Nhiều nhà xe kéo về Hà Nội chất vấn lãnh đạo Sở GTVT
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 28/02/2017
Cụ thể, theo thông tin từ các nhà xe cho biết, vào khoảng 8h30 sáng 28/2, có trên 100 nhà xe vận tải thuộc hai tuyến Nam Định và Thái Bình đột nhiên dừng phục vụ, sau đó nối đuôi nhau lên Hà Nội để đình công về việc luân chuyển luồng tuyến tại các bến xe hồi cuối năm 2016.
Lực lượng chức năng có mặt tại trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ để chặn các xe lại |
Tuy nhiên, khi đoàn xe di chuyển đến Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ (đoạn Km188 + 300, thuộc địa phận Thường Tín – Hà Nội) đã bị lực lượng chức năng chốt chặn tại đây và không cho vào nội thành vì lý do không đảm bảo an toàn trật tự giao thông.
Một nhà xe bức xúc cho biết: “Chúng tôi vẫn còn hợp đồng phục vụ hành khách tại bến xe Mỹ Đình đến năm 2020. Không hiểu nổi vì sao lại chuyển chúng tôi xuống Bến xe Nước Ngầm mà ở đây không có khách để phục vụ. Trong khí phí dịch vụ bến bãi lại cao. Chúng tôi đang đứng trước nguy cơ phá sản rồi”.
Trước đó, ngày 15/2/2017, Văn phòng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải trụ trì, phối hợp với UBND TP. Hà Nội và các cơ quan liên quan tổ chức họp với các doanh nghiệp đang hoạt động vận tải tại bến xe Nước Ngầm, để xem xét, xử lý việc điều chỉnh quy hoạch luồng tuyến giao thông trên địa bàn và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10.3.
Trả lời PV, Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết: "Sáng 28/2, đơn vị đã cử cán bộ phối hợp với Cảnh sát hướng dẫn các nhà xe trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ tập trung về Hà Nội, mỗi nhóm chừng 2-3 xe, chứ không di chuyển thành đoàn xe tránh việc ùn tắc giao thông".
Nhiều nhà xe Nam Định, Thái Bình kéo nhau lên Hà Nội chất vấn lãnh đạo sở GTVT Hà Nội |
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết thêm: “Ngay trong sáng cùng ngày, Sở đã có buổi gặp gỡ với các doanh nghiệp vận tải để tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp”.
Trước đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội ra thông báo chủ trương sắp xếp, điều chuyển luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh bằng ôtô trên địa bàn bắt đầu từ 1/2/2017.
Theo đó, Sở sẽ điều chuyển các tuyến của tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai, Hà Tĩnh, Nam Định, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình đang hoạt động tại bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Sơn Tây, Trôi, Phùng, chuyển về bến xe Nước Ngầm.
Các tuyến của tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái đang hoạt động tại bến xe Nước Ngầm, Giám Bát, Yên Nghĩa, chuyển về bến xe Mỹ Đình.
Các tuyến của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Nông, Điện Biên, Hòa Bình, Kon Tum, Sơn La, Thanh Hóa (các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Quán Lào, Thọ Xuân, Yên Cát đi theo đường Hồ Chí Minh) đang hoạt động tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm, chuyển về bến xe Yên Nghĩa.
Các tuyến của tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn đang hoạt động tại các bến xe Yên Nghĩa, Nước Ngầm, Sơn Tây, chuyển về bến xe Gia Lâm.
Sở Giao thông cho biết mục đích điều chuyển là tránh các tuyến xe khách đi vào nội đô, tránh sự hoạt động chồng chéo, trùng lắp giữa các tuyến xe trong bến với nhau. Đặc biệt, việc điều chuyển các tuyến xe phù hợp với cung đường, tránh xung đội giao thông và để xe khách của các tỉnh đến từ phía Bắc, Nam, Đông, Tây sẽ đến đón trả khách tại các bến xe nằm ở phía tương ứng của Hà Nội.
Hà Trần