Bình Định: Bao giờ hết ám ảnh đường ngang?

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 23/03/2017

(TN&MT) - Thực tế cho thấy những đường ngang giao cắt tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Bình Định đã xảy ra nhiều cái chết thương tâm, đồng thời gây...

 

(TN&MT) - Vụ tai nạn giữa tàu khách SQN4 và xe tải BKS 77C - 073.56 vào sáng 18-3 tại xã Canh Vinh (huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định), làm 2 người tử vong khiến ngành chức năng phải nhìn lại việc xử lý những đường ngang, đường dân sinh và lối đi dân sinh. Thực tế cho thấy những đường ngang giao cắt tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Bình Định đã xảy ra nhiều cái chết thương tâm, đồng thời gây thiệt hại không nhỏ cho ngành đường sắt.

Tình trạng phương tiện băng qua đường ngang giao đường sắt diễn ra khá phổ biến, gây mất ATGTĐS.
Tình trạng phương tiện băng qua đường ngang giao đường sắt diễn ra khá phổ biến, gây mất ATGTĐS.

Thường trực nỗi lo

Theo trung tá Ngô Đức Hoài, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC 67), Công an tỉnh Bình Định, cho biết: Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 17 vụ tai nạn giao thông đường sắt (TNGTĐS), làm 14 người chết, 6 người bị thương. Trong đó, năm 2015 có 7 vụ tai nạn, làm chết 5 người, bị thương 4 người; năm 2016 xảy ra 8 vụ, chết 6 người, bị thương 2 người; đầu năm 2017 đến nay, xảy ra 2 vụ, làm 3 người chết. Hầu hết, các vụ TNGTĐS xảy ra ở đường dân sinh hoặc lối đi dân sinh hoặc đường ngang có người gác chắn.

Theo Phòng PC 67, tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa phận tỉnh Bình Định đang tồn tại 44 đường dân sinh, 112 lối đi dân sinh do người dân tự mở không có gác chắn. Đây là mối lo thường trực và cũng là nguyên nhân chính dẫn tới các vụ TNGTĐS từ nhiều năm nay. Ngoài ra, còn 66 đường ngang hợp pháp được ngành đường sắt bố trí nhân viên trực chắn, hoặc phòng vệ bằng biển báo hiệu hoặc đèn báo hiệu tự động do Công ty CP ĐS Nghĩa Bình và Công ty CP ĐS Phú Khánh quản lý.

Chỉ trên quãng ngắn, từ km 1090 - km 1093 (thôn Phú Mỹ 2, xã Phước Lộc đến thôn Mỹ Điền, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước), PV nhẩm tính có hơn 15 đường dân sinh và lối đi dân sinh bất hợp pháp vô tư “mọc” lên. Thậm chí, tại km 1093 qua thôn Mỹ Điền dài chưa đầy 500m, nhưng có 4 đường dân sinh được người dân mở để đi lại. Để đảm bảo an toàn cho người dân, ngành đường sắt phải lắp đặt 4 biển báo hiệu với nội dung “Chú ý tàu hỏa”.

Tương tự, tại đoạn đường qua thôn Bình An 1, xã Phước Thành (Tuy Phước) đến thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh), hàng chục đường dân sinh, lối đi dân sinh bất hợp pháp hiên ngang tồn tại. Người dân sử dụng thang, gạch đá tạo lối đi băng ngang một cách vô tội vạ. Nhiều đoạn người dân còn phá bỏ cả hàng rào ngăn cách giữa đường quốc lộ và đường sắt để tạo điều kiện thuận lợi cho di chuyển. Năm 2010 đến nay, trên cung đường này đã xảy ra trên 3 vụ TNGTĐS làm 3 người chết.

Vụ tai nạn đường sắt giữa tàu SQN4 và xe tải BKS 77C - 073.56.
Vụ tai nạn đường sắt giữa tàu SQN4 và xe tải BKS 77C - 073.56.

Theo ông Nguyễn Như Bình, Giám đốc Công ty CP ĐS Phú Khánh (đơn vị đang quản lý 34 km đường sắt qua địa bàn Bình Định). Trên cung đường này, công ty đã bố trí nhân viên gác chắn ở 2 đường ngang thuộc Km 1104+640 (xã Canh Vinh, huyện Vân Canh ) và 1096+800 (xã Phước An, huyện Tuy Phước). Đồng thời, bố trí người cảnh giới tại đường ngang thuộc Km 1116+450 (xã Canh Hiển, huyện Vân Canh). Tuy nhiên, việc có nhiều đường dân sinh, lối dân sinh bất hợp pháp “mọc” lên làm tình hình TNGTĐS diễn biến phức tạp.

 “Tuyến ĐS do công ty quản lý qua địa phận Bình Định hiện có 44 đường dân sinh và gần 10 lối đi dân sinh không bảo đảm an toàn. Theo quy định, tất cả đường ngang dân sinh tự phát trái phép đều phải đóng, tuy nhiên thực tế rất khó để thực hiện. Để cảnh báo giao thông, công ty đã cho lắp đặt có biển cảnh báo; đồng thời, khuyến cáo người đi đường khi đến đường dân sinh phải dừng cách đường sắt khoảng 5m để quan sát hai bên, khi chắc chắn không có tàu mới vượt qua đường sắt để tự bảo vệ mình, tránh những thương vong đáng tiếc”, ông Nguyễn Thanh Khang, Đội trưởng Đội ĐS Vân Canh (thuộc Công ty CP ĐS Phú Khánh), cho hay.

Ý thức chấp hành Luật Đường sắt của người dân còn hạn chế

“Đường dân sinh, lối đi dân sinh trái phép vẫn tồn tại là do người dân địa phương ngại di chuyển một khoảng cách dài từ chốt gác này đến chốt gác khác. Không ít người chỉ vì mong muốn qua đường nhanh chóng để đón xe trên quốc lộ. Việc băng qua đường trái phép này rất nguy hiểm. Chưa hết, nhiều điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ chưa xây dựng hệ thống cảnh báo ATGTĐS. Người tham gia giao thông không chú ý các tín hiệu cảnh báo, chở vật liệu cồng kềnh, thả rông trâu bò, gia súc trên đường sắt. Sự đùa nghịch của các em thiếu niên như kê, gác vật cản trên đường tàu, ném đá lên tàu,… cũng làm cho số vụ TNGTĐS gia tăng”, ông Nguyễn Trung Hòa, cán bộ địa chính xã Phước Thành (huyện Tuy Phước), chia sẻ.

Kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Theo đại diện Văn phòng Ban ATGT tỉnh Bình Định, để phòng ngừa ngăn chặn và hạn chế các vụ TNGTĐS tương tự đã xảy ra, Ban ATGT tỉnh đã đề nghị Sở GTVT, Công an tỉnh và các Ban ATGT các huyện, thành phố có đường sắt đi qua, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là các quy tắc tại các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ. Đồng thời, các đơn vị nói trên phối hợp với Công ty CP ĐS Nghĩa Bình, Công ty CP ĐS Phú Khánh tổ chức kiểm tra toàn bộ các điều kiện an toàn kỹ thuật tại các nút giao cắt giữa đường bộ với đường sắt như hệ thống biển báo, cọc tiêu, đặc biệt tháo dỡ các vật cản khuất tầm nhìn. Kiểm tra và đóng ngay các đường dân sinh cắt giao với đường sắt do người dân tự mở.

Thực hiện công điện số 3/CĐ-UBATGTQG ngày 4-2-2017 của Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia về các giải pháp cấp bách kéo giảm TNGT tại các đường ngang đường sắt. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã có văn bản sô 963/UBND-KT chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố có đường sắt đi ngang qua, nhằm tăng cường đảm bảo ATGT đường sắt tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt trước tình hình trật tự ATGT đường sắt đang diễn biến phức tạp.

“Địa phương nào để phát sinh đường ngang dân sinh trái phép thì Chủ tịch UBND địa phương đó sẽ bị xử lý trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh, và sẽ không được xem xét khen thưởng thành tích công tác năm. Công ty CP ĐS Nghĩa Bình, Phú Khánh và Đội Thanh tra An toàn số 8, số 9 - Cục ĐS Việt Nam phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng công trình lấn chiếm hành lang đường sắt, vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn giao thông đường sắt”, văn bản nêu rõ.

Để cảnh báo an toàn, ngành đường sắt lắp đặt các biển báo hiệu tại các đường dân sinh. Trong ảnh: Biển báo hiệu “Chú ý tàu hỏa” được lắp đặt tại một đường dân sinh đoạn qua Km 1093, thôn Mỹ Điền, thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước).
Để cảnh báo an toàn, ngành đường sắt lắp đặt các biển báo hiệu tại các đường dân sinh. Trong ảnh: Biển báo hiệu “Chú ý tàu hỏa” được lắp đặt tại một đường dân sinh đoạn qua Km 1093, thôn Mỹ Điền, thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước).

Để đảm bảo ATGTĐS, thời gian qua, lực lượng Phòng PC 67 phối hợp với đơn vị chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT đường sắt, trong đó có kiểm tra thường xuyên và đột xuất tình trạng vượt đường ngang khi có tín hiệu tàu chạy. “Chúng tôi cũng tổ chức kiểm tra bảo đảm trật tự ATGT đường sắt tại các tuyến đường ngang có gác, không có gác, đường dân sinh và các lối đi trên địa bàn. Đầu năm 2017 đến nay, lực lượng CSGT đã phát hiện, lập biên bản 43 trường hợp vi phạm hành chính về trật tự ATGT đường sắt; phối hợp đơn vị liên quan tổ chức tháo dỡ nhiều trường hợp công trình xây dựng vi phạm hành lang ATGTĐS”, trung tá Ngô Đức Hoài, cho hay.

Hiện nay, đại diện lãnh đạo Ban ATGT tỉnh, các sở, ban, ngành và địa phương của tỉnh có tuyến đường sắt đi qua đã đề xuất Cục ĐS Việt Nam chỉ đạo Công ty CP ĐS Nghĩa Bình tổ chức người cảnh giới tại 18 điểm đường ngang hợp pháp có nguy cơ xảy ra TNGT; đồng thời, kiến nghị Công ty CP ĐS Phú Khánh bố trí nhân viên trực gán chắn tại đường ngang thuộc Km 1116+120 (xã Canh Thuận, huyện Vân Canh). Ngoài ra, Phòng PC 67 kiến nghị Công ty CP ĐS Nghĩa Bình, Phú Khánh thực hiện rào chắn thu hẹp lối đi tại 44 đường dân sinh và 112 lối đi dân sinh trên đoạn đường do 2 đơn vị này quản lý. UBND các xã, thị trấn tăng cường việc quản lý, bảo vệ lối đi khi ngành đường sắt rào chắn.

 

Bên quan tâm, nơi thờ ơ

Thiếu tá Nguyễn Trung Hiếu, Đội phó Đội tuần tra kiểm soát Phòng PC 67, nhận xét: “Tuy có nhiều nỗ lực, nhưng nhìn chung Công ty CP ĐS Phú Khánh chưa quan tâm đúng mức đến công tác đảm bảo ATGTĐS, nhất là việc tuần tra kiểm soát, duy tu, sửa chữa trên tuyến đường sắt do đơn vị quản lý. Đối với Công ty CP ĐS Nghĩa Bình (đơn vị quản lý 136 km đường sắt từ ga Diêu Trì đến huyện Hoài Nhơn) đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đường sắt, góp phần giảm thiểu TNGTĐS xảy ra”.

 

 

Hoàng Nguyên