ĐBQH Dương Tấn Quân: Người khuyết tật đương nhiên được trợ giúp pháp lý
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 01/06/2017
Đại biểu Dương Tấn Quân phát biểu thảo luận tại Hội trường sáng 1/6. Ảnh: quochoi.vn |
Góp ý với Điều 5 về nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý, đại biểu Dương Tấn Quân cho rằng cần quy định chặt chẽ đối với các trường hợp tiếp nhận nguồn do tổ chức, cá nhân hỗ trợ, đóng góp cho công tác trợ giúp pháp lý được Bộ Tư pháp tiếp nhận và quản lý. Để đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ ngoài ngân sách này được sử dụng một cách tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định.
Về người được trợ giúp pháp lý tại Điều 7, ông Dương Tấn Quân bày tỏ quan điểm đối với 2 đối tượng: “Một là người khuyết tật quy định tại Điểm b, Khoản 7, tôi đồng tình với ý kiến của một số đại biểu phát biểu trước như đại biểu Thủy, đại biểu Thực ở Bắc Giang. Người khuyết tật là đối tượng đương nhiên được trợ giúp pháp lý, không cần có yếu tố khó khăn về tài chính theo quy định Luật người khuyết tật năm 2010… Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh lại cho phù hợp, tránh chồng chéo với các luật liên quan. Có thể sửa Luật trợ giúp pháp lý hoặc Luật người khuyết tật năm 2010” - Đại biểu Dương Tấn Quân nói.
Đối tượng thứ hai là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ chồng, con của liệt sỹ và người có công nuôi dưỡng liệt sỹ, quy định ở Điểm c, Khoản 7… đại biểu Dương Tấn Quân cho rằng, đây là những đối tượng đặc biệt, là thân nhân của liệt sỹ cần có chế độ ưu đãi phù hợp nhằm thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng ta, thể hiện tình cảm, trách nhiệm sâu sắc đối với những người có công với cách mạng. Những người đã chiến đấu, hy sinh tính mạng của mình vì độc lập, tự do và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc… ông Dương Tấn Quân đề nghị nên bỏ yếu tố khó khăn về tài chính đối với đối tượng này.
Về lĩnh vực hình thức trợ giúp pháp lý. Khoản 1 quy định trợ giúp pháp lý được thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Theo đại biểu Dương Tấn Quân, quy định như vậy là chưa hợp lý mặc dù Ủy ban thường vụ Quốc hội có giải thích những người tham gia hoạt động kinh doanh thương mại không được xác định là đối tượng yếu thế để được trợ giúp pháp lý vì ở Khoản 1, Điều 3 Luật thương mại năm 2005 quy định hoạt động kinh doanh thương mại là hoạt động sinh lợi. Nhưng cách hiểu như trên, theo đại biểu Quân là chưa đầy đủ, bởi vì trong hoạt động kinh doanh thương mại hay kinh doanh thương mại thì chỉ cần có một bên là thương nhân, bên còn lại có thể là bất kỳ cá nhân, tổ chức nào không phải là thương nhân.
Bên cạnh đó, trong xu thế phát triển chung của xã hội, người nông dân, người thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý cũng sẽ ký kết hợp đồng mua bán, hợp tác với các doanh nghiệp, thương lái để cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và trong trường hợp xảy ra tranh chấp, kiện cáo khi thương nhân, doanh nghiệp cố tình không thực hiện đúng hợp đồng kinh doanh, dẫn đến thiệt hại đối với đối tượng này thì họ cũng cần được trợ giúp pháp lý… “Theo tôi quy định trợ giúp pháp lý nên được thực hiện đối với tất cả các lĩnh vực bao gồm cả lĩnh vực kinh doanh và thương mại” - Đại biểu Dương Tấn Quân nói.
Góp ý với Khoản 2, Điều 35 của dự thảo Luật quy định: "Trong vòng 10 ngày kể từ ngày thụ lý vụ việc hoặc nhận đủ các giấy tờ, tài liệu cần bổ sung thì người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm nghiên cứu và trả lời bằng văn bản cho người được trợ giúp pháp lý. Nếu vụ việc phức tạp thì có thể kéo dài hơn nhưng không quá 30 ngày"... ông Dương Tấn Quân cho rằng quy định như vậy chưa phù hợp, quá rườm ra, phát sinh nhiều thủ tục hành chính.
“Theo tôi tư vấn pháp luật đối với những vụ việc đơn giản chỉ cần người cần tư vấn cung cấp được một số thông tin chứng minh thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý, thông tin về vụ việc cần tư vấn là đủ và có thể giải quyết tại chỗ không cần phải đến 10 ngày để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, người yếu thế trong xã hội được tiếp cận với pháp luật được thụ hưởng quyền lợi chính đáng của họ. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chỉnh sửa lại cho phù hợp” – ông Dương Tấn Quân góp ý.
Việt Hùng(ghi)