Hà Nội: Đồng loạt ra quân kiểm tra các cơ sở kinh doanh rượu
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 03/03/2017
Cuối giờ chiều 2/3, Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP Hà Nội đã tổ chức họp khẩn về việc tăng cường các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm do rượu.
Họp Ban Chỉ đạo ATVSTP TP Hà Nội về việc tăng cường các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm do rượu chiều 2/3 |
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, Sở Y tế đã nhận được thông tin về việc một số người dân ở Hà Nội đang cấp cứu tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) do ngộ độc rượu. Cụ thể, từ ngày 22/2 đến 27/2, Trung tâm Chống độc ghi nhận có 5 bệnh nhân nam tuổi từ 40-54, trong đó có 2 bệnh nhân tâm thần, 3 bệnh nhân tiền sử nghiện rượu. Các bệnh nhân cư trú tại 5 quận, huyện của Hà Nội (gồm: Đống Đa, Hoàng Mai, Phúc Thọ, Ba Đình và Thanh Xuân) đều nhập viện trong tình trạng người mệt mỏi, nôn, đau đầu, nhìn mờ, hôn mê. Qua kết quả xét nghiệm các bệnh nhân cho thấy, nồng độ methanol trong máu cao (từ 40,9-318 mg/dl) và được chẩn đoán ngộ độc methanol.
Cũng theo ông Trần Văn Chung, đánh giá ban đầu, các bệnh nhân ngộ độc methanol rất nặng, những người bị ngộ độc có địa chỉ cư trú xa nhau, không uống rượu cùng một địa điểm. Do vậy, cơ quan chức năng cho rằng nguyên nhân là do rượu nấu pha chế thủ công, không rõ nguồn gốc, không nhãn mác.
Sở Y tế Hà Nội cũng đã chỉ đạo Chi cục ATVSTP báo cáo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) kết quả điều tra đối với 5 trường hợp ngộ độc methanol nói trên. Mặt khác, Sở yêu cầu Chi cục ATVSTP phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở những xã, phường có bệnh nhân ngộ độc rượu, tập trung truy xuất nguồn gốc rượu, lấy mẫu xét nghiệm phân tích, đánh giá, kịp thời cảnh báo nguy cơ cho cộng đồng.
Sở Y tế Hà Nội cũng phối hợp với Sở Công Thương đôn đốc các quận/huyện/thị xã chỉ đạo các xã/phường/thị trấn đồng loạt kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có bán rượu, xử lý nghiêm việc kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc.
TS Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm-Cục An toàn thực phẩm cho rằng, cần phải tăng cường tuyên truyền tác hại do uống rượu, chất có cồn không rõ nguồn gốc, không nhãn mác. Bên cạnh đó, ngành Công Thương phải phối hợp với Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, nhất là những loại rượu không nguồn gốc và nhãn mác cụ thể. Và người dân khi có biểu hiện nghi do ngộ độc rượu cần đến ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.
Theo hanoimoi