Nguy nga "thành phố lăng mộ" ở Huế

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 20/04/2017

(TN&MT) - Làng An Bằng thuộc xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế là một địa danh được nhiều người biết đến với cái tên, “thành phố lăng mộ” hay “nghĩa địa xa hoa nhất Việt Nam”. Những quần thể lăng mộ nơi đây nổi tiếng đến mức, đến Huế, hỏi bất kỳ người dân nào cũng đều biết…
Những ngôi mộ hoành tráng ở An Bằng
Những ngôi mộ hoành tráng ở An Bằng

Những ngôi mộ tiền tỷ

Từ thành phố Huế, chạy dọc theo Quốc lộ 49B hỏi thăm bất kỳ ai về ‘thành phố lăng mộ” này thì ai ai cũng biết. Có người nói “Chú cứ đi thẳng, thấy nơi mô nghĩa địa cao hơn nhà ở thì đó là làng An Bằng”. Sau một hồi dò đường, không khó để phát hiện ra cổng chào vào ngôi làng. Vừa bước chân vào An Bằng, chúng tôi bỗng choáng ngợp khi đứng trước một “đám nấm” kiến trúc khổng lồ đủ màu, đủ cỡ mọc lên trùng điệp trên bãi cát dọc bờ biển. Những ngôi mộ không nằm tách biệt trên các sườn đồi hoặc xa khu dân cư mà là trải dài ra dọc biển và xen lẫn với những ngôi nhà của người sống.

Kiến trúc của khu lăng mộ đặc biệt này nhìn như một cung điện thu nhỏ rất nổi bật
Kiến trúc của khu lăng mộ đặc biệt này nhìn như một cung điện thu nhỏ rất nổi bật

"Thành phố lăng mộ" rộng mở với hàng ngàn ngôi mộ đủ kích cỡ, kiểu dáng, chạy dọc về phía biển. Các ngôi mộ được xây dựng theo nguyên mẫu của các lăng tẩm Huế, đặc biệt nhiều lăng mộ được xây theo hình ảnh lăng Khải Định với mức độ tinh xảo không hề thua kém. Các khu mộ được xây với đủ cả các phong cách Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo, nhiều ngôi mộ được xây theo kiểu cách Tạng.

Ông Nguyễn Sinh Quốc (67 tuổi) – người ở làng An Bằng, xã Vinh Thanh cho biết, phong trào xây lăng mộ hoành tráng cho ông bà tổ tiên của người dân An Bằng rộ lên từ những năm đầu thập niên 90. Những ngôi mộ bé nhỏ, bạc màu thời gian ở khu nghĩa địa này đều được xây lên từ thời kỳ này. Nay sót lại chẳng nhiều vì nhiều ngôi mộ đã bị đập bỏ và xây lại khi con cháu có điều kiện.

Một trong những ngôi mộ đồ sộ, tráng lệ dành cho người đã khuất
Một trong những ngôi mộ đồ sộ, tráng lệ dành cho người đã khuất

“Những ngôi mộ hơn 1 tỷ đồng xuất hiện nhiều trong khoảng 7 năm trở lại đây. Như ngôi mộ của họ Trương ngay đầu nghĩa địa xây cách đây hơn 6 năm cũng đã xấp xỉ một tỷ đồng. So với thời giá bây giờ thì phải mất gần 2 tỷ mới xây được ngôi mộ như thế. Hiện tại, nhiều ngôi lặng mộ nơi đây nhỏ thì 8-10 nghìn USD, lớn thì 20-30 nghìn USD"- ông Quốc chia sẽ.

Ông Quốc cho biết thêm, hiện tại chẳng thể đếm được trong nghĩa trang này có bao nhiêu ngôi mộ, thôn cũng như xã chẳng có được con số chính thức do lăng mộ nơi đây được xây dựng quá nhiều.

Đầu rồng được trạm trổ, điêu khắc từng chi tiết
Đầu rồng được trạm trổ, điêu khắc từng chi tiết

Một cán bộ phụ trách Văn hoá thông tin xã Vinh An cho biết: "Số lăng mộ xây hiện nay ở làng An Bằng đã giảm nhiều lần so với 2 năm trước. Cả khu nghĩa địa dài cỡ 2 km, rộng 500 m. Tất cả các lăng mộ lớn, nhiều tiền đều do con cháu Việt kiều gửi tiền về chứ không có chuyện vay mượn".

Theo lý giải nhiều đời nay của nhiều người con xứ Huế “Cuộc sống trần gian chỉ là tạm bợ, chóng qua, còn cuộc sống bên kia thế giới mới là vĩnh cửu", đó cũng là lý do vì sao ở vùng đất này những ngôi mộ được xây bề thế và hoành tráng hơn cả những ngôi nhà người sống đang ở. 

Những khu lăng mộ ở đây đều được trạm khắc tinh sảo và sơn màu
Những khu lăng mộ ở đây đều được trạm khắc tinh sảo và sơn màu

Theo quan niệm của các bậc cao niên làng An Bằng, nên xây lăng trước để khi nhà có người quy tiên, không phải lo tiền xây lăng nữa, hơn nữa xây trước bao giờ cũng cẩn thận, đàng hoàng hơn. Theo nhiều người dân trong thôn sau khi chết, nếu trong vòng 50 ngày mà không xây được lăng thì phải đợi đến ba năm sau mới được phép xây, như vậy là có lỗi với người đã khuất… Nên ai cũng lo chuyện xây lăng cho mình và người thân ngay từ khi còn sống. Đa số dân làng An Bằng tự hào với khu "biệt thự" đặc biệt trong làng. Nên không sống bên một khu nghĩa địa lạnh lẽo và hoành tráng như vậy không ai còn thấy sợ.

Nơi mà người chết nuôi… người sống

Một góc khác của “thành phố lăng” An Bằng là biết bao công ăn việc làm đã được tạo ra. Nhờ những ngôi lặng mộ này mà biết bao nghệ nhân, thợ nề, phụ nề có việc. Nhiều người có nghề chở cát, đá, gạch bằng xe trâu cũng nhờ việc này mà có công ăn việc làm ổn định hằng năm.

“Thành phố lăng mộ” nhìn từ xa
“Thành phố lăng mộ” nhìn từ xa

Theo anh Trung, một người thợ xây lặng mộ có thâm niên gần 30 năm nơi đây, cho biết: “Mặc dù làm việc trong môi trường đặc biệt, nhưng được cái khi nào cũng luôn tay. Cứ xây xong mộ này lại có cái mới để xây, đôi lúc tổ thợ tui không dám nhận nhiều vì sợ làm không nổi. Một ngôi mộ trung bình ở đây cũng phải xây đến nửa năm với khoảng 10 nhân công, đó là chưa nói khi gặp những gia đình cẩn thận, họ đòi hỏi tỉ mỉ thì công việc sẽ kéo dài thêm”.

Một dịch vụ đặc biệt nữa là việc thuê thắp nhang, bật điện ban đêm, quét dọn lăng mộ... cũng rất phát triển ở đây. Theo tiết lộ của những người làm công, đối với những công việc đó mỗi tháng một người nhận được từ 1,5 đến 2 triệu đồng mỗi tháng, lễ tết được thưởng thêm như những công việc khác.

Bài & ảnh:Đức Linh