Chuyện nghề của những người dọn vệ sinh ở các bệnh viện

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 17/01/2017

Lao công trong bệnh viện là những người thường xuyên phải làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, độc hại. Thế nhưng ít ai nghĩ tới sự đóng góp không nhỏ của họ - những người ngày đêm miệt mài với công việc không tên, rất đỗi bình thường mà không kém phần cao cả.

Nhọc nhằn đời lao công

Trong không khí hối hả, nhộn nhịp của những ngày cận Tết, càng thêm trân trọng những người lao công đang ngày đêm cần mẫn làm việc để giữ trong lành bầu không khí, môi trường sống của Thủ đô.

Đúng 5h30 phút sáng mùa đông, ngoài trời mưa rả rích, cái lạnh thấu như cắt da cắt thịt, thế nhưng các chị nhân viên vệ sinh đã có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, mỗi người một vị trí đã được phân công cụ thể, chuẩn bị bắt đầu một ngày làm việc mới. Sau vài phút chuẩn bị, các chị khoác lên mình bộ đồng phục màu xanh.

Lao công vất vả mọi bề
Lao công vất vả mọi bề

Dưới ánh đèn tờ mờ sáng, ai nấy đều xông xáo với công việc quét dọn, lau chùi từng phòng bệnh, từng góc sân rồi tới khu vệ sinh trong bệnh viện, cường độ làm việc tấp nập, hối hả, nhanh tay, nhanh chân và mọi việc phải kết thúc trước giờ bác sĩ đi khám cho bệnh nhân đang nằm điều trị.

Chị Phan Thị H (42 tuổi, quê Hải Dương) đang lúi húi tẩy rửa các bồn cầu và thu gom rác, chia sẻ: “Vất vả lắm cô ạ, mùa đông mà vẫn toát mồ hôi đấy. Trong những ngày Tết mỗi người phải đảm nhiệm lượng công việc nhiều hơn ngày thường. Ngán ngẫm nhất là khâu lau chùi, dọp dẹp vệ sinh trong bồn cầu. Ai ý thức được còn đỡ, ai thiếu ý thức thì cái gì cũng vứt vào bên trong, có khi bồn cầu tắc nghẹt.

Chẳng ai muốn làm cái nghề suốt ngày phải tiếp xúc với chất thải, dễ lây nhiễm bệnh nhưng vì cuộc sống chúng tôi vẫn phải “nhắm mắt” làm. Ngày Tết thì càng bận rộn hơn, phân công, thay nhau mà dọn dẹp thôi chứ nghỉ thì bệnh viện ngập rác à”.

Với công việc của mình, họ vẫn lặng lẽ, âm thầm đóng góp cho xã hội, vậy mà xã hội vẫn chưa thực sự nhìn nhận, đánh giá hết vai trò của họ. Nhiều người vẫn có quan niệm đây là nghề không cao quý nên nhiều khi do vô tình hay cố ý mà đã quên mất họ.

“Có những lần, quét dọn phòng bệnh do vô tình lỡ tay đụng chổi nhẹ qua người nhà bệnh nhân, thậm chí có khi nếu quét phòng lỡ để phát ra một tiếng động mạnh làm bệnh nhân tỉnh giấc là họ chửi ầm lên. Cũng chẳng ít lần đang quét dọn tại nhà vệ sinh, có bệnh nhân không nhìn thấy đã đổ nước thải phải người mình, vừa hôi vừa bẩn nhưng cũng chấp nhận mà đành nín nhịn thôi. Nhiều chị em có khi tủi thân chỉ biết khóc hoặc tâm sự với đồng nghiệp khác”, một lao công tâm sự.

Những người lao công, họ đến với công việc như một lẽ mưu sinh, họ cứ thế gắn bó rồi nhận ra mình yêu mến nghề này tự bao giờ. Dù đặc thù vất vả nhưng hầu hết mọi người làm việc đến lúc tuổi cao chứ ít ai thay đổi, bỏ dở giữa chừng.

Anh Nguyễn Văn Q hơn hai năm gắn bó với công việc lao công tại Viện Bỏng Quốc gia trải lòng: “Khi mới vào nghề nhiều lúc chán nản, ai cũng hỏi con trai sao lại làm công việc ấy làm gì, lương cũng chẳng đáng là bao, mỗi tháng chỉ hơn 3 triệu nhưng làm lâu thành ra yêu nghề, làm bất cứ công việc gì cũng cần phải có cái tâm.

Nghề lao công bệnh viện cũng vậy, muốn làm tốt công việc thì phải xem bệnh nhân như người thân của mình. Mấy năm gắn bó với nghề lao công, mình hạnh phúc nhất khi được nhiều bệnh nhân quý mến, trân trọng, khi được họ xem như người thân của họ, nhiều người dù đã xuất viện nhưng vẫn giữ liên lạc, gọi điện hỏi thăm mình thường xuyên”.

Luôn chực chờ nguy cơ nhiễm bệnh

Với những người lao công, vất vả nhất là dọn dẹp những phòng bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa, lau chùi xong là bị ám ảnh cả tuần. Làm công việc này, cả ngày dường như đôi tay không lúc nào ngưng nghỉ, hết nhặt rác rồi lau cửa, lau sàn, lau giường bệnh, cọ rửa nhà vệ sinh công cộng,... Khổ nhất là nhiều bệnh nhân mê man tiểu ngay trên giường vương ra khắp phòng. Có khi cùng một lúc phải chạy “sô” dọn dẹp ba, bốn phòng. Nhưng với họ làm riết rồi cũng quen và làm nghề này thì không được sợ. Nỗi lo canh cánh ám ảnh những người lao công tại các bệnh viện vẫn là những căn bệnh truyền nhiễm có thể bị lây khi dọn dẹp.

Làm nghề này hầu như chẳng có người nào không từng bị kim chích vào tay vài lần chảy máu. Mặc dù đã được trang bị các dụng cụ bảo hộ, tuy nhiên do thường xuyên phải tiếp xúc với nguy cơ lây nhiễm bệnh như HIV, viêm gan B… nên những người lao công trong bệnh viện lúc nào cũng trong tình trạng nơm nớp lo sợ. Nhiều người đã có thời kỳ còn mắc “bệnh nghề nghiệp”, khi đi ngủ cũng vẫn đeo khẩu trang. 

Gắn bó với công việc gần 20 năm nay, cô Nguyễn Thị Hạnh cảm thấy cách suy nghĩ, quan niệm về cuộc sống của mình thay đổi rất nhiều. Vượt qua những nỗi sợ ban đầu, tiếp xúc với các ca bệnh nặng, những cái chết hàng ngày, cô nhận ra sinh tử đường đời cũng chỉ mong manh trong nháy mắt. Giờ chỉ cần nghe tiếng còi xe cấp cứu về đến cổng là chúng tôi đã thấy bủn rủn chân tay. Nhiều người vì chút giận hờn gây gổ, không kiềm chế được để rồi phải dẫn đến mất mát đau lòng.

“Dù công việc có vất vả nhưng sự lao động của chúng tôi đem đến sự sạch sẽ, hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh cho bệnh nhân cũng như đội ngũ y, bác sĩ vậy là mừng lắm rồi. Ám ảnh nhất mỗi khi bệnh nhân nhập viện, người thì băng kín từ trên xuống đầu, người thì kêu rên thảm thiết vì cơn đau hành hạ, nhưng cũng có người nằm bất tỉnh. Mỗi khi chứng kiến sự tuyệt vọng của người nhà bệnh nhân khi bác sĩ nói không còn hi vọng gì nữa thì thương họ đến xé lòng”, chị Hạnh tâm sự.

Giữa trưa ngày cận Tết, công việc đã tàm tạm, những người nữ lao công lại ngồi bên nhau chia từng suất cơm, quả chuối, củ khoai để “chiến đấu” với cái đói, cái lạnh. Chị Hạnh bảo cùng chung hoàn cảnh vất vả, nghèo khó như nhau nên họ thương yêu đùm bọc và coi nhau như chị em một nhà, có chuyện gì cùng hỗ trợ, giúp đỡ. “Bọn tôi vẫn động viên nhau làm tốt công việc. Chẳng có nghề gì là xấu, là mặc cảm cả. Quan trọng là mình có tận tụy, làm tốt công việc hay không”.

Theo Pháp luật Plus