Độc đáo sản vật miền Tây xứ Nghệ

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 09/02/2017

(TN&MT) - Với miền Tây xứ Nghệ, mảnh đất lâu nay đã tạo nên những địa tầng trầm tích về văn hoá – lịch sử bởi chính đất trời và con người nơi đây.… Trong đó, đã tạo nên những sản vật đặc trưng của miền núi rừng đã “hút” khách thập phương.

Trong những lần lang thang nơi miền Tây xứ Nghệ, tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi các sản vật do chính đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú nuôi trồng, sản xuất. Từ gà đen (hay còn gọi là gà ác) sống ở độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển do người Mông nuôi cho đến Vịt bầu, bò Giàng, Lạp xường, cơm Lam, Cải nương, nếp rẫy, mật ong rừng, bánh chưng đen…của đồng bào tự làm, thu lượm được. Chưa kể, miền Tây Nghệ An còn sản xuất ra những loại sản vật rau xanh hay thức uống không thể thiếu cho những bữa cơm đoàn viên gia đình. Chính những sản vật này đã góp phần làm cho miền Tây xứ Nghệ có nét đặc trưng riêng không hòa lẫn.

Còn nhớ, dịp cuối năm theo chân đồng chí Và Bá Rùa, cán bộ Công an huyện Kỳ Sơn phụ trách địa bàn xã Na Ngoi, Nậm Càn vào cơ sở để được nghe bà con đồng bào Mông nơi đây kể chuyện thuần phục con gà đen. Sống bám dưới chân sườn dãy núi Puxailaileng ở độ cao 2.711m so với mực nước biển, giống gà đen đã được người dân nơi đây thuần hóa, trở thành đặc sản quý nơi núi rừng biên cương.

Từ việc chỉ nuôi tách biệt nhỏ lẻ ở dãy núi cao hay nương rẫy, phục vụ để cúng vào dịp lễ, Tết trong gia đình thì nay loại gà này đã trở thành hàng hiếm trên thị trường. Anh Rùa bảo, bình thường giống gà này bán chỉ với 130 – 150 nghìn đồng/kg nhưng dịp Tết đến, Xuân về, gà đen lên giá gần 200 ngàn/kg, vẫn không có hàng để bán.

Ở vùng cao Na Ngoi, Nậm Càn, nơi mây và núi hòa quyện vào nhau kết hợp nhờ khí hậu đặc trưng nên thịt gà đen được nuôi thả nơi này vào loại thượng hạng. Với đặc tính chỉ ăn ngô và cây cỏ tự nhiên nên hiện nay rất nhiều gia đình người Mông nơi đây nuôi hàng trăm con gà đen. Hơn nữa, địa hình liền núi, liền trời đặc trưng nơi miền biên viễn của xứ Nghệ đã tạo thành một dải núi non trùng điệp, chắt chiu những thứ con, thứ cây đặc biệt. Nhiều loại ẩm thực miền Tây Nghệ An còn gắn liền với những truyền thuyết lưu truyền từ đời này sang đời khác trong đồng bào gắn với lịch sử hình thành của con người nơi đây.

Đặc sản măng ớt ở thị trấn Mường Xén – huyện Kỳ Sơn
Đặc sản măng ớt ở thị trấn Mường Xén – huyện Kỳ Sơn

“Không biết tự bao giờ, người dân bản cũng như trong vùng đã biết cách chế biến những món ăn để tự phục vụ cho gia đình mình. Từ cải nương được muối trong ống lùng, ống nứa để ăn vào dịp mùa lạnh cho đến thịt lợn chua cũng không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Cả choé rượu cần được ngâm ủ theo kinh nghiệm dân gian trở thành thứ men gắn kết mọi người sum vầy lại với nhau cho những ngày Xuân ấm áp. Ngày trước, nó là của riêng đồng bào nơi đây để tiếp khách quý khi đến thăm nhà nhưng nay, đã trở thành món ăn, thứ uống được người tận dưới xuôi lên săn mua, đặt làm…” – Già làng Hà Văn Tuyên ở bản Pỏm Om, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong thủ thỉ

“Chợ” đặc sản của đồng bào Thái ở xã Châu Thôn (huyện Quế Phong)
“Chợ” đặc sản của đồng bào Thái ở xã Châu Thôn (huyện Quế Phong)

Sản vật miền Tây xứ Nghệ trong những năm qua đã tạo nên thương hiệu gắn liền với tên Bản, tên Mường của đồng bào nơi đây. Điều mà không phải ai cũng có thể bỏ qua được bởi những hương vị đặc trưng làm say đắm lòng người, giữ chân lữ khách.

Nói đến sản vật miền Tây xứ Nghệ, có thể sẽ không kể hết được với những đặc tính vốn có của nó trong khuôn khổ của một bài viết. Nó giống như những câu chuyện dài mà người nghe có đi hết triền núi, triền sông cũng không nghe hết được. Nhưng, nếu điểm qua vài nét chấm phá, chúng ta có thể hiểu ở đây sẵn có những tiềm năng về một miền sản vật đang cần được “chắp cánh” vươn xa. Ở tầm vĩ mô hơn nữa, theo đánh giá của các nhà kinh tế học, những loại ẩm thực của đồng bào sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần đưa miền Tây Nghệ An phát triển hơn nữa. Đây cũng là vấn đề mà các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn đang quan tâm, tạo mọi điều kiện để thúc đẩy.

Mạc khẻn (tiêu rừng) ở miền núi Nghệ An được khách thập phương rất ưa chuộng
Mạc khẻn (tiêu rừng) ở miền núi Nghệ An được khách thập phương rất ưa chuộng

“Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2020” của Chính phủ năm 2013 được xem là “chìa khoá” để mở cửa, tạo hướng mở để các địa phương nơi miền Tây xứ Nghệ có bước đột phá phát triển trên nền tảng tiềm năng, lợi thế sẵn có. Cụ thể hoá bằng những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vào thực tiễn, việc xây dựng thương hiệu riêng cho các sản vật “made in miền Tây xứ Nghệ” cũng đang được triển khai đồng bộ, có chiến lược rõ ràng. Nhiều địa phương đang chuẩn bị cho mình lộ trình để xúc tiến, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng. Hướng tới nữa đó là việc khuyến khích bà con bản địa nhân rộng các mô hình trồng, chăn nuôi thực phẩm sạch để giữ thương hiệu. Ngay tại huyện Quế Phong, với việc tổ chức khai trương gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của địa phương cũng đang là bước đi nhiều triển vọng để mở hướng cho sản vật của đồng bào vươn xa ra thị trường.

Chuột rừng cũng được bày bán
Chuột rừng cũng được bày bán

Thế nhưng, một trong những trăn trở, vướng mắc mà chính quyền địa phương cũng như đồng bào nơi miền Tây xứ Nghệ gặp phải đó là vấn đề làm sao để sản vật có chỗ đứng trên thị trường? Vấn đề này, khi tiếp cận với nhiều lãnh đạo địa phương nơi miền biên viễn, chúng tôi cũng không khỏi chạnh lòng khi sản vật của đồng bào hiện nay đang như “nàng tiên” ngủ quên trong rừng thẳm.

Ngay như ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cũng có không ít trăn trở bởi trong những chuyến “vi hành” thực tế, thấy cảnh hàng hóa bà con thu gom bị hư hỏng do phải nằm chờ quá lâu để tư thương đến mua. Sản vật của bà con đồng bào không phải nghèo kiệt nhưng để nó trở thành thứ hàng hoá cho giá trị kinh tế cao trên thị trường, còn nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ. Đó là phương thức tiếp thị, giới thiệu sản phẩm ra bên ngoài. Là cung cách nuôi trồng, sản xuất theo hướng hàng hóa nhưng vẫn phải giữ được “bản chất” vốn có của sản vật núi rừng…

Thịt gác bếp cũng là đặc sản không thể bỏ qua
Thịt gác bếp cũng là đặc sản không thể bỏ qua

Nói là như vậy nhưng để miền sản vật nơi miền Tây xứ Nghệ vươn xa cần phải có sự nỗ lực của các ban, ngành, địa phương hơn nữa. Đặc biệt sự liên kết giữa 4 nhà (Nhà nước – nhà nông – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp) cần phải chặt chẽ, đồng bộ để nền nông nghiệp miền Tây ngày càng hiện đại trong sản xuất, bền vững khâu tiêu thụ.

Bài và ảnh: Phạm Tuân