Điện Biên: Bệnh đạo ôn cổ bông hoành hành lúa Đông xuân
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 14/05/2017
Nông dân khu vực lòng chảo Mường Thanh (Điện Biên) bắt đầu thu hoạch lúa trà sớm |
Thống kê của phòng chuyên môn, Chi Cục bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên cho thấy, đến thời điểm hiện tại cả tỉnh Điện Biên đã có trên 2.400 ha lúa trà sớm và trà chính vụ bị nhiễm bệnh đạo ôn hại cổ bông và đạo ôn hại trên lá, tập trung chủ yếu tại các địa bàn, như: huyện Điện Biên, Mường Lay, Mường Chà và thành phố Điện Biên Phủ. Trong đó có hơn 500 héc ta nhiễm nặng khó có khả năng phục hồi, nghuy cơ mất trắng cao.
Những diện tích bị nhiễm chủ yếu rơi vào các loại giống như: Séng cù, BC15, Bắc thơm 7… với tỷ lệ nhiễm phổ biến từ 1 đến 3% bông, cao độ là từ 25 đến 30% bông. Thậm chí có diện tích bị nhiễm cục bộ trên 70% bông.
Ngoài ra trên các trà muộn, bệnh Đạo ôn cũng đang tiếp tục phát sinh, có nguy cơ gây hại cổ bông trong giai đoạn trỗ - chín. Tổng diện tích nhiễm đạo ôn lá đến thời điểm là 229 ha, nhiễm nặng 7,4 ha.
Ông Chu Văn Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên cho biết: Nguyên nhân dẫn đến nhiều diện tích lúa bị bệnh là do vấn đề về sử dụng giống tự phát của bà con nông dân, không tuân thủ nghiêm ngặt cơ cấu giống theo kế hoạch, thứ 2 là vấn đề chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cũng chưa đúng theo chỉ đạo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Ngoài ra trên địa bàn tỉnh Điện Biên cũng đang tiếp tục diễn ra hiện tượng Rầy lứa 3 gia tăng nhanh với số lượng và phạm vi gây hại cao hơn so với kỳ trước. Nhiều nhất là trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng... với mật độ phổ biến từ 80 - 500 con/mét vuông, cao khoảng 1.500 con/mét vuông, mật độ ổ trứng phổ biến từ 15 - 30 ổ/mét vuông..
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cũng đã ra văn bản yêu cầu Chi cục bảo vệ thực vật các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục theo dõi, tăng cường nắm bắt, đánh giá về thực trạng sản xuất và mức độ gây hại của các loại sâu bệnh từ nay đến cuối vụ. Đồng thời, tập trung hoàn thiện đánh giá các diện tích phun phòng đạo ôn cổ bông trên trà cực sớm, chính vụ, phun trừ rầy hiệu quả tại các vùng mật độ cao để nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân.
Ông Chu Văn Bách khuyến cáo nông dân: Đối với những diện tích sắp cho thu hoạch, mà bị nhiễm sâu bệnh thì không nên sử dụng thuốc nữa, vì nếu phun thuốc phun vào không đảm bảo thời gian cách ly sẽ ảnh hưởng đến chất lượng.
Nam Hương