Lễ hội Nghinh Ông ở Cà Mau

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 12/03/2017

(TN&MT) - Lễ hội Nghinh Ông lần thứ 92 ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) vừa được tổ chức vào ngày rằm tháng 2 âm lịch (nhằm ngày...

 

(TN&MT) - Lễ hội Nghinh Ông lần thứ 92 ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) vừa được tổ chức vào ngày rằm tháng 2 âm lịch (nhằm ngày 12/3/2017). Tỉnh Cà Mau có một số cơ sở thờ tự thờ cá ông nhưng đây là lễ hội Nghinh Ông được tổ chức quy mô nhất.

Những năm gần đây, lễ Nghinh Ông ở thị trấn Sông Đốc đã được gọi là lễ hội vì song song tổ chức những hoạt động, nghi thức lễ đậm nét cổ truyền, còn là dịp để địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa khác. Đây là một lễ hội tín ngưỡng dân gian nhưng đã trở thành một lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc, mang đậm nét sinh hoạt của cư dân miền biển.

Ngay từ ngày 13, những hoạt động văn hóa - thể thao đã diễn ra. Về thể thao, thi đấu 9 môn. Một số môn cổ truyền như kéo co, nhảy bao bố, nhảy dây, viết thư pháp... được tổ chức ngay sân Lăng, tạo sinh khí vui tươi, phấn khởi cho lễ hội. Đoàn cải lương Hương Tràm của tỉnh biểu diễn 2 đêm (ngày 14 và 15 tháng 2 âm lịch).

Lễ khai mạc Lễ hội được tổ chức vào chiều ngày 14 tháng 2 âm lịch. Tại lễ khai mạc, Ban Trị sự Lăng Ông đã báo cáo khái quát về lịch sử Lăng Ông, công khai tài chính năm 2016 và trao giải các hoạt động thể thao.

Về nguồn gốc, được biết, ngày 27/5/1925, có một xác cá ông dạt vào bờ biển Sông Đốc, ban đầu dân làng ở đây dựng một ngôi miếu bằng cây, lá để thờ và che mưa nắng cốt (xương) Ông. Chẳng bao lâu sau, dân làng xây dựng Lăng và chọn ngày tốt là ngày rằm tháng 2 âm lịch hằng năm để làm lễ Nghinh Ông (đón Ông từ biển về). Về sau, có một số xác cá ông khác dạt vào bờ, dân cũng đã tập hợp cốt Ông cùng thờ trong Lăng Ông.

Năm nay, Lễ Nghinh Ông chính thức bắt đầu vào lúc chính ngọ (giữa trưa) ngày 15 tháng 2 âm lịch. Từ Lăng, đoàn nghênh Ông xuống ghe, tàu đang cập sẵn ở bến hướng ra biển khơi để đón Ông. Theo thông lệ, đến ngấn nước xanh (phía trong là nước đục), ban chánh bái cho múc nước biển lên và xin keo rước Ông về. Khi được keo, đoàn nghênh Ông quay mũi tàu trở vào đất liền. Gần 17 giờ chiều, đoàn mới trở về Lăng làm lễ an vị Ông.

Hằng năm, nhân lễ Nghinh Ông ở đây, nhiều ghe, tàu đánh cá biển từ Bình Thuận trở vào Cà Mau, Kiên Giang vào cửa sông Ông Đốc dự lễ. Cùng với khách du lịch trong và ngoài tỉnh, số lượng người dự lễ lên đến hàng ngàn, số ghe tàu ra biển đón Ông lên đến số trăm. 

Ngày 16 tháng 2 âm lịch là ngày nhân dân và ngư dân tiếp tục đến Lăng chiêm bái, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, trúng mùa đánh bắt./.

Thanh Chí