Sơn La: Chủ động phòng ngừa nạn châu chấu tre lưng vàng
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 07/04/2017
Năm 2016, nạn châu chấu tre lưng vàng đã gây thiệt hại gần 1.600ha rừng, 442ha cây nông nghiệp của người dân. |
Châu chấu tre phát triển mạnh từ đầu tháng 4/2016, với mật độ phổ biến 10 - 20 con/m2, thời kỳ cao điểm lên tới 50 con/m2, cá biệt 200 - 700 con/m2, chủ yếu là châu chấu tre lưng vàng non nở từ nguồn trứng đẻ cuối năm 2015. Châu chấu tre gây hại tập trung trên các diện tích rừng tre bát độ, tre mọc tự nhiên trong rừng hỗn giao, đường đi, bìa rừng và các cây nông nghiệp trên nương.
Ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La cho biết: Ngay sau khi nạn châu chấu xuất hiện, UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo Sở NN&PTNT và các huyện theo dõi chặt tình hình phát sinh, gây hại của châu chấu và hướng dẫn nhân dân các biện pháp quản lý, phòng trừ. Đồng thời, ban hành Kế hoạch số 114 về quản lý, phòng, trừ châu chấu tre lưng vàng trên địa bàn huyện Sốp Cộp. Hỗ trợ 1,5 tỷ đồng, để trang bị 6 máy phun thuốc động cơ, 812kg thuốc bảo vệ thực vật sinh học và 2.300 lít thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chuẩn bị phun hơn 5.000 ha rừng và cây nông nghiệp trên nương để diệt trừ châu chấu non.
Đồng thời, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã phối hợp với UBND huyện Sông Mã, Sốp Cộp và các xã có liên quan thường xuyên điều tra, theo dõi nơi châu chấu đẻ trứng và chuẩn bị các điều kiện phòng, trừ châu chấu non mới nở. Duy trì điều tra, đánh dấu, khoanh vùng các khu vực có ổ trứng châu chấu, định kỳ ít nhất 1 lượt/tuần ở các bản Nà Khi, Nà Vạc, Pá Kạch, xã Mường Lạn; Nậm Pừn, Liềng, Mạt, xã Mường Lèo; Pú Sút, Ten Lán, xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp; bản Hua Bin, Huổi Hin, xã Mường Hung, huyện Sông Mã.
Năm 2017, dự kiến, thời điểm châu chấu non nở rộ tiếp tục diễn ra từ tháng 4 đến tháng 6/2017, với số lượng lớn và có thể bùng phát thành dịch gây hại rừng và cây nông nghiệp trên nương như Lúa, ngô, ý dĩ...
Do đó, để chủ động ngăn chặn châu chấu tre lưng vàng nở rộ thành đàn hại cây trồng, hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương xây dựng kế hoạch, chuẩn bị thuốc bảo vệ thực vật chủ động phòng trừ châu chấu lưng vàng khi phát hiện.
Tuyên truyền tới người dân các xã Sam Kha, Mường Lèo, Mường Lạn, Nậm Lạnh, Mường Và huyện Sốp Cộp; xã Mường Hung, Mường Cai huyện Sông Mã khi đi làm nương, phát hiện có châu chấu non mới nở thì báo ngay cho chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng được biết để triển khai diệt trừ kịp thời. Khuyến khích, vận động nhân dân, các lực lượng vũ trang, các tổ chức đoàn thể chuẩn bị tham gia diệt trừ châu chấu non bằng các biện pháp phun thuốc bảo vệ thực vật hoặc dùng vợt thu gom, bắt, đốt châu chấu. Trong quá trình tổ chức diệt trừ châu chấu, bà con cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đồng loạt, tập trung và ưu tiên bảo vệ cây nông nghiệp. Đặc biệt, tuyệt đối không được chăn thả gia súc, gia cầm ở nơi vừa phun thuốc bảo vệ thực vật và nơi có châu chấu bị chết.
Tuy nhiên, do vùng đẻ trứng của chấu chấu tre lưng vàng nằm ở khu vực biên giới giữa tỉnh Sơn La, Việt Nam và tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào, do đó, Chi cục đã đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và các Đồn biên phòng ở huyện Sông Mã, Sốp Cộp hợp tác với các Đồn biên phòng tỉnh Hủa Phăn thường xuyên trao đổi thông tin phòng, chống châu chấu tre lưng vàng để chủ động diệt trừ hiệu quả nhất.
Nguyễn Nga