Cấp bách đảm bảo an toàn thực phẩm

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 14/02/2017

(TN&MT) - Năm 2017 là “Năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp”. Theo Bộ NN&PTNT, toàn ngành sẽ triển khai quyết liệt các hành động nhằm giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về ATTP cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đảm bảo an toàn thực phẩm và chất lượng nông sản của Việt Nam. Ảnh: MH
Đảm bảo an toàn thực phẩm và chất lượng nông sản của Việt Nam. Ảnh: MH

Nỗ lực bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn

Câu chuyện xuất khẩu gạo trong năm qua đã cho thấy phần nào những vấn đề trong đảm bảo an toàn chất lượng nông sản của Việt Nam. Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu gần 4,9 triệu tấn, đạt kim ngạch 2,1 tỷ USD, giảm 25% về số lượng và 20% về giá trị so với năm 2015. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong bối cảnh thị trường xuất khẩu ngày càng bị thu hẹp, một trong những nguyên nhân làm giảm khả năng cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam là do chất lượng không đáp ứng được yêu cầu của các nước nhập khẩu. Ngay Trung Quốc – thị trường nhập khẩu chính hơn 50% lượng gạo của Việt Nam cũng không còn “dễ tính” mà đã bắt đầu áp dụng các quy định khắt khe về vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Không chỉ gạo, nhiều loại nông sản xuất khẩu như chè, cà phê, tôm, cá tra… của Việt Nam mang theo dư lượng chất độc hại đã từng bị từ chối trên thị trường thế giới. Ngay cả trên thị trường nội địa, nông sản Việt cũng mất dần vị thế do người tiêu dùng nghi ngại dư lượng chất độc hại này có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tại Hội nghị trực tuyến Triển khai kế hoạch Năm cao điểm hành động VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp 2017 mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã thẳng thắn nhìn nhận công tác VSATTP còn là vấn đề khó khăn, nan giải đòi hỏi sự cố gắng kiên trì của cả hệ thống chính trị. Công tác quản lý chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập, thiếu quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo sản xuất an toàn thực phẩm, cần rà soát lại để tăng cường. Các thiết chế văn bản pháp luật còn chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm xử lý các vụ việc vi phạm VSATTP… “Thực thi VSATTP là mặt trận nóng bỏng, đòi hỏi cần có sự đồng bộ liên tục kiên trì”, Bộ trưởng khẳng định.

Trong năm 2016, các cấp, các ngành đã đẩy mạnh loại trừ các nguồn thực phẩm bẩn. Đặc biệt, chỉ thị của Chính phủ xác định vai trò của người đứng đầu các cấp ủy chính quyền địa phương chịu trách nhiệm về VSATTP. Cơ quan chức năng tập trung kiểm soát ở tất cả các khâu, nhất là khâu vật tư đầu vào. Chỉ riêng nhóm thuốc BVTV, năm 2016 đã đưa ra khỏi danh mục 300 loại thuốc BVTV có ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường và sản xuất nông nghiệp; loại bỏ 2 loại thuốc trừ cỏ; tiêu hủy gần 8 tấn thuốc trừ sâu buôn bán qua đường biên giới không chính ngạch.

Trong khâu tổ chức sản xuất, rất nhiều doanh nghiệp, các tập đoàn lớn đã cải cách quy trình sản xuất đưa ra nhiều sản phẩm nông sản sạch, an toàn chất lượng có truy xuất nguồn gốc và trở thành điểm sáng.

Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông đã vào cuộc rất quyết liệt của với các tác phẩm báo chí lên án những hành vi gây mất ATTP, đồng thời, giới thiệu thành quả của các mô hình sản xuất sạch, sản xuất theo chuỗi, sản xuất hiện đại, là cơ sở để thúc đẩy nhanh hơn mô hình sản xuất an toàn. Những điều này đã góp phần làm thay đổi hoàn toàn ý thức của các thành phần kinh tế và người dân về vấn đề VSATTP.

Sản xuất kinh doanh thực phẩm có trách nhiệm

Theo kế hoạch năm 2017, ngành nông nghiệp sẽ triển khai nhiều giải pháp, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý VSATTP; giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về ATTP cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Để có thể thực hiện thành công mục tiêu và các chỉ số đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, trước hết là tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông về ATTP. Đồng thời, các cấp, ngành, địa phương cần bám vào các nhóm giải pháp cụ thể, tăng cường giám sát kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về ATTP; tổ chức sản xuất kết nối với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn. Tăng cường quản lý ngay từ khâu đầu vào sản xuất. Tập trung vào 2 chương trình trọng điểm là tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM, lấy ATTP làm mục tiêu và giải pháp, đồng thời là điều kiện để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hướng tới hội nhập. Bên cạnh đó, khẩn trương tổ chức lực lượng, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP. Xác định người đứng đầu chịu trách nhiệm trong vấn đề VSATTP, kiên quyết xử lý khi có vi phạm.

Sản xuất nông nghiệp bền vững, tạo ra một chuỗi sản xuất lương thực, thực phẩm, cây trồng, vật nuôi mà trong đó, người sản xuất sử dụng những kỹ thuật nông nghiệp giúp bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, tạo ra nguồn thực phẩm tốt cho sức khỏe và không làm ảnh hưởng xấu đến những thế hệ sau đang là mục tiêu mà ngành nông nghiệp Việt Nam hướng tới. 

Ngành nông nghiệp phấn đấu đến cuối năm 2017, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm quy định về tồn dư thuốc BVTV trong rau, củ, quả; tỷ lệ tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm thịt, thủy sản; và tỷ lệ ô nhiễm vi sinh trong thịt giảm 10% so với năm 2016. Tỷ lệ cơ sở kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP (xếp loại A, B) tăng 10% so với năm 2016. Ngoài ra, 100% các tỉnh, thành phố nhân rộng chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn và tổ chức kiểm tra, giám sát, xác nhận sản phẩm an toàn, công khai tại nơi bày bán cho người tiêu dùng.

Khánh Ly