Hương sắc chè Cao nguyên Mộc Châu…
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 05/04/2017
Màu xanh bát ngát của những đồi chè Mộc Châu… |
Những ngày này, đến với Cao nguyên Mộc Châu, du khách có thể cảm nhận rõ nét không khí tấp nập, nhộn nhịp chuẩn bị cho ngày hội lớn của người trồng chè Mộc Châu. Sẽ được ngắm nhìn những đồi chè xanh mướt, trải dài bất tận đang vào vụ thu hoạch đầu năm; những đồi chè với hình dáng đặc biệt như đồi chè trái tim, đồi chè vân tay, vườn chè cổ thụ…
Chè Mộc Châu là giống chè Shan Tuyết, được trồng thử nghiệm từ những năm 1958. Sau gần 60 năm, cây chè Mộc Châu đã phát triển thành vùng nguyên liệu tập trung với nhiều giống chè chất lượng cao, được chăm sóc theo quy trình riêng biệt như chè shan tuyết, Kim Huyên, Bát Tiên, Ô Long…, trồng chủ yếu ở thị trấn Nông trường, xã Phiêng Luông, xã Tân Lập, xã Chiềng Sơn.
Hiện nay, diện tích trồng chè của toàn huyện Mộc Châu đạt 1.875ha, với 14 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè. Năm 2016, sản lượng chè búp tươi đạt hơn 24.000 tấn. Sản phẩm chè mang thương hiệu Mộc Châu đã có mặt tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Đài Loan, Afghanistan… Sản xuất, chế biến chè đã tạo thu nhập và việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Đã có nhiều thế hệ những người làm chè trên cao nguyên Mộc Châu hằng ngày cần mẫn, gắn bó với cây chè, tạo ra những sản phẩm mang hương vị riêng có.
Với phần thi hái chè, BTC đã bố trí 30 luống chè, mỗi người hái 1 luống. Chè được hái bằng tay, người hái cần hái hết các búp chè trên mặt tán chè theo tiêu chuẩn 1 tôm và không quá 3 lá non. Búp chè không bị dập nát, không lẫn lá bánh tẻ, lá già. |
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, Phó Trưởng ban tổ chức Hội trà cho biết: Đây là năm thứ 2 Hội trà Cao nguyên Mộc Châu được tổ chức, với quy mô lớn hơn, gồm nhiều hoạt động thú vị, hấp dẫn như: Thi hái chè, thi Tài năng người làm chè, chương trình nghệ thuật Hương sắc chè cao nguyên… Ngoài ra, còn các hoạt động cho khách du lịch trải nghiệm hái chè, tìm hiểu các quy trình sản xuất chè sạch, thăm quan các gian hàng trưng bày sản phầm trà; trình diễn nghệ thuật pha trà; triển lãm ảnh “Sắc màu cao nguyên”, các gian hàng quảng bá, giới thiệu các sản phẩm văn hóa, du lịch, nông nghiệp đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu…
Việc tổ chức Hội trà nhằm giới thiệu, quảng bá cây chè, sản phẩm trà, tôn vinh những người làm chè, tạo cơ hội hợp tác phát triển giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh chè trong và ngoài tỉnh, góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người trồng chè huyện Mộc Châu, góp phần thúc đẩy phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu. Đồng thời, là dịp để du khách hiểu rõ hơn về nguồn gốc, lịch sử cây chè, ngành chè Mộc Châu, vai trò, ý nghĩa cây chè trong đời sống nhân dân các dân tộc trong huyện.
Một trong phần thi trọng tâm của Hội trà là cuộc thi “Tài năng người làm chè” với 6 cặp thí sinh đã vượt qua vòng sơ khảo để góp mặt trong vòng thi chung kết, đến từ các công ty, doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh chè trên địa bàn huyện Mộc Châu. Tại phần thi này, các thí sinh sẽ tham gia trình diễn trang phục dân tộc nguyên bản và cải biên, thi năng khiếu, thi hiểu biết về cây chè, để thể hiện tài năng và sự hiểu biết của mình đối với cây chè. Bên cạnh đó, là phần trình diễn nghệ thuật pha trà với cách pha; dụng cụ sử dụng để pha; loại nước, nhiệt độ khi pha; các thao tác thực hiện, cách thưởng trà...
“Để Hội trà diễn ra thuận lợi, huyện Mộc Châu đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, bố trí, sắp xếp và phân luồng giao thông, chống ùn tắc giao thông trước, trong và sau lễ hội. Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn huyện, vận động các hộ kinh doanh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; vận động nhân dân tăng cường vệ sinh môi trường, thu gom rác thải tại khu dân cư và các cánh đồng chè…” – Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu cho biết thêm.
Nguyễn Nga