Điện Biên: Đảm bảo VSMT trong giết mổ gia súc, gia cầm
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 24/05/2017
Một điểm giết mổ gia súc, gia cầm tại chợ Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện có 176 điểm giết mổ lợn, 14 điểm giết mổ trâu, bò và 26 điểm giết mổ gia cầm tại các khu vực dân cư tập trung ở trung tâm các huyện, thị xã, thành phố và một số vùng lân cận với công suất giết mổ khoảng 15 con trâu, bò; 160 con lợn và 300 con gia cầm/ngày. Tuy nhiên, theo báo cáo kết quả cuộc kiểm tra gần đây nhất, vào tháng 2/2017 của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Điện Biên tại 216 điểm giết mổ gia súc, gia cầm, cho thấy: 100% các điểm xếp loại C – tức là không đạt và chưa đáp ứng được các yêu cầu về điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
Thực tế, nhiều điểm giết mổ được thực hiện tại các hộ gia đình trong các khu dân cư, tại các điểm chợ nước thải và chất thải sau giết mổ thường được xả thẳng ra môi trường hoặc ao hồ, sông suối mà không qua bất kỳ khâu xử lý nào, gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Dạo quanh các khu chợ: Mường Thanh, Chợ Trung tâm I, chợ Noong Bua (TP. Điện Biên Phủ) – Những chợ tập trung nhiều tiểu thương buôn bán và các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Tại đây, cho thấy vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường chưa được quan tâm, việc thực hiện chưa bài bản và còn thiếu ý thức trách nhiệm của các chủ sơ sở. Hầu hết mọi loại nước thải, chất thải đều đổ thẳng xuống sông Nậm Rốm hoặc đổ chảy ra cống rãnh gây mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường và dòng chảy của sông.
Đa phần các điểm giết mổ gia súc, gia cầm chưa được đầu tư bài bản, đảm bảo vệ sinh môi trường |
Vấn đề giải quyết ô nhiễm tại các điểm giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Điện Biên thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân là do tỉnh Điện Biên chưa quy hoạch được điểm giết mổ tập trung. Tất cả các điểm giết mổ gia súc, gia cầm còn tự phát, nhỏ lẻ, nằm xen kẽ trong khu dân cư nên lực lượng chức năng khó kiểm tra, kiểm soát. Ngoài ra, chế tài xử phạt đối với những lỗi vi phạm của các chủ sơ sở giết mổ gia súc, gia cầm chưa thực sự nghiêm, dẫn đến tình trạng chây ỳ, khó chuyển biến.
Các lỗi vi phạm thường gặp của các chủ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, cho thấy: nước thải xả thẳng ra môi trường, giết mổ động vật ngay trên sàn, trang thiết bị không được khử trùng trước và sau giết mổ, không thu gom chất thải rắn sau khi giết mổ, người giết mổ không được khám sức khỏe định kỳ, dụng cụ chứa không đảm bảo vệ sinh, không ghi chép nguồn gốc và số lượng gia súc, gia cầm đưa vào giết mổ... Đối với các trường hợp này, lực lượng chức năng mới chỉ nhắc nhở, chứ chưa thực hiện xử phạt hành chính.
Theo ông Vũ Mạnh Tưởng, Trưởng phòng Thanh tra, Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên, cho biết: có 2 phương án: Hoặc giải tán hết các điểm giết mổ không đảm bảo theo quy định, hoặc là phải có các điểm giết mổ tập trung. Tuy nhiên, với phương án 1 thì khó khả thi, bởi với thực tế 100% điểm giết mổ gia sức gia cầm của tỉnh Điện Biên không đạt tiêu chuẩn, nên việc giải tán hết là điều không thể. Còn với phương án quy hoạch các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thì có khả thi hơn. UBND tỉnh Điện Biên cũng đã tính đến phương án này, đưa ra bàn bạc, thảo luận, vấn đề về “Quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tỉnh Điện Biên đến năm 2020 và định hướng tới năm 2030”. Mục tiêu của việc quy hoạch các cơ sở giết mổ nhằm đảm bảo vệ sinh thú y trong giết mổ để thực hiện quản lý, kiểm soát giết mổ, khống chế và ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm; đảm bảo tính văn minh trong hoạt động giết mổ như: thời gian vận chuyển, giết mổ phải hạn chế ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư, giữ gìn môi trường xung quanh các cơ sở giết mổ…
Theo lộ trình, việc Quy hoạch sẽ được tỉnh Điện Biên thực hiện theo 3 giai đoạn: giai đoạn 2016 - 2020, 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Dự kiến mỗi huyện sẽ xây dựng 1 cơ sở giết mổ tập trung với phạm vi phục vụ dân cư khu vực thị trấn, trung tâm huyện và các xã gần khu vực trung tâm; riêng TP. Điện Biên Phủ do nhu cầu về thực phẩm cao hơn nên quy hoạch từ 2 - 3 điểm giết mổ tập trung.
Nam Hương