Đóng góp ý kiến hợp tác hiệu quả giữa các tổ chức xã hội và báo chí
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 09/03/2017
(TN&MT) – Ngày 9/3, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức...
(TN&MT) – Nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường sự tương tác của các tổ chức xã hội với báo chí ở Việt Nam”, ngày 9/3, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Hợp tác hiệu quả giữa các Tổ chức xã hội và báo chí”.
Bà Nguyễn Điệp Hoa – Chuyên gia tư vấn truyền thông cho rằng xã hội dân sự (CSO) là các nhóm phi chính thức, các tổ chức cộng đồng, mạng lưới, các hội, hiệp hội, các tổ chức, các quỹ, CLB, tổ, nhóm… ngoài nhà nước.
“Theo ước tính chưa đầy đủ của Bộ Nội vụ, trong vòng 20 năm, đến nay Việt Nam đã có khoảng 500 hội cấp trung ương, 4000 hội cấp tỉnh, 10.000 hội cấp huyện xã, 1800 tổ chức phi chính phủ (NGO), 150 hiệp hội ngành nghề, vài trăm quỹ đang hoạt động tại Việt Nam” – bà Nguyễn Điệp Hoa cho biết.
Vai trò đầu tiên của CSO được bà Nguyễn Điệp Hoa đề cập đến là bảo vệ môi trường. “Những vai trò khác của CSO gồm: giúp người nhiễm HIV, con của người nhiễm HIV; hỗ trợ người khuyết tật; bảo vệ trẻ em; chống bạo hành gia đình; hỗ trợ nhóm yếu thế làm kinh tế; hỗ trợ nhau làm ăn; giao lưu, thăm hỏi, chăm sóc, giúp đỡ; tham gia đóng góp chính sách; giám sát, phản biện chính sách” – bà Nguyễn Điệp Hoa nói thêm.
Bà Nguyễn Điệp Hoa – Chuyên gia tư vấn truyền thông phát biểu tại buổi tọa đàm |
Theo bà Nguyễn Điệp Hoa, báo chí cần coi CSO là một nguồn tin đáng tin cậy vì các CSO thực hiện các hoạt động có mục tiêu xã hội, nhân văn, phi lợi nhuận; hình thành trên cơ sở các giá trị nhân văn; đại diện cho lợi ích của những nhóm thiệt thòi mà tiếng nói của họ chưa được lắng nghe trong xã hội; vận động, góp ý chính sách trên cơ sở nghiên cứu, bằng chứng, tham vấn nhóm bị tác động và các bên; gần người dân, hiểu sâu các vấn đề của người dân và các tác động của chính sách đối với người dân.
Để tăng cường sự kết nối giữa báo chí và CSO, theo bà Nguyễn Điệp Hoa, CSO cần hiểu rõ đặc điểm của báo chí, giúp báo chí hiểu về chính mình, nâng cao năng lực làm việc với báo chí, thường xuyên cung cấp thông tin cho báo chí, giúp báo chí nhận biết vấn đề và mời báo chí tham gia lập kế hoạch cho những chiến dịch vận động chính sách.
Còn đối với báo chí, báo chí cần đa dạng hóa nguồn tin; thay đổi tư duy, coi CSO là nguồn tin tin cậy, khách quan; cởi mở, tham gia cùng CSO để tìm hiểu những góc nhìn khác nhau và các giải pháp cho các vận động chính sách, xã hội, phát triển; tham dự các hoạt động do các CSO tổ chức.
Ông Vũ Mạnh Cường đến từ Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng - Bộ Y tế kiến nghị giải pháp rút ngắn khoảng cách về sự hợp tác giữa báo chí và CSO |
Nhằm rút ngắn khoảng cách rào cản về sự hợp tác giữa báo chí và CSO, đại diện các CSO tham dự tọa đàm cho rằng nhà báo cần nhạy bén hơn, nâng cao năng lực xử lý; kết hợp với CSO; khai thác số phận của những người bị tác động; tăng cường hiểu biết về CSO và cách làm của họ; thay đổi nhận thức về các CSO - CSO là mảnh đất thông tin màu mỡ.
Cũng nhằm rút ngắn khoảng cách này, theo các nhà báo cần cải thiện chất lượng thông tin thấp bằng cách đưa thông tin kịp thời; chú trọng kỹ năng chế biến thông tin cho công chúng; có cán bộ đứng giữa báo chí và CSO; các CSO mời phóng viên đi thực tế, làm việc với nhà báo giỏi, tăng cường chủ động trong quan hệ với báo chí, tăng cường truyền thông, làm việc với nhà báo tâm huyết chuyên viết phóng sự…
Ông Vũ Mạnh Cường đến từ Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng - Bộ Y tế cũng đề xuất các nhà báo cần kể câu chuyện mà độc giả muốn nghe chứ không phải kể câu chuyện mà bạn muốn kể, đưa thân phận con người vào câu chuyện, cung cấp những chi tiết mà công chúng không có cơ hội tiếp cận; trích dẫn những người nổi tiếng có liên quan.
Tin & ảnh: Mai Đan