Công phu đào Thất Thốn
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 25/01/2017
Từ tranh thủy mặc mà vươn ra đời
Bích đào Nhật Tân (quận Tây Hồ - Hà Nội) đã đi vào huyền thoại. "Hoa đào đẹp lối Nhật Tân/ Yêu quê hoa nở đầy sân lụa đào". Người Nhật Tân đã tự hào về bích đào như thế. Bích đào Nhật Tân giờ hiếm dần, bởi hoa nở có một đợt, dày công chăm, nhưng hễ nở sớm hay muộn là người trồng mất Tết. Người ta nhập giống bích đào mới về trồng. Hoa ra suốt gần cả tháng. Nhưng ở đất Nhật Tân, có một giống đào còn quý hơn cả bích đào - đó là đào thất thốn.
Hoa đào vốn tượng trưng cho vượng khí mùa xuân, cho hơi ấm xua tan mùa đông lạnh giá. Bởi thế, sắc đào càng đỏ, càng quý. Đào thất thốn có một màu đỏ đặc biệt, không lẫn vào đâu được, sẫm đến nao lòng, vượt xa cả những cây bích đào cổ. Cái tên "đào thất thốn" vẫn còn khá xa lạ với mọi người. Khi đem điều này hỏi những cao niên ở đất Nhật Tân, chúng tôi được biết, không nhiều người biết đến, bởi đào thất thốn rất quý, rất khó trồng. Mà rất hiếm nhà trồng hoa nở đúng Tết. Ngay cả các gia đình ở Nhật Tân thi thoảng mới có một gia đình trồng vài cây thất thốn mà thôi. Toàn thân đào thất thốn xù xì, đầy những u mấu, nhìn dáng cây nhuốm màu thời gian, mang dáng vẻ cổ kính như một người từng trải qua năm tháng. Nhưng vẻ đẹp của thất thốn lạ lùng hơn cả là ở cách đâm hoa. Khác với đào thường, hoa chỉ nở từ những cành nhỏ, thất thốn có thể nở hoa từ những trụ gốc xù xì, có cây, hoa nở kề mặt đất. Chính vì thế, trông những gốc cây "siêu thực", chẳng khác nào những bức tranh thủy mặc vẽ về hoa đào.
Đào thất thốn có mặt ở Nhật Tân từ khi nào không ai biết. Đến những người kinh nghiệm lâu năm ở đây cũng không thể giải thích. Cái tên "thất thốn" cũng thế. Có người bảo rằng thất thốn tức là bảy thốn (đơn vị đo cổ) thì có một bông hoa. Có người lại bảo cây cao đến bảy thốn thì đâm nhánh, người cho rằng, lá đào rất dài, đến bảy thốn... Trước đây, người Nhật Tân nào trồng đào thất thốn nở đúng Tết là các vị thường rủ bạn hữu đến ngắm, vừa thưởng trà đầu năm, vừa bình phẩm về nét đẹp riêng có của giống đào này. Nếu để tự nhiên, đào thất thốn thường ra hoa vào cuối tháng Giêng. Đấy chính là điều thách thức những người trồng hoa. Nhiều người chăm thất thốn mà nhiều năm đào không nở vào Tết. Nhiều người bỏ cuộc, chỉ để gốc đào chơ vơ góc vườn. Tiếc thì tiếc đấy, nhưng quá tốn công, đâm ra ai cũng ngại. Cuộc sống đâu chỉ có thưởng ngoạn cỏ hoa. Cơm áo gạo tiền chưa bao giờ thôi thúc giục bất kỳ ai. Đào thất thốn tưởng chừng... tuyệt chủng.
Chinh phục "đệ nhất đào"
Nghề trồng đào vẫn được xem là nghề "đánh cược với thời tiết". Mà thời tiết thất thường. Cả năm, người trồng đào chỉ trông vào vụ Tết. Để những bông đào cận Tết bắt đầu chúm chím phải trải qua quy trình chăm sóc tỷ mỉ, từ bón phân, tuốt lá, tỉa cành, khoanh gốc. Muốn thất thốn ra hoa đúng Tết còn khó hơn. Có người suýt sạt nghiệp vì thất thốn. Đến nỗi, người ta còn bảo đào thất thốn là đào... thất bại. Nhưng với người Nhật Tân, trồng đào không chỉ là phương tiện mưu sinh. Cây đào còn là tri kỷ. Từ thuở sinh ra, người ta đã thấy cành đào đầu ngõ, rồi cái Tết đầu tiên trong đời mỗi người, đã nhuộm thắm sắc đào từ nhà ra ngõ. Người này bỏ cuộc, lại có người khác chinh phục nàng "vương phi" của hoa đào.
Lê Hàm là một người như thế. Vốn nghề trồng đào gia truyền, dễ hiểu khi anh nối nghề, rồi thành công với nhiều giống đào mới, thế đào đẹp mắt. Nhưng khi đụng vào đào thất thốn lại là câu chuyện khác. "Không phải ai lần đầu nhìn thấy cũng mê thất thốn cả. Nhưng đã hiểu đào thất thốn, người ta sẽ chẳng thấy loài đào nào đẹp nữa. Và tôi chính là người như thế", anh Lê Hàm kể về quá trình mình chinh phục đào thất thốn.
Khởi đầu, Lê Hàm đi tìm những gia đình còn đào thất thốn hỏi mua về, tự mày mò thử nghiệm... Tiền bao nhiêu cũng không tiếc. Những năm 1990 mà có khi anh phải bỏ ra tiền triệu mới mua được một gốc. Nếu như các loại đào thường ghép mắt chỉ một năm đã ra hoa, đào thất thốn phải mất đến 3 năm. Muốn cây đẹp phải 5 - 7 năm hoặc hơn thế. Mỗi năm, đào chỉ ra hoa đúng một lần, nên một chu kỳ thử nghiệm của Lê Hàm mất đúng... một năm. Bao lần vẫn thế. Dầm mưa dãi nắng để chăm cho cây đào có dáng thế đẹp, tuốt lá rồi hồi hộp chờ... đến ngày 30 Tết, người ta rộn ràng, đào thất thốn vẫn như... đống củi khô. Mải mê với đào thất thốn, Lê Hàm cũng suýt sạt nghiệp. Anh quay lại làm đào thế, lấy ngắn nuôi dài. Vừa làm vừa tìm hiểu, không đốt cháy giai đoạn được. Người đẹp đỏng đảnh quả không sai. Lê Hàm thí nghiệm mỗi cây một cách chăm sóc riêng. Có năm sát Tết, nụ hoa bắt đầu chúm chím. Tưởng năm sau chăm theo cách đấy sẽ chắc ăn. Nào ngờ lại thất bại. Thế rồi dịp Tết Canh Dần năm 2009, khi phần lớn cây đào thất thốn trong vườn cây nhà anh nở hoa đúng dịp Tết, Lê Hàm mới lần đầu tiên tin mình nắm được bí kíp chinh phục giống đào huyền thoại...
Những cây đào không lớn, quá lắm chỉ cao đến mét rưỡi, nhưng hội đủ những gì tinh túy nhất của cả cây thế lẫn vẻ đẹp hoa đào, những bông hoa đỏ thẫm kiêu sa, vượt lên hẳn so với "phần còn lại". Lê Hàm đứng mê mẩn nhìn vườn đào không chán. Tưởng chừng không mấy người chia sẻ về vẻ đẹp của đào thất thốn thì ngờ đâu, bao người kéo đến ngắm đào. Giống đào thất thốn đã được Lê Hàm cứu. Nhiều người bảo đó là "đào Lê Hàm".
Mấy năm nay, kinh tế khá giả, người chơi đào cũng sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để có được cây đào như ý. Đào thất thốn nhờ thế tìm được thị trường tiêu thụ, cho dù giá một cây rẻ nhất cũng không dưới 5 triệu. Một cây nhỏ, nhưng dáng thế đẹp cũng khoảng hơn 10 triệu đồng. Lê Hàm không khuyến khích khách hàng mua cây. Bởi nếu không biết chăm, sang năm cây chết uổng công người chăm bón nhiều năm. Anh thường cho thuê. Và mấy năm trở lại đây, "đào Lê Hàm" thường không đủ bán. Nhiều người ở Nhật Tân thấy Lê Hàm thành công, thấy đào thất thốn hấp dẫn khách hàng cũng bắt đầu trồng thất thốn. Tuy tốn công, nhưng thành quả thu được là tương xứng với công sức bỏ ra.
Một mùa xuân mới lại về. Nhà nhà đang chuẩn bị đón Tết. Trong cái không khí ấy, không thể thiếu những cành đào, chậu quất, những bông hoa rực rỡ. Còn nhớ trong câu chuyện của nhà văn Nguyễn Tuân, cái kỳ công của chơi hoa đã thắng cái tinh vi của kỹ thuật máy móc, đến độ người ta phải chỉnh lại cái đồng hồ quả quýt theo đúng giờ hoa thuỷ tiên nở đêm giao thừa. Người Hà Nội tinh tế là như thế. Thú chơi hoa, cây cảnh giờ ngày càng trở nên phổ biến ở khắp mọi miền, nhất là trong dịp Tết đến, Xuân về. Nhưng không khó để nhận ra, trong cuộc "trăm nhà đua tiếng" ấy, người Hà Nội vẫn giữ một nét rất riêng. Đào thất thốn có thể coi là đại diện tiêu biểu cho cái "là một, là riêng, là thứ nhất" ấy...
Tuệ Minh