Chuyện đời, chuyện văn của nhà văn Ma Văn Kháng

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 03/02/2017

 (TN&MT) - Nhà văn Ma Văn Kháng đã đươc trao tặng nhiều giải thưởng văn học cao quý, đáng kể nhất là Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật ( năm 2001...

      

(TN&MT) - Nhà văn – nhà báo Ma Văn Kháng, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Lào Cai đổi mới , nguyên Phó giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Lao động ( Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam), nguyên Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài (Hội nhà văn Việt Nam), nguyên Ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam ( 2 khóa liên tiếp), ông đã có nhiều năm gắn bó với vùng đất “ Nơi con sông Hồng chảy vào Đất Việt” và từ đó  ông đã có nhiều tác phẩm văn học ( truyện ngắn, tiểu thuyết) được bạn đọc trong nước và ngoài nước đánh giá cao.

 Nhà văn Ma Văn Kháng đã đươc trao tặng nhiều giải thưởng văn học cao quý, đáng kể nhất là Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật ( năm 2001 ), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật ( năm 2012), Giải thưởng văn học ASEAN…

Nhân dịp xuân Đinh Dậu 2017 xin giới thiệu một số mẩu chuyện về nhà văn Ma Văn Kháng chúng tôi sưu tầm, biên soạn qua cuốn hồi ký của ông “ Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương” do Nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam xuất bản năm 2009.    

Nhà văn Ma Văn Kháng
Nhà văn Ma Văn Kháng

TẠI SAO BÚT DANH LÀ … “MA VĂN KHÁNG”

 Theo cuốn hồi ký “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương” của nhà văn Ma Văn Kháng, trong dịp được tỉnh phân công xuống xã Nam Cường khi ấy thuộc huyện Bảo Thắng ( tỉnh Lào Cai) làm công tác vận động thu thuế  chẳng may ông bị bệnh sốt rét nặng và đã được ông Ma Văn Nho, Phó Bí thư Huyện ủy kiêm Phó chủ tịch huyện Bảo Thắng nhờ ông Sơn là y tá từ thời Pháp ở vùng Cam Đường tiêm cho 2 ống  thuốc Tây chữa sốt rét nên khỏi hẳn bệnh quái ác này. Thời đó bệnh sốt rét là bệnh hiểm nghèo nên có một thày giáo tử vong…

Để nhớ công ơn ông Ma Văn Nho giúp tìm người chữa khỏi bệnh nên nhà văn đã kết nghĩa anh em với ông Nho và mang bút danh họ Ma từ đó.

Tên khai sinh của nhà văn Ma Văn Kháng là Đinh Trọng Đoàn, còn tên Kháng là bí danh của ông khi tham gia văn nghệ thiếu nhi phục vụ tuyên truyền ở Cục Quân y ở chiến khu Việt Bắc từ thời chống Pháp.

Năm 2004 ông rất bất ngờ nhận được lá thư của một người đại diện họ Ma ở huyện Diễn Châu ( tỉnh Nghệ An) gửi ra Hà Nôi nhờ nhà văn Ma Văn Kháng là con cháu dòng họ Ma giúp tìm hiểu gia phả họ Ma. Nhà văn rất xúc động viết thư trả lời lý do ông mang bút danh họ Ma và sau đó ông thông báo cho ông Ma Văn Nho khi đó biết sự kiện trên.

TRUYỆN NGẮN ĐẦU TAY VIẾT VỀ … PHỐ TÈO

Kể về sự ra đời của truyện ngắn đầu tay của mình được đăng trên báo Văn học cách đây gần 60 năm, nhà văn Ma Văn Kháng viết:

….” Lào Cai đã trở thành  quê hương thứ hai của tôi. Tôi đã yêu mảnh đất này, và đã sinh cơ lập nghiệp ở đây. Phố Cụt, truyện ngắn đầu tay của tôi viết về đám cư dân và cuộc sống mới ở đây, cái Phố Tèo mà Nguyễn Công Hoan đã nói trong đoạn văn tôi còn nhớ và nhắc lại trên. Truyện ngắn này được  in trên tờ Văn học – tiền thân của tờ Văn nghệ hôm nay- ngày 3 tháng 3 năm 1961. Đó là một kỷ niệm, một sự kiện đánh dấu công cuộc vắn chương mà tôi theo đuổi cả đời. Nghe nói, Chế Lan Viên, Nguyễn Thành Long có khen truyện này. Các ông bảo, nó có không khí của truyện ngắn Mô pát xăng ( bây giờ đọc lại tôi thấy mặt nong nóng vì ngượng ngùng). Sau truyện Phố  cụt là một loạt truyện ngắn khác cũng được đăng trên tờ Văn học. Đó là các truyện Người coi miếu thổ ty, Những ngày đầu, Những người thợ đường dây ( Văn nghệ 26/2/1963), Những người hàng xóm ( Văn nghệ 26/6/1964)… đăng tải trong các năm 1964, 1965… tất cả đều lấy mẫu hình và cảm hứng từ cuộc sống và con người ở cái thị xã bé nhỏ quê hương này…

Năm 2014 nhà văn Ma Văn Kháng đã tự nguyện tặng lại toàn bộ các bản thảo văn học, các sổ tay ghi chép với hàng chục ngàn trang viết tay của ông cho Trung tâm lưu trữ quốc gia Hà Nội bảo quản và lựu giữ lâu dài phục vụ công tác nghiên cứu văn học và bạn đọc tìm hiểu kỹ về nhà văn họ Ma, trong đó có bản thảo tập truyện ngắn đầu tay “Phố cụt”. Năm xưa thành phố Lào Cai cũng đã chọn truyện ngắn “Phố cụt” của nhà văn Ma Văn Kháng đăng lại trong cuốn đặc san kỷ niệm 100 năm Lào Cai hình thành và phát triển.

NHÀ VĂN LÀM THƯ KÝ CHO BÍ THƯ TỈNH ỦY LÀO CAI

 Ma Văn Kháng xuất bản tiểu thuyết”Một mình một ngựa” nhưng khi đọc tôi lại thấy có hơi hướng của một cuốn hồi ký văn học viết về hoạt động của Tỉnh ủy Lào Cai và cá nhân Bí thư  Tỉnh ủy Lào Cai những ngày đầu gian khó sau kháng chiến chống Pháp, tiễu phỉ, rồi tới thời kỳ  xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ vùng đất biên cương trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

 Có thể nói đây là cuốn tiểu thuyết hay nên tôi đã kỳ công xuống Hà Nội tìm mua bằng được và đã đọc đi đọc lại nhiều lần. Thiết nghĩ các nhà viết sử quê hương Lào Cai và các thế hệ lãnh đạo Lào Cai nên độc quyển tiểu thuyết này vì nó có giá trị nhiều mặt.

Kể về kỷ niệm được chọn làm thư ký riêng của Bí thư Tinh rủy Lào Cai, nhà văn Ma Văn Kháng viết trong cuốn hồi ký “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương” như sau:

…” Chút tiếng tăm do viết lách những năm tháng ấy đem lại cho tôi chút kính nể riêng ở môi trường tỉnh nhỏ và tôi thật không ngờ, nó lại là cái duyên cớ tạo nên một bước ngoặt lớn trong đời mình. Số là lúc này đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Hoàng Trường Minh, tên khai sinh là Hoàng Khải Luận, rất cần có một thư ký giúp việc. Vì người giúp việc giấy tờ cho đồng chí vốn là giáo viên dạy bổ túc văn hóa kiêm nhiệm, hơn nữa dịp này anh ấy lại được chuyển công tác về xuôi. Lo việc tìm người thay thế là Ban Tổ chức Tỉnh ủy, ban  này đặt ra các tiêu chuẩn: thư ký giúp việc cho Bí thư Tỉnh ủy phải là đảng viên (tất nhiên), tốt nhất là đã kinh qua cấp ủy, hơn nữa, người này phải thạo việc viết lách.Và do ở Ban Tổ chức Tỉnh ủy có mấy chuyên viên nguyên là thày giáo quen biết, nên tôi được đề cử ngay lập tức. Tôi đã từng là Chi ủy viên, có truyện ngắn đăng trên tờ Văn học, tức là tôi đã đạt tiêu chuẩn thạo việc viết lách rồi còn gì(?).

Ngày 4/3/1967, tôi nhận được quyết định số 13 của Ban thường vụ Tinh rủy Lào Cai, điều tôi đang là Trưởng phòng cấp II, III Ty Giáo dục Lào Cai về Văn phòng Tỉnh ủy làm thư ký riêng cho Bí thư Hoàng Trường Minh.

Việc này thật bất ngờ với tôi. Và cũng gây sốc với Ty Giáo dục. Trưởng ty Giáo dục Phạm Hồng Phúc, một cán bộ Đảng giàu năng lực, yêu văn chương, khiếu nại với tỉnh: Rằng anh Kháng là cán bộ chủ lực của Ty Giáo dục; là cánh tay phải của chúng tôi, là nhà văn tương lai, để anh ấy làm việc ấy là lãng phí tài năng và công sức tích lũy nghề nghiệp. Thì được chính Bí thư Tỉnh ủy trả lời: Chả lẽ ở cương vị Bí thư Tỉnh ủy, tôi không xứng có một người giúp việc như anh Kháng?

Về phần tôi, tôi nửa thích thú, nửa lo ngại. Và vương vương một chút buồn ủy mỵ…”

Nhà văn Nguyễn Thành Long
Nhà văn Nguyễn Thành Long

TRUYỆN NGẮN NỔI TIẾNG” LẶNG LẼ SA PA” ĐƯỢC VIẾT TỪ MỘT MẨU TIN

Thông tin này do nhà văn Ma Văn Kháng kể trong cuốn hồi ký “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương” của ông. Ông kể: “… Người đầu tiên báo tin cho tôi biết: truyện ngắn Xa Phủ của tôi được giải cuộc thi Truyện ngắn 1967 – 1968 của Báo Văn nghệ là nhà văn Nguyễn Thành Long.

Ông là nhà văn suốt đời tôi kính trọng và mang ơn. Chính ông là người đã trực tiếp dẫn dắt tôi vào con đường văn chương, trong khi tôi tự nghiệm ra, Tô Hoài là người tôi chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Nguyễn Thành Long  chữ viết rất đẹp. Viết cho tôi những lá thư dài ông nói rất kỹ càng về nghề văn. Ông bảo ban tôi một cách ý nhị, qua kinh nghiệm của ông. Ông luôn yêu cầu cao về chất lượng văn chương và rất nghiêm cẩn về chữ nghĩa. Ông là người đề xướng quan niệm: Văn học ta giai đoạn này mang tính tập thể và vui. Có học vấn vững vàng, ông lại rất nhạy cảm với cuộc sống. Ông là con người ưa tìm tòi theo hướng tiếp cận với cái hiện đại của các nền văn học tiên tiến. Được sự chỉ bảo của ông, tôi vỡ ra nhiều điều về nghề nghiệp.

Ông hay đi thực tế sáng tác ở Lào Cai. Một làn, ông lên, trong khi ăn nghỉ ở cơ quan tôi, đọc báo tỉnh,, ông thấy một mẩu tin viết về người quan trắc viên của Đài khí tượng Sa Pa phải làm việc trong cô đơn ở đỉnh đèo Hoàng Liên, luôn thèm khát được tiếp xúc với con người ông liền nẩy ra ý muốn được tiếp xúc với con người ấy. Người quan trắc viên đó là anh Nguyễn Văn Ngọ, học sinh lớp 10 cũ của tôi. Nghe tôi nói vậy, ông lập tức đòi đi Sa Pa ngay. Nhưng đến Sa Pa hôm trước, hôm sau ông đã có mặt ở Lào Caai và nhờ tôi mua vé tàu tức về Hà Nội ngay trong đêm. Ông giải thích: “Nhà văn phải biết giữ gìn cảm xúc, không để nó tan loãng! Một khi xúc động và tứ truyện đã chín muồi, thì phải nâng niu nó, bịt kín tất cả các lối vào cảm giác, để có một suy nghiệm duy nhất thôi!”

Mấy tháng sau truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa ra đời và nó trở thành một đỉnh cao trong sự nghiệp văn học của ông…”

Nhà văn Nguyễn Thành Long (1925 – 1991), quê quán Duy Xuyên (Quảng Nam ) là người góp phần sáng lập Hội nhà văn Việt Nam năm 1957. Ông đã được truy tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho các tác phẩm văn học của mình , trong đó có truyện ngắn nổi tiếng Lặng lẽ Sa Pa.

                                                              Phạm Ngọc Triển