Về quê lụa những ngày cận Tết
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 22/01/2017
Nằm bên bờ con sông Nhuệ hiền hòa, ngay sát cửa ngõ phía Tây thủ đô Hà Nội, làng lụa Vạn Phúc (nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội) từ lâu đã rất nổi tiếng với nghề dệt lụa truyền thống; được công nhận là kỷ lục “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất còn duy trì hoạt động đến ngày nay” do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam trao tặng. Đây cũng là điểm tham quan rất nổi tiếng tại Hà Nội, mỗi năm thu hút hàng chục nghìn lượt khách du lịch, nhất là vào dịp Tết đến xuân về.
Bước qua cánh cổng làng uy nghi sừng sững, tôi như lạc vào thế giới của màu sắc. Dọc hai bên đường, những gian hàng lụa san sát hội tụ đủ sắc màu: xanh, đỏ, tím, vàng, nâu, trắng, đen…sắc màu rực rỡ của những tà áo thướt tha, những chiếc khăn mềm mại, chiếc túi thanh lịch và long lanh ánh mắt, tươi rói nụ cười của những cô bán hàng như xua tan đi cái buốt giá của tiết trời.
Cổng làng Vạn Phúc uy nghi sừng sững dưới tiết trời buốt giá |
Ngày nay ở Làng lụa Vạn Phúc, cửa hàng bán lụa tơ tằm mọc lên ngày càng nhiều, hình thành ba dãy phố lụa với trên 100 cửa hàng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách. Theo Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc, sản phẩm lụa chủ yếu được tiêu thụ trên thị trường nội địa. Làng Vạn Phúc cũng là nơi cung cấp cho các cửa hàng trên phố Hàng Gai, Hàng Đào.
Những ngày cận Tết, dù không còn những âm thanh rộn ràng của khung cửi, tiếng lách cách của con thoi nhưng chạm tay lên tấm lụa mềm mịn, mát rượi, óng ả dường như có thể cảm nhận được hơi thở, nhịp sống của con người nơi đây. Từng đường kim, mũi chỉ là cả cái tình đằm thắm mà những nghệ nhân gửi gắm để làm nên những hoa văn trang trí đa dạng, tinh tế như mẫu Song Hạc, Thọ Đỉnh, Tứ Qúy…và tổng thể các bộ trang phục duyên dáng, sống động.
Trước cổng làng, tảng đá màu trắng xám nguyên sơ vẫn nép mình dưới tán cây cổ thụ xanh rì với dòng chữ “Làng lụa Vạn Phúc” |
Không khí Làng lụa Vạn Phúc dường như càng náo nhiệt hơn khi ngày Tết Nguyên đang cận kề. Chị Nguyễn Thị Hoa (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đang say sưa lựa chọn cho mình chiếc áo dài cách tân diện Tết cho biết: Mặc dù hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm áo dài hiện đại được bày bán khắp nơi, của nhiều thương hiệu có tiếng nhưng chị vẫn yêu thích chiếc áo dài lụa Vạn Phúc vì độ mềm mại, mịn màng, kiểu dáng cũng khá đẹp mắt.
Dắt tay con gái đi qua khá nhiều cửa hàng trên Phố Lụa (Vạn Phúc), chị Lê Thị Xuân (Hà Nam) chia sẻ, Năm nào cũng vậy, cứ dịpTết đến dù bận đến mấy chị cũng dành thời gian đi làng lụa Vạn Phúc tham quan và lựa chọn những sản phẩm lụa ưng ý từ khăn, áo dài, túi, ví…cho gia đình nhỏ và mang về quê biếu người thân. Có lẽ vì đã “quen tay” lựa chọn từ nhiều năm nay nên chị rất dễ nhận biết được sản phẩm có xuất xứ lụa Vạn Phúc “chuẩn”.
Ở Làng lụa Vạn Phúc, các cửa hàng lụa mọc lên ngày càng nhiều |
Ở đây, tôi còn bắt gặp vài tốp du khách nước ngoài và sinh viên mỹ thuật đang tham quan, chụp ảnh làng nghề.. Bạn Đặng Tuấn Nam (Đại học Kiến trúc Hà Nội) háo hức: “Em đã về làng lụa Vạn Phúc nhiều lần, nhưng trở lại đây thời điểm những ngày Tết đến tâm trạng thường rất khác. Em muốn lưu lại không khí nhộn nhịp của làng lụa truyền thống những ngày cuối năm; lưu lại nụ cười hài lòng của du khách khi lựa chọn được sản phẩm mà họ yêu thích”.
Cùng với không khí rộn ràng những ngày cuối năm, các nghệ nhân tâm huyết với nghề lụa Vạn Phúc dường như lại lắng đọng, trầm tư khi nhớ lại một thời ký ức của “tiếng lách cách rộn ràng những khung dệt và hình ảnh hàng trăm dải dụa óng ả phơi mình ven sông Nhuệ”. Tôi thấy ở họ nỗi trăn trở khi thương hiệu lụa Vạn Phúc đang dần mờ bóng.
Trong khi đó, gìn giữ văn hóa được làng nghề truyền thống không chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu, những lễ hội tổ chức vài lần trong năm. Làm sao để người dân trong làng có thể sống với nghề? Đây vẫn là vấn đề khó khăn với Làng lụa Vạn Phúc khi nhiều năm nay vẫn tự mình loay hoay tìm lối ra cho sản phẩm thủ công truyền thống cầu kỳ mà vô cùng đắt giá.
Bài & ảnh: Tuyết Chinh