Hà Tĩnh: Chi trả 1.200 tỷ đồng cho người dân bị ảnh hưởng ô nhiễm biển
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 21/04/2017
Tại 7 huyện, thị và thành phố bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường biển, đến thời điểm này đã cơ bản hoàn thành công tác kê khai, thẩm duyệt, chi trả chế độ bồi thường, hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng đợt 1 theo Quyết định số 1880/QĐ/TTg ngày 29/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện bồi thường đợt 2 cho các đối tượng theo Quyết định số 309/QĐ-TTg ngày 9/3/2017.
Có mặt tại xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh vào ngày 12/4, PV nhận thấy, các hộ dân rất phấn khởi khi đến nhận chế độ bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường biển. Ông Dương Văn Dũng, thôn Ba Đông cho biết, gia đình được đền bù 45 triệu đồng. “Mặc dù được nhận đền bù có chậm hơn các xã lân cận, nhưng được nhận tiền bồi thường là vui rồi” - ông Dũng nói. Theo ông Dũng, sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố biển sạch, ngư dân đã ra khơi bám biển và cuộc sống đang dần trở lại bình thường.
Chi trả tiền cho người dân chịu ảnh hưởng do ô nhiễm biển |
Ông Phan Duy Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết, thị xã là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất. Có 9/12 xã, phường nằm trong vùng bị ảnh hưởng với trên 12.000 đối tượng. Đến nay, thị xã đã thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt được 344 tỷ đồng. Số tiền đã được UBND tỉnh phê duyệt, thị xã đã chỉ đạo các xã, phường chi trả cho các đối tượng cơ bản hoàn thành. Thị xã đang tiếp tục thực hiện việc thẩm duyệt, trình tỉnh phê duyệt bồi thường đợt 2 cho các đối tượng theo Quyết định số 309/QĐ-TTg ngày 9/3/2017.
Theo số liệu thống kê, đến thời điểm này, huyện Kỳ Anh cũng đã chi trả cho các đối tượng được trên 122 tỷ đồng; huyện Cẩm Xuyên chi trả được trên 224,7 tỷ đồng; huyện Thạch Hà chi trả được 157,4 tỷ đồng; huyện Nghi Xuân 133,8 tỷ đồng; huyện Lộc Hà 149,9 tỷ đồng; TP Hà Tĩnh đã chi trả được 9,3 tỷ đồng.
Tìm hiểu cho thấy, các địa phương vẫn còn tồn đọng một số tiền bồi thường chưa cấp phát được vì các đối tượng này đã đi xuất khẩu lao động. Theo quy định thì việc chi trả tiền bồi thường phải được chi trả trực tiếp đến tay người lao động. Do không biết các quy định này, nên trước lúc đi xuất khẩu lao động các đối tượng này không làm Giấy ủy quyền.
Số liệu kê khai theo Quyết định số 1880/QĐ-TTg, tỉnh Hà Tĩnh có 6.489 tàu cá; 1.545 ha ao, hồ, bãi triều; 27.022 m2 nuôi lồng bè; 127 ha sản xuất muối; 47.960 lao động, trong đó, lao động trực tiếp 44.280 người, lao động gián tiếp 3.680 người bị ảnh hưởng do sự cố ô nhiễm môi trường biển. Giá trị thiệt hại kê khai bước đầu là 1.591,77 tỷ đồng (chưa bao gồm thiệt hại của hải sản tồn kho, các đối tượng là lao động không thường xuyên và thu nhập chính theo hướng dẫn tại Văn bản số 9723 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Như vậy, so với con số thống kê thiệt hại bước đầu 1.591,77, và số tiền đã chi trả gần 1.200 tỷ đồng, tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn một khoản tiền khá lớn tiếp tục thực hiện các bước theo quy trình để chi trả.
Để đẩy nhanh tiến độ chi trả bồi thường cho đối tượng nuôi trồng thủy sản, nhóm thủy sản lưu kho, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị đoàn công tác của Bộ Tài chính xem xét, thống nhất một số phương án xử lý hoặc báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sớm xử lý các vướng mắc, khó khăn trong việc xác định đối tượng lao động; mức độ thiệt hại của nhóm nuôi trồng thủy sản; nhóm thủy sản lưu kho…
PV