Lai Châu: Dân lo lắng vì sâu bệnh hại chuối

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 23/05/2017

(TN&MT) - Dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, ít công chăm sóc, cây chuối  đã nhanh chóng mang lại hiệu quả kinh tế cao và trở thành cây hàng hóa chủ lực của người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước đưa hàng chục hộ dân ở vùng cao biên giới trở thành "triệu phú". Nhưng từ cuối năm 2016 đến nay các loại sâu, bệnh hại chuối xuất hiện làm hàng trăm ha chuối bị thất thu.
Trước hiệu quả mà cây chuối đem lại, nhiều hộ dân tại Phong Thổ vẫn tiếp tục trồng và phát triển chuối.
Trước hiệu quả mà cây chuối đem lại, nhiều hộ dân tại Phong Thổ vẫn tiếp tục trồng và phát triển chuối.

Tiếp tục trồng mới với gần 1.000ha và mức thu nhập đạt xấp xỉ 200 triệu đồng/ha/năm, diện tích chuối của xã Huổi Luông lớn nhất toàn huyện Phong Thổ và đóng góp không nhỏ vào quá trình xóa nghèo, làm giàu của người nông dân. Chính bởi hiệu quả kinh tế của cây chuối đã mang lại trên vùng cao biên giới này vẫn đang tiếp tục phát triển, trồng mới.

Tuy nhiên, thời gian qua, người dân xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ lại vô cùng hoang mang vì diện tích cây chuối có biểu hiện bị sâu bệnh đang lây lan rất nhanh, mà bà con chưa tìm được cách hữu hiệu nhất để cứu vườn chuối thoát khỏi sâu bệnh.

Theo ông Tẩn A Sử - Phó Chủ tịch UBND xã Huổi Luông thì các loại bệnh xuất hiện trên diện tích chuối chủ yếu là: Bệnh vàng lá, sâu đục thân, bóng đen quả chuối, sâu cuốn lá, nấm ở đất... Hiện diện tích chuối bị nhiễm bệnh khoảng gần 30% trên tổng số hơn 900ha chuối của cả xã. Trong đó có hơn 10ha chuối bị nhiễm bệnh nặng, không thể phục hồi được, bà con phải chặt phá, đào gốc tiêu hủy nhằm tránh lây sang diện tích khác.

Sâu bệnh hại chuối khiến người trồng chuối tại Phong Thổ (Lai Châu) gặp rất nhiều khó khăn. (Ảnh: Vinh Duy)
Sâu bệnh hại chuối khiến người trồng chuối tại Phong Thổ (Lai Châu) gặp rất nhiều khó khăn. (Ảnh: Vinh Duy)

Nguyên nhân chuối bị bệnh có thể do một số hộ lấy giống chuối tại vùng bị dịch bệnh về trồng, từ đó lây lan ra cả vùng chuối của xã. Mặt khác diện tích chuối trồng sau 5 năm cho thu hoạch đã già cỗi, có thể là nguồn bị sâu bệnh, lây nhiễm ra nhiều vùng xung quanh.

Gia đình anh Chẻo Cù Sếnh ở bản Nhiều Sáng, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tâm sự: “Gia đình tôi trồng trên 1,5ha chuối, trung bình cho thu nhập gần 300 triệu đồng/năm, nhưng hiện tại diện tích chuối của gia đình đang bị nhiễm bệnh sâu đục thân, sâu cuốn lá... dẫn đến nhiều cây chuối bị mất nước, chết khô. Năm nay năng suất chắc chắn sẽ giảm khoảng 30%, quả chuối bé, sẽ bị tư thương ép giá”.

Không chỉ có vườn chuối nhà anh Sếnh bị bệnh mà hầu hết các vườn chuối ở trong vùng đều có hiện tượng như vậy. Nhiều hộ đã tìm cách này, cách khác để khắc phục bệnh trên cây chuối nhưng chưa thành công. Diện tích cây chuối bị vàng lá, héo khô, đổ gục ngày một nhiều hơn càng làm cho người dân lo lắng.

Nhiều diện tích chuối bị bệnh đã bị người dân chặt hạ.  (Ảnh: Vinh Duy)
Nhiều diện tích chuối bị bệnh đã bị người dân chặt hạ. (Ảnh: Vinh Duy)

Sau khi phát hiện cây chuối bị sâu bệnh, lãnh đạo xã Huổi Luông đã thống kê diện tích bị bệnh, biểu hiện các loại sâu bệnh hại chuối và báo cáo lên Phòng Nông nghiệp huyện Phong Thổ để có biện pháp hướng dẫn nhân dân cách phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, đến nay, các cơ quan chuyên môn của huyện chưa đưa ra được biện pháp để giúp dân phòng chống dịch bệnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Tích Điện-Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phong Thổ, cho biết: “Huyện không khuyến khích bà con trồng, mở rộng diện tích chuối, vì thị trường tiêu thụ chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua lối mở Pô Tô tại xã. Nếu bà con trồng nhiều, bên Trung Quốc không thu mua nữa sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của bà con. Hiện huyện chưa nắm được diện tích chuối bị sâu bệnh trên toàn huyện cũng như tại xã Huổi Luông, vì thế chưa có giải pháp để giúp người dân phòng trừ sâu bệnh”.

Cán bộ Trạm bảo vệ thực vật của huyện cũng đã lên kiểm tra dịch bệnh trên cây chuối nhưng chưa đưa ra được phương pháp chữa, phòng chống bệnh. Hiện tại xã Huổi Luông cũng chỉ căn cứ vào kinh nghiệm trồng chuối lâu năm để đưa ra hướng dẫn người dân xứ lý vườn chuối mắc bệnh bằng cách chặt phá, cải tạo lại đất và trồng các loại cây khác để có thu nhập tạm thời.

Theo khuyến cáo của Hội Nông dân tỉnh Lai Châu, loại sâu bệnh thường gặp hại chuối chủ yếu là sâu đục thân. Bởi vậy không nên lấy giống ở vườn đang bị sâu gây hại. Ngoài ra, trước khi trồng cần ngâm cây giống vào trong dung dịch thuốc Basudin, Furadan,  sử dụng các loại thuốc trừ sâu dạng hạt rắc vào gốc: Padan, Regell 3G... Với những vườn đã bị sâu gây hại nhiều, bà con cần làm là sau khi thu hoạch cần chặt bỏ sát gốc, đào bỏ hết cả phần củ rồi đưa ra khỏi vườn để tiêu hủy.

Với tuyến trùng hại chuối, cần xử lý đất bằng các loại thuốc trừ tuyến trùng như: Marsha 5GP, Rigell 3G. Với bệnh héo rũ Panama, bà con cần sử dụng giống chuối nuôi cấy mô hoặc lấy giống ở vườn sạch bệnh, trồng cây đảm bảo mật độ, khoảng cách. Tăng cường bón phân chuồng hoai mục được ủ với chế phẩm nấm đối kháng Tricoderma để phòng cho cây. Phun thuốc phòng bệnh bằng các loại thuốc trừ nấm có hoạt chất Phosphorous, Metalaxyl, Mancozeb, Agri-Fos 400SL... Khi phát hiện khóm chuối bị bệnh cần đào bỏ cả gốc đem đi tiêu hủy, rắc vôi bột vào hố để tiêu diệt mầm bệnh...

Hà Thuận