Gốm Chu Đậu giữ "hồn Việt"
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 25/01/2017
Hai sản phẩm tiêu biểu đặc sắc nhất của gốm Chu Đậu cổ là loại bình cổ cao hoa lam và bình hoa lam tỳ bà được các nghệ nhân gốm Chu Đậu phỏng lại nguyên bản |
Cứ mỗi dịp Xuân về, mẹ tôi lại sửa soạn bộ bát đĩa thật tươm tất để cả nhà đón Tết, cả họ tới chơi ăn bữa cơm quê. Có lần, nhìn những bộ bát đĩa tối màu, men không được trắng, tôi thắc mắc: “Sao nhà mình không thay toàn bộ bát đĩa khác, ngoài thị trường có rất nhiều sản phẩm mẫu mã đẹp, hiện đại?” Mẹ cười bảo rằng: “Người Nam Sách mình xưa nay vẫn quen dùng bát đĩa của làng gốm Chu Đậu, nhìn tuy không sang trọng, bắt mắt nhưng lại mang đến cảm giác gần gũi, thân thuộc với bờ ao, bờ ruộng quê mình”. Ký ức tuổi thơ tôi ùa về với những năm tháng êm đềm nơi làng nghề Chu Đậu, bưng bát cơm với thứ men màu xỉn, hoa văn xanh, nâu màu cỏ đất mà bồi hồi xao xuyến lạ…
Tôi quyết định dành thời gian những ngày nghỉ cuối tuần về quê tìm hiểu kỹ hơn về làng gốm cổ Chu Đậu xưa để tìm hồn, cốt của một dòng gốm đã đi vào chiều sâu văn hóa Việt. Tôi nhớ đâu đó, có một nghệ nhân đã nói rằng, khác với sự cầu kỳ, uyên bác của gốm sứ của người Trung Quốc, gốm Chu Đậu làm cho trái tim con người xao xuyến và xúc động vô cùng bởi chính cái chất thuần Việt, không bị lai căng. Đó chính là nét đẹp của gốm Chu Đậu, nét đẹp tâm hồn, chí hướng của người Việt Nam.
Hình dạng đồ gốm Chu Đậu cũng thật phong phú, có bát chân cao, bát chân thấp, tô, đĩa, chén, bình vôi, lọ, nghiên mực... sản phẩm chủ yếu là các vật dụng liên quan đến đời sống văn hóa, tinh thần của con người Việt. Gốm làm hoàn toàn thủ công. Chất liệu tạo nên gốm cũng rất đặc biệt và công phu. Men làm từ tro vỏ trấu thóc nếp, được trộn với đất sét bằng công nghệ nhào nặn đặc thù, sau đó nung với nhiệt độ rất cao. Khi ra lò, gốm có màu men hơi vàng ngà ngà của trấu và có độ sâu. Đặc biệt, có những vết rạn vệt xoắn hình đồng tiền cổ, khác hẳn với những vết rạn thông thường như rạn chân chim, hạt ngô, hạt đá... Khi gõ vào những chiếc bình, phát ra tiếng kêu bong bong gọn, sắc.
Nghệ nhân gốm Chu Đậu Hạ Bá Định thực hiện những nét vẽ phỏng lại xã hội Việt thời xưa |
Nét vẽ trên gốm Chu Đậu là thiên nhiên và cuộc sống của cư dân sông Hồng với đủ quan niệm về chân, thiện, mỹ. Từ hoa sen, hoa cúc cách điệu, hình người đội nón, áo dài, mục đồng chăn trâu, chim đậu trên cành hoa đào, đàn chim ngói. Các sản phẩm gốm Chu Đậu kế thừa sự thanh thoát, uyển chuyển của gốm thời Lý, vóc dáng khỏe khoắn của gốm thời nhà Trần. Bởi vậy, gốm Chu Đậu thời đó đã đạt được 4 tiêu chuẩn lý tưởng cho sản phẩm gốm, đó là: mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông.
Các nghệ nhân gốm Chu Đậu đã khai sinh một dòng gốm quý với nước men sáng và vẻ đẹp tinh tế, tuyệt vời nhất là hoa văn trên men trắng màu chàm (lam) và men tam thái. Loại đồ gốm Chu Đậu hạng nhất này nhiều món đẹp tuyệt bứt xa đồ nhà Minh và đẹp không kém gì đồ gốm men lam của nhà Thanh bên Trung Quốc.
Hai sản phẩm tiêu biểu đặc sắc nhất của gốm Chu Đậu cổ là loại bình cổ cao hoa lam, trong dân gian hay gọi là bình củ tỏi và bình hoa lam tỳ bà còn được gọi là bình cha, mẹ tượng trưng cho Âm dương – Trời đất – Vợ chồng. Họa tiết lông chim Lạc Việt chạy quanh miệng bình thể hiện truyền thống của con Rồng cháu Lạc. Vai bình vẽ họa tiết ngũ hành gồm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Thân bình thể hiện bằng họa tiết tùng, cúc, trúc, mai với sóng nước. Phần chân bình được tạo viền bởi những họa tiết cánh hoa sen thể hiện đạo giáo người Việt. Cùng với bình tỳ bà, bát, đĩa Chu Đậu cũng là những món đẹp và nổi tiếng được rất nhiều viện bảo tàng trong nước và nhà sưu tập quốc tế ưa chuộng.
Theo các nhà sử học, gốm Chu Đậu có nguồn gốc cao quý, xuất hiện cách đây khoảng 500 năm, vào thời Lý, Trần, Lê, Mạc. Sau 500 năm thất truyền, con đường trở về của gốm Chu Đậu cũng là câu chuyện thú vị.
Bắt đầu từ lá thư tay của ngài Makoto Anabuki - Đại sứ người Nhật tại Việt Nam. Năm 1980, nhân chuyến công tác, ông đến bảo tàng Tokapi Saray Istanbul ở Thổ Nhĩ Kỳ và thấy một chiếc bình cổ Hoa lan rất đẹp, hình dáng củ tỏi, cao 54 cm, có ghi dòng chữ Hán: “Thái hòa bát niên Nam Sách Châu Tượng nhân Bùi Thị Hý bút”. Chiếc bình này được mua bảo hiểm với mức 25 triệu USD. Sau đó, ông đã liên hệ với các cơ quan chức năng Việt Nam xác định dòng của chiếc bình gốm cổ đó. Cùng với các cơ quan chức năng, tỉnh Hải Dương đã xác định cụ Tổ của làng gốm Chu Đậu là bà Bùi Thị Hý, người làng Chu Đậu, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Gặp chị Đặng Thị Nhị là hậu duệ của Cụ tổ nghề gốm Chu Đậu Đặng Sỹ (chồng bà Bùi Thị Hý) người làng Chu Đậu. Với 15 năm kinh nghiệm làm gốm, Chị Nhị vừa được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là Nghệ nhân. Chị Nhị chia sẻ về ước mơ khôi phục nghề gốm và giữ gìn bản sắc riêng cho từng sản phẩm gốm. Hiện nay, chị cùng các nghệ nhân ở làng gốm Chu Đậu cố gắng phục chế gốm cổ và tạo mẫu sản phẩm mới nhưng không làm mất đi phong cách gốm cổ để lưu truyền nghề gốm cổ cho thế hệ con cháu mai sau.
Thương hiệu gốm Chu Đậu được nhiều nước trên thế giới biết đến nên những năm đầu, 70% sản phẩm gốm của Công ty được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài chủ yếu là Đức, Nga và Tây Ban Nha. Những năm gần đây, thương hiệu gốm Chu Đậu đã được quảng bá rộng rãi, nhân dân nhiều nơi trong cả nước biết đến nên thị trường nội địa lại được tiêu thụ nhiều hơn. Các sản phẩm được tập trung vào dòng quà tặng, lưu niệm…
Giờ đây, gốm Chu Đậu đã vinh dự có trong danh sách những sản phẩm đặc trưng của làng nghề Việt Nam được lưu trữ tại 46 bảo tàng danh tiếng của 32 quốc gia trên toàn thế giới. Với những nỗ lực của mình, sản phẩm gốm Chu Đậu là đã được cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi về thăm làng gốm tặng cho 9 chữ “Gốm Chu Đậu tinh hoa văn hóa Việt Nam”.
Vũ Vân