Bộ Y tế họp khẩn đối phó dịch cúm A H7N9 và H5N1

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 21/02/2017

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, chỉ tính từ tháng 10/2016 đến nay, đặc biệt là trong 2 tháng đầu năm nay, Trung Quốc liên tục ghi nhận các trường hợp mắc cúm A H7N9. Hiện, quốc gia này đã ghi nhận 425 trường hợp mắc, tăng nhanh so với các đợt dịch trước đó (từ tháng 11/2015-6/2016 ghi nhận 139 trường hợp, từ 10/2014-5/2015 ghi nhận 219 ca mắc…). Điều đáng nói là dịch bệnh lần này ghi nhận tỉ lệ tử vong cao hơn (trên 40%) và bệnh lây lan trên quy mô rộng hơn.
Đây là 2 dịch cúm đang diễn biến phức tạp với số lượng mắc và tử vong cao, bệnh lây lan nhanh tại Trung Quốc. Theo nhận định của Bộ Y tế, 2 loại cúm này có nguy cơ cao lây lan sang nước ta.
 
Nhằm chủ động đối phó với dịch cúm A H7N9 và H5N1, chiều tối ngày 20/2, Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức cuộc họp nhằm đối phó với dịch bệnh này và đưa ra các giải pháp phòng chống dịch bệnh.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cho biết dịch cúm A H7N9 chủ yếu tập trung ở khu vực phía Đông Nam của Trung Quốc- giáp với biên giới Việt Nam, nên khả năng bệnh lây lan sang nước ta là rất cao. Tính đến thời điểm này, nước ta chưa ghi nhận ca mắc cúm A H7N9 nào.

Cúm A H5N1 cũng đang diễn biến phức tạp tại Campuchia. Ở nước ta, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông cũng đã thông báo phát hiện các ổ dịch cúm A H5N1 trên đàn gia cầm tại Bạc Liêu, Nghệ An. Riêng trong ngày 20/2 tiếp tục ghi nhận ổ dịch cúm A H5N1 tại xã  Trực Thuận, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định và đã tiêu hủy khoảng 4.500 con gia cầm mắc bệnh. UBND xã Trực Thuận cũng đã công bố dịch bệnh trên quy mô xã.

Theo ông Trần Đắc Phu, với cúm A H5N1, trong 2 năm qua, nước ta không phát hiện trường hợp nào mắc bệnh trên người, dù trước đó năm 2013, nước ta có ghi nhận số mắc và tử vong cao, đứng thứ 3 trong khu vực.

Trước đây, con đường lây của các ổ dịch cúm A H5N1 ở nước ta rất rõ ràng, nhưng hiện nay các ổ dịch này có nguồn lây không rõ ràng, ghi nhận tại các xã thuộc các tỉnh khác nhau, đặc biệt cúm A H5N1 trên gia cầm hầu như không có triệu chứng.

Tại cuộc họp, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng nhận định, dịch cúm H7N9 tại Trung Quốc đang diễn biến nhanh và phức tạp. Để ngăn chặn bệnh lây lan sang người, Việt Nam cần phải tăng cường giám sát cúm A H7N9 trên người, tập trung vào khu vực có nhiều gia cầm được vận chuyển, giết mổ… đồng thời, tăng cường nhận thức, kỹ năng cho cán bộ y tế trong giám sát và phát hiện ca bệnh.

Tuy nhiên, WHO cũng cho biết, đặc tính của cúm A H7N9 chưa có gì thay đổi, đặc biệt là chưa có bằng chứng lây từ người sang người.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong thời gian tới thời tiết ở nước ta rất thuận lợi cho virus cúm phát triển, vì vậy, ngành y tế cần phải tăng cường và tập trung truyền thông cho người dân về phòng chống dịch bệnh, nhất là những người có yếu tố nguy cơ như buôn bán, giết mổ gia cầm…

“Chỉ khi nào ngăn chặn được cúm A H7N9 và cúm A H5N1 trên đàn gia cầm thì mới ngăn được lây nhiễm cúm trên người”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Thứ trưởng khuyến cáo, người dân không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, các địa phương phải phối hợp với các ngành như công an, nông nghiệp, công thương trong kiểm soát dịch bệnh, quyết liệt ngăn chặn gia cầm nhập lậu, đặc biệt phải lưu ý việc nhập giống, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc trong thời điểm này.

Thời gian tới, ngành y tế sẽ tăng cường giám sát dịch bệnh trên người, đặc biệt với khu vực có nhiều khách du lịch như Nha Trang, các khu vực giáp với vùng biên giới Trung Quốc… Đồng thời, mở rộng đối tượng lấy mẫu (bao gồm cả những ca bệnh nhẹ, những ca có biểu hiện cúm) để giám sát, sau đó sẽ tính đến phương án xét nghiệm mẫu cộng đồng, nhất là những người vận chuyển, tiếp xúc với gia cầm.

Theo chinhphu