịch của ông Ngô Văn Quang. Là đơn được Hội đồng nhân dân TP. Đà Nẵng chuyển về cho quận, để lấy ý kiến xung quanh vụ việc.
Cũng theo ông Hưng: "Về đơn xin làm khu du lịch của ông Quang, quan điểm của UBND quận là việc này không phá vỡ các quy hoạch trước đó. Hiện tại, chúng tôi đang kiểm tra trước khi có báo cáo cùng các sở ban ngành rồi gửi lên UBND TP. Đà Nẵng và HĐND TP. Đà Nẵng liên quan đề nghị của ông Quang, để chờ cấp trên chỉ đạo”.
Trước đó, từ cuối năm 2014, dư luận bất bình với việc ông Ngô Văn Quang xây dựng trái phép một khu biệt phủ trị giá hàng trăm tỷ đồng tại khu vực rừng đặc dụng Nam Hải Vân. Sau khi có quyết định xử phạt ngày 4/2/2015 của UBND quận Liên Chiểu, ông Ngô Văn Quang chỉ tháo dỡ một ngôi nhà đúc nhỏ có diện tích 15 m2.
Từ cuối năm 2014, dư luận bất bình với việc ông Ngô Văn Quang xây dựng trái phép một khu biệt phủ trị giá hàng trăm tỷ đồng tại khu vực rừng đặc dụng Nam Hải Vân |
Sau đó, chính quyền nhiều lần nhắc nhở, đốc thúc đại gia vàng hoàn tất việc tháo dỡ biệt phủ. Tuy nhiên, ông Quang nhiều lần lấy các lý do khác nhau để trì hoãn việc thực hiện. Quá trình tháo dỡ kéo dài hơn 2 năm, công trình vẫn còn nhiều hạng mục chưa được tháo dỡ.
Bài và ảnh: Xuân Lam