Độc đáo tết té nước của dân tộc Lào ở Điện Biên

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 17/04/2017

(TN&MT) - Giữa tháng Tư dương lịch hàng năm, người dân tộc Lào ở xã Na Sang, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên lại tưng bừng tổ chức lễ hội té nước “Bun Py May”, hay còn gọi là “Bun Huột Nạm” để chào đón năm mới.


Tết té nước “Bun Huột Nặm” là một trong những nét văn hóa truyền thống của người dân tộc Lào nơi đây. “Bun Huột Nặm” mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, làm thanh khiết cuộc sống của con người.

Tết té nước “Bun Huột Nặm” sẽ gồm 2 phần chính, là: phần lễ và phần hội. Khi đó phần lễ sẽ được bắt đầu trước bằng các nghi lễ cầu may mắn, cầu sức khỏe. Bà Lường Sao May, chủ tế của phần lễ cho biết: “điều quan trọng nhất ở phần lễ là nghi thức cầu mưa để cầu cho mưa thuận gió hòa, mong một năm mới ấm nó hạnh phúc và có một vụ mùa tốt tươi, cuộc sống ấm no”.

Trong phần lễ còn có một nghi thức tên là “Phô Khen” hay còn gọi là “Lễ buộc chỉ tay”.

Nghi lễ này nhằm để cho mọi người may mắn, mạnh khỏe, bình an và cũng từ sợi chỉ ấy nối liền từ dòng họ này đến dòng họ kia, từ dân tộc này đến dân tộc kia… để gắn bó với nhau, không rời nhau, thương yêu nhau. Trong lễ hội này, ai càng được buộc nhiều chỉ ở cổ tay thì càng may mắn.

Màu sắc của sợi chỉ cổ tay tùy thuộc vào mỗi bản, có nơi chỉ cổ tay chỉ có màu trắng.

Những chiếc vòng may mắn thường để dành riêng cho khách đến thăm bản…

…như để thể hiện lòng mến khách của người dân địa phương.

Múa hát chào mừng lễ hội cũng là cách để truyền tải các bài hát, điệu múa của dân tộc Lào đến du khách và các thế hệ con cháu trong bản.

Các tiết mục đều nhận được sự tán thưởng của những người đến tham dự lễ hội.

Sau phần lễ, mọi người dân trong bản sẽ bước vào phần hội với các trò chơi dân gian đặc sắc của riêng dân tộc Lào.

Trò chơi “Rùa ấp trứng”. Người đóng vai rùa sẽ phải cố ngăn những người khác cố tìm cách lấy trứng của mình.

 “Hổ vồ Lợn”

Trò chơi Ngù Kin Khiết “Rắn bắt Ngóe”

Cùng nhau đến chúc tết từng nhà và xin nước lấy may

Sau đó chủ tế sẽ dẫn tất cả mọi người ra bờ suối Nậm Núa để làm lễ cầu mưa.

Lễ cầu mưa được thực hiện bên bờ suối, chủ tế sẽ cảm ơn thần sông, thần suối và cầu cho bản được mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Sau đó các lễ vật sẽ chia đều cho mọi người ăn lấy may.


Sau lễ cầu mưa tất cả mọi người sẽ xuống suối té nước vào nhau để cầu chúc sức khỏe và đằm mình trong dòng suối mát để làm thanh khiết cuộc sống con người.


Những người khách lạ cũng bị kéo hoặc khiêng xuống suối trong những tiếng cười và tiếng hò la vang cả núi rừng…


Sau khi té nước vào người, người dân sẽ mang nước về té vào nhà cửa, đồ thờ cúng, vật nuôi và công cụ sản xuất vì tin rằng nước sẽ giúp gột rửa những điều xấu xa, bệnh tật.

Nam Hương