Tháng Chạp
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 23/01/2017
Chạp là tháng cuối của mùa Đông, đọc trại từ "Lạp nguyệt" theo ngôn ngữ người Hoa Hạ, tháng của những tế lễ tạ ơn trời đất, tổ tiên, cha mẹ...
Tháng Chạp trong ký ức tuổi thơ tôi là trời sầu đất thảm, giá lạnh vô cùng, co ro cúm rúm, mũi dãi sụt sùi... chứ không thế này.
Lạnh tới mức đi ngoài trời về, sờ vào nước còn thấy ấm.
Cứ buổi chiều ngày học cuối cùng, 25 - 26 tháng Chạp, chú tôi qua đón về quê ăn Tết. Khỏi phải nói tôi mong chờ ngày đó thế nào. Ngồi trên gác-ba-ga gỉ của chiếc xe đạp cũ, vượt qua hơn chục cây số đường xóc ê ẩm, chân tê rơi cả dép mà không biết.
Đôi lần chú dừng nghỉ ở quán nước bên đường, chiêu ngụm trà cùng điếu thuốc, lơ đãng nhìn dòng người thưa thớt. Tôi cũng có chiếc kẹo dồi, kẹo lạc nhưng nhấp nhổm chỉ mong tiếp tục đường về.
Khi tụt khỏi xe chạy lên dốc đê lúc này đã mịt mờ sương khói, ngái mùi ruộng đồng, hoa cỏ là tôi coi mình như đã ở quê dù còn cách nhà ông bà một đoạn đường dài.
Ngày đó cực khổ, đường làng toàn bộ đắp bằng đất, lầy lội khi mưa về theo gió mùa. Chú tôi đạp xe ngoằn ngoèo theo vệt bánh người trước, khả dĩ còn đi được. Không ít đoạn tôi phải cuốc bộ. Về nhà bùn trạt vào đế dép nhựa, đem ra bờ giếng đập bong từng cục vuông vuông như gạch mới ra khỏi khuôn đóng.
Thời ấy, làng quê hiếm khi có điện. Tôi ngồi trước hiên bếp, chẳng mấy chốc trên nhà đã tối om, le lói ánh đèn dầu, nhìn lên chẳng rõ vật gì. Bóng các cây cột đu đưa, xê dịch theo mỗi cơn gió làm lay động ngọn đèn. Sau bữa tối oi mùi khói rạ, tôi lăn ra chiếc phản, bắt đầu đếm ngược số ngày còn được ở quê.
Đêm, gió mùa thổi mạnh, không khí trở nên khô kèm theo buốt giá. Con đường bùn nhão nhanh chóng se lại. Sớm hôm sau tôi ra ngoài, sợi làng tang dính ngang má. Không phải tơ nhện mà là sợi tơ trời, chỉ hình thành vào những tháng mùa đông như thế. Người làng đã rửa lá dong trên cầu gạch, mặt ao lúc này bốc hơi trắng xóa, vấn vương mãi ko tan. Ngày ấy, Tết nhà ai to hay không thể hiện qua số lá dong, số cây giò và số đồng bánh chưng được gói.
Ông tôi cùng xóm giềng đụng lợn. Một chiếc nong lớn mà khi dựng ở hiên, nó cao hơn đầu tôi được ngả ra sân, trên trải mấy tàu chuối. Con lợn tạ được pha trên đó.
Ông nội vần chiếc cối đá để ở mép sân, vốn dùng kê thái thân chuối nấu cám lợn hằng ngày. Chiếc cối to tôi vẫn ngồi lọt thỏm trong đó, cả năm chắc dùng giã giò một lần. Làng quê thời còn yên tĩnh, không tiếng máy móc, xe cộ, nhạc nhẽo... có thể từ nhà mình mà nghe tiếng giã giò thùm thụp khắp làng trên xóm dưới.
Xong giò là gói bánh chưng. Chiếc nồi đồng khum khum, bụi phủ, nằm trong chái được khiêng ra kê lên mấy hòn gạch. Những gộc củi to tiếp lửa và thùng nước châm thêm đặt bên cạnh. Cùng đó là vuông chiếu rách với bộ tam cúc cho người trực bánh. Bà nội nấu chè kho, việc đảo nồi chè đặc quánh này phải có sự giúp sức của các cô tôi.
Ngày 30 bố mẹ tôi về. Mỗi người một xe đạp với những chiếc làn nhựa treo ở ghi đông và túi quà Tết cấp phát theo tiêu chuẩn buộc sau đèo hàng. Tôi thích thú khi xem những đồ Tết được dỡ dần ra, phần đặt lên ban thờ trên nóc tủ chè, phần đưa xuống bếp. Và điều tôi mong chờ nhất là những bánh pháo.
Chiều, ông nội dẫn cả nhà xuống đồng, đến mộ cụ tổ mà nếu không có ông dẫn cũng ít người biết. Các cô chú tôi khéo léo cuốc nấm cỏ tròn tròn đặt lên những nấm mồ để thắp hương mời các cụ về ăn Tết. Nghĩa trang làng chiều 30 đông đúc, ấm áp khác thường.
Tối, tôi theo ông nội mang lễ vào nhà vị trưởng họ, nơi thờ tự các cụ đời xa xưa. Đường làng mông lung, tăm tối, ánh lân tinh sáng xanh nhập nhòe trong các lùm cây. Tiếng lợn nhà ai đói kêu phá trong chuồng và tiếng chó rộ khi bước qua các ngõ làm tôi sợ rúm.
Ở nhà, chú tôi chuẩn bị sẵn nồi nước tắm tất niên. Dẫu lạnh đến đâu cũng không bỏ qua nghi thức này. Đêm cuối năm, tôi nằm trong chăn ấm nghe chú đọc truyện ngắn của Nam Cao, Thạch Lam, Nguyên Hồng... mắt nhìn lên mái nhà ngắm từng viên ngói và những chữ tượng hình kỳ lạ màu xanh trên các câu đầu. Dòng thời gian cô lại qua âm thanh đều đặn của chiếc đồng hồ quả lắc. Thi thoảng, lõm bõm qua màn đêm, vọng lại tiếng pháo nhà ai đốt trước giao thừa, liệu có làm ấm lòng người còn đang bước đi trong sương gió.
Năm tháng đã qua lâu. Căn nhà xưa còn đó, chất chứa tình quê. Thời gian có thể làm mọi điều đổi thay, nhưng thời gian cũng đem ký ức trở về mỗi khi đưa tháng Chạp trở lại.
Bình Giang