TPHCM: Muốn giảm ùn tắc giao thông, phải hạn chế xe gắn máy

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 20/04/2017

  (TN&MT) - Đó là giải pháp được các nhà khoa học đặt ra tại Hội thảo khoa học "Kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TPHCM - Thực trạng và...

 

(TN&MT) - Đó là giải pháp được các nhà khoa học đặt ra tại Hội thảo khoa học "Kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TPHCM - Thực trạng và giải pháp", do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật phối hợp với Sở Giao thông vận tải TPHCM tổ chức vào ngày 20/4.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc TPHCM thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông trong thời gian gần đây, nhất là vào giờ cao điểm là do hệ thống đường giao thông bị quá tải. Trong khi đó, mật độ phương tiện giao thông thì không ngừng tăng lên. Hiện nay, TPHCM đã có 7,5 triệu xe gắn máy, tăng 2 triệu xe so với năm 2011. Đó là chưa kể đến hơn 1 triệu xe máy của người dân từ các tỉnh, thành phố khác ra vào thường xuyên với TPHCM.hiện TPHCM có khoảng 7,5 triệu xe gắn máy, tăng gần 2 triệu so năm 2011. Vào giờ cao điểm, lượng xe gắn máy lên tới 11.000 xe/giờ, chiếm 93% tổng lưu lượng các loại xe. Trung bình TP có 910 xe máy/1.000 dân, đây là tỷ lệ cao nhất thế giới. Xe máy đang gây ra kẹt xe, TNGT (số vụ TNGT do xe máy chiếm 71%). Do vậy, xe máy không được xem là loại hình giao thông cá nhân mà cần phải hạn chế xuống dưới 40%.

PGS.TS Phạm Xuân Mai (ĐH Bách khoa TPHCM) cho rằng, không thể hạn chế xe máy nếu người dân không có phương tiện thay thế là hệ thống giao thông công cộng. Vì vậy, việc phát triển giao thông công cộng phải đi trước một bước và có cách hợp lý. Để hạn chế xe máy cần phải có các giải pháp như tổ chức quản lý các loại xe máy đăng ký mới thông qua giấy chứng nhận quyền mua xe, phí lưu hành xe, phí kẹt xe tùy thuộc vào phạm vi khu vực, càng vào trung tâm TP, xe máy càng phải đóng tiền giữ xe cao, phí ô nhiễm môi trường…Trong điều kiện tài chính yếu như Việt Nam, giải pháp xe buýt và xe buýt nhanh BRT là phù hợp nhất.

Còn TS. Lương Hoài Nam - Chuyên gia kinh tế khẳng định, cần hạn chế và tiến tới loại bỏ xe máy, nhanh chóng lấy xe buýt thay xe máy trên toàn thành phố, từng bước lấy mạng lưới giao thông công cộng cao tốc thay xe buýt trên một số tuyến trục theo khả năng tài chính. Không ít thành phố ở Trung Quốc đã cấm xe máy khi còn chưa có mạng lưới giao thông này, hay nhiều thành phố ở châu Âu cũng không có xe máy.

Theo ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM, phát triển vận tải công cộng phải đi trước một bước rồi mới hạn chế xe cá nhân. Kinh nghiệm ở một số nước cho thấy, họ có cả một hệ thống công cộng đầy đủ như metro, BRT, xe buýt nhưng xe máy cũng chỉ dưới 1 triệu và họ vẫn quyết tâm thực hiện từng bước. Từ hạn chế đến cấm và cuối cùng là tiêu hủy cả những xe 2 bánh không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, theo một lộ trình dài 16 năm. Để hạn chế xe cá nhân, theo ông Tính cần áp dụng các xe biển số chẵn-lẻ lưu thông ngày chẵn-lẻ và ngược lại. Thu phí cá nhân vào các điểm kẹt xe, thu phí cao chỗ đậu xe dành cho xe cá nhân trong khu vực trung tâm, phí môi trường… Những xe máy đã quá niên hạn sử dụng, cũ nát cần thu hồi và loại bỏ. 

Thục Vy