Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Lan tỏa yêu thương

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 08/03/2017

(TN&MT) - Ðến với công việc chăm sóc, trợ giúp người yếu thế ban đầu đơn thuần vì gánh nặng mưu sinh, nhưng rồi, tình người nảy nở tự lúc nào. Chính tình thương...

 

(TN&MT) - Ðến với công việc chăm sóc, trợ giúp người yếu thế ban đầu đơn thuần vì gánh nặng mưu sinh, nhưng rồi, tình người nảy nở tự lúc nào. Chính tình thương đã níu chân họ qua năm tháng, giúp họ vượt qua những thách thức khắc nghiệt của công việc chăm sóc “người dưng”.

Họ là 4 nữ nhân viên tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội (CTXH&BTXH) tỉnh Bình Định vừa được UBND tỉnh này tặng bằng khen về những thành tích trong giai đoạn 2012 - 2016, gồm: Tống Thị Kim Thanh (49 tuổi, nhân viên cấp dưỡng), Nguyễn Thị Nam (38 tuổi, nhân viên cấp dưỡng), Nguyễn Thị Trúc Lâm (38 tuổi, nhân viên giáo dưỡng), Đặng Thị Hồng Hoa (52 tuổi, hộ lý).

“Mẹ” Lâm đút cơm, bón nước cho Tú, đứa trẻ thiểu năng thường tự ngắt véo chính mình.
“Mẹ” Lâm đút cơm, bón nước cho Tú, đứa trẻ thiểu năng thường tự ngắt véo chính mình.

Yêu thương như người trong gia đình

“Mẹ đây! Mẹ đây!” - tiếng của chị giáo dưỡng vang lên ấm áp khi đứa bé mắc bệnh động kinh đột ngột khóc thét, tay chân quơ quào. Khẽ vuốt má, vỗ vỗ lên vai trẻ để hơi ấm từ đôi bàn tay quen thuộc làm dịu đi nỗi sợ hãi, “bà mẹ” vừa tranh thủ đút vội muỗng cơm cho hai đứa trẻ khác đang níu áo, với tay giành lấy tô cơm. Bỗng dưng, một đứa trẻ đổi ý, nó bỏ chạy ra ngoài hiên. “Bà mẹ” vội vàng chạy theo, đưa về chỗ cũ, tiếp tục đút cơm và không quên dõi mắt theo một đứa trẻ khác đang ném, vứt chai nước, ly nhựa, bánh kẹo... qua thanh chắn.

Đấy là hình ảnh dễ bắt gặp khi đến thăm nhà trẻ của Trung tâm CTXH&BTXH tỉnh Bình Định. Chỉ sau một hồi quan sát đã biết ngay việc làm ở đây chẳng đơn giản chút nào. “14 đứa trẻ, hầu hết đều mắc bệnh động kinh, bại não, nằm liệt một chỗ hoặc tăng động, khả năng ngôn ngữ hạn chế... Chỉ 2 trẻ có khả năng tự ăn; 3 trẻ có khả năng đi lại. Công việc thường xuyên là: tắm nắng, tập phục hồi chức năng; cho ăn, uống, vệ sinh, ngủ nghỉ, nhưng thực tế muôn hình vạn trạng, chẳng ngày nào giống ngày nào. Lúc thì đứa này xé áo; đứa kia xô ngã cô; đứa khác đập phá đồ đạc, tự ngắt véo chính mình... Ở đây, mình không được tức giận; chỉ có thể nương theo cảm xúc của trẻ mà hóa giải từ từ”, chị Trúc Lâm khái quát về công việc mình và các đồng nghiệp đang làm. 

Ở khu chăm sóc đặc biệt, hộ lý Đặng Thị Hồng Hoa tất bật chăm sóc các cụ cao tuổi, không còn khả năng tự chăm sóc bản thân. Có mặt ở Trung tâm từ lúc 5 giờ 30 phút sáng, chị bắt tay vào công việc pha nước ấm, tắm cho người già, vệ sinh giường chiếu, buồng phòng. Ngày nào cũng vậy, chỉ sau một đêm, dãy nhà của những người nằm liệt một chỗ đã trở nên dơ bẩn, bốc mùi hôi, khai. Nhưng chẳng bận tâm đến sự khó chịu của khứu giác, chị ân cần dìu dắt, cùng với đồng nghiệp bồng bế từng cụ đi tắm rửa, thay bộ quần áo mới, sạch sẽ; rủ rỉ hỏi han, trò chuyện.

“Ngày đầu tiên lên học việc, hồi năm 2010, thấy cảnh hôi hám, dơ dáy, tôi không chịu được, cứ nghĩ làm đại vài bữa rồi tìm cách nghỉ. Vậy mà quen tay lúc nào chẳng hay. 8 năm qua, chỉ thấy giống như mình đang dọn dẹp, chăm sóc cho ngoại, nội của mình, như bổn phận vốn có của đứa con, đứa cháu trong gia đình có ông bà đau ốm, bệnh tật”, hộ lý ÐẶNG THỊ HỒNG HOA bộc bạch.

Giữ lửa cho “tổ ấm chung”

Những cô giáo dưỡng, hộ lý, cấp dưỡng ở Trung tâm CTXH&BTXH tỉnh Bình Định đều đã làm mẹ. Có lẽ nhờ thế mà họ mang tấm lòng người mẹ, sự bao dung, nhẫn nại của người chị, người con vào công việc. Đôi khi, việc đang làm không hẳn là công việc, trách nhiệm mà hơn hết là tình thương, là sự vun vén hết lòng.

Sự vun vén ấy bắt đầu từ gian bếp. Không trực tiếp chăm chút cho từng số phận, các chị cấp dưỡng gửi tình thương vào những khẩu phần ăn do họ chế biến. “Mỗi lứa tuổi, mỗi bệnh lý lại có một thực đơn riêng. Trẻ sơ sinh thì ăn cháo. Thanh thiếu niên lại ăn cơm với thức ăn nấu vừa chín tới. Trong khi đó, người già thì phải nấu cho nhừ hơn. Rồi người bệnh cao huyết áp, mắc bệnh tim... thì phải nấu theo yêu cầu của cán bộ y tế. Không thịnh soạn như nấu đám tiệc, nhưng kỹ lưỡng, chỉn chu không kém để các cháu, các ngoại ăn được nhiều, có sức khỏe”, chị Nguyễn Thị Nam mô tả.

Cứ tưởng gian bếp chỉ có tiếng lách cách xào nấu, mùi thức ăn thơm lừng, vậy mà cũng lắm chuyện khôi hài và cảm động. Chị Kim Thanh hóm hỉnh kể: “Có ông cụ, vừa thức giấc là chạy thẳng xuống bếp hỏi: Sao giờ này chưa có cơm? Cho ông xem giờ trên đồng hồ, ông lắc đầu quầy quậy, chỉ vào cái đồng hồ bảo: Nó hỏng rồi, chạy sai giờ rồi. Lại có những ngoại, nhận cơm nhất định phải kiểm tra xem đây có phải là cà mèn của mình hay không. Nếu không phải, ngoại nhất định đem trả, đòi đổi cho bằng được cái cà mèn của mình mới chịu”.

Nhưng, cũng có những ngoại còn đủ sức khỏe, dễ tính, thường tìm về bếp, phụ cô cấp dưỡng phân loại thức ăn, bưng bê, sắp xếp. Có chú khiếm thính, mặt lầm lũi nhưng đến khi được khiêng cơm, khiêng canh cùng chị cấp dưỡng lại vui đến kỳ lạ. Một chú khác xuống bếp cứ cười hì hì, thấy vắng ai là nhất định phải hỏi thăm cho bằng được.

Xem cái cách họ xoay quanh nồi cơm đang bốc hơi nghi ngút, mỗi người một việc, không phân biệt nhân viên hay đối tượng, tôi tin, từ gian bếp, chúng ta có thể nhìn thấy không khí của một gia đình.

“Công việc đặc thù khi phải tiếp xúc, phục vụ các đối tượng mồ côi, khuyết tật nặng, neo đơn nhưng những nữ nhân viên làm nhiệm vụ trực tiếp không mấy khi than phiền. Có đôi khi, đối tượng tại Trung tâm đau ốm đột ngột, phải nhập viện lúc nửa đêm, các chị cũng chẳng nề hà chạy từ nhà vào bệnh viện, thay phiên túc trực, chăm sóc, nâng đỡ như người thân trong nhà. Phải có cái tâm, sự chịu thương chịu khó mới có thể gắn bó lâu dài và nhiệt tình với công việc đến vậy”, bà Ðoàn Thị Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm CTXH&BTXH tỉnh Bình Định chia sẻ.


 

Bài & ảnh: Hoàng Nguyên