Giám đốc Sở GTVT Hà Nội: Xe buýt BRT sẽ nhanh hơn
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 20/12/2016
Giải thích băn khoăn của dư luận về việc "xe buýt nhanh liệu có nhanh", Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định, với những tiêu chí...
Giải thích băn khoăn của dư luận về việc “xe buýt nhanh liệu có nhanh”, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định, với những tiêu chí đã đặt ra, tuyến buýt BRT chắc chắc sẽ nhanh hơn.
Chiều 19/12, Sở Giao thông vận tải tổ chức họp báo thông tin về tuyến buýt nhanh (BRT) từ bến xe Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa.
Miễn phí vé trong 1 tháng
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, tuyến buýt nhanh (BRT) từ bến xe Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa đã sẵn sàng để chạy thử từ ngày 25/12 và chính thức hoạt động từ ngày 1/1/2017 tới đây.
Xe buýt nhanh (BRT). Ảnh: Thùy Linh |
Thời gian phục vụ tuyến từ 5 giờ đến 22 giờ, tần suất phục vụ ngày thường 5-10-15 phút/lượt với tổng số 358 lượt xe, ngày Chủ nhật 264 lượt. Giá vé 7.000 đồng/lượt, sử dụng loại vé như xe buýt thông thường; vé tháng áp dụng như vé tháng xe buýt; miễn phí vé cho hành khách sử dụng trong vòng một tháng đầu tiên (từ 1-31/1/2017).
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, khi xe buýt nhanh BRT đi vào vận hành, Thành phố sẽ cấm xe máy đi lên các cầu vượt trên phố Thái Hà và cầu vượt Lê Văn Lương để nhường đường ưu tiên cho buýt nhanh BRT vào các khung giờ 6-9 giờ sáng và từ 16 giờ đến 19h30’ chiều.
Ngoài ra, khi đưa vào vận hành tuyến buýt này, Sở Giao thông vận tải cũng điều chỉnh, chuyển tuyến đối với các tuyến xe buýt đi trùng với hành lang hoạt động của tuyến BRT (tuyến buýt số 22, 09, 18, 19, 50), bố trí các điểm dừng đón trả khách của xe buýt thường trên các trục ngang giao cắt với hành lang tuyến BRT nhưng phải đảm bảo hành khách tiếp cận, kết nối thuận tiện với tuyến BRT.
Xe buýt nhanh liệu có nhanh?
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, dự án xe buýt nhanh (BRT) từ bến xe Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa là một dự án hiệu quả vì đây là tuyến đang rất đông đúc, thường xuyên ùn tắc bởi các phương tiện giao thông cá nhân đang gia tăng. Do đó, để giải quyết và hạn chế phương tiện cá nhân thì cần phải thay thế bằng phương tiện giao thông công cộng.
“Chính vì thế khi có tuyến buýt BRT vào hoạt động, chúng tôi tin rằng trong tương lai lượng phương tiện giao thông cá nhân trên tuyến sẽ giảm đi khi có phương tiện giao thông công cộng tiện ích hơn”, ông Viện nói.
Giải thích băn khoăn của dư luận về việc xe buýt nhanh liệu có nhanh? Ông Viện khẳng định, với những tiêu chí đã đặt ra, tuyến BRT chắc chắn sẽ nhanh hơn bởi tuyến buýt BRT có những đoạn đường được chạy riêng so với tuyến xe buýt thường; toàn bộ lộ trình trên tuyến này không phải ra vào bến đón mà khách có thể tiếp cận điểm chờ ngay trên tuyến chạy nên lái xe không mất thời gian ra vào cập bến, điều này sẽ bảo đảm thời gian chạy xe tốt hơn xe buýt thường.
Bên cạnh đó, khi người dân đi xe buýt nhanh sẽ an toàn hơn, chất lượng và dịch vụ sẽ bảo đảm hơn xe buýt thường. Theo tính toán hiện nay sẽ nhanh hơn 5 – 10 phút và trong tương lai sẽ nhanh hơn nhiều.
Về phương án tổ chức giao thông, ông Viện cho rằng cần phải ưu tiên cho xe buýt BRT vì theo kinh nghiệm thế giới, để tiến tới một hệ thống giao thông công cộng văn minh, hiện đại cần phải có một hệ thống giao thông công cộng nhanh và khối lượng vận chuyển lớn. Theo kinh nghiệm của thế giới về tổ chức giao thông công cộng có sự quá độ giữa xe buýt thường với hệ thống giao thông công cộng hiện đại (tàu điện ngầm và tàu điện trên cao) thì có loại hình xe buýt BRT. Chính vì vậy, Ngân hàng thế giới đã hỗ trợ TP. Hà Nội tổ chức nghiên cứu và triển khai tuyến BRT này. Điều này phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông đô thị của Hà Nội.
“BRT có giá trị đầu tư chỉ bằng 1/10 giá trị đầu tư đường sắt trên cao và bằng 1/20 giá trị tuyến tàu điện ngầm, thời gian thực hiện BRT là nhanh hơn rất nhiều. Do đó, việc triển khai quá độ thành BRT là sẽ hiệu quả”, ông Viện nói.
Ông Viện cũng cho rằng, Hà Nội ngoài tuyến BRT, còn có 91 tuyến buýt kết nối mạng lưới xe buýt trên toàn Thành phố. Để kết nối BRT này, Hà Nội đã kết nối với 30 tuyến xe buýt khác. Tuy nhiên để bảo đảm hệ thống giao thông thông suốt, góp phần nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng, cung cấp dịch vụ an toàn, thuận tiện cho nhân dân và giảm lượng phương tiện giao thông cá nhân đòi hỏi phương án tổ chức giao thông công cộng hoàn thiện, đồng bộ và điều này cũng là mong muốn của Hà Nội, nhưng chúng ta cần phải làm từng bước một, phải đặt ra những lộ trình nhất định và triển khai dần dần.
Hiện, Bộ Giao thông vận tải cùng với TP. Hà Nội đang triển khai tích cực sớm đưa vào thêm 2 tuyến vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn là Hà Đông – Cát Linh, Nhổn – Ga Hà Nội, song song với đó, Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng 8 tuyến đường sắt đô thị… và chỉ khi nào có hệ thống tương đối hoàn chỉnh thì mới đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
“Khi cung cấp một tiện ích mới bảo đảm an toàn và thuận lợi hơn cho nhân dân thì nhân dân sẽ tin tưởng sử dụng giao thông cộng cộng và sẽ giảm được phương tiện giao thông cá nhân trong từng khu vực, từng lộ trình”, ông Viện nhấn mạnh.
Dự án BRT Kim Mã - Yên Nghĩa có tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD, có chiều dài khoảng 14,7 km, với 21 nhà chờ (12 nhà chờ 4m và 9 nhà chờ 5m), 01 trạm chung chuyển bến xe Kim Mã, 01 trạm đầu cuối Yên Nghĩa, 04 cầu đi bộ tiếp cận nhà chờ và 01 trạm sửa chữa, bảo dưỡng trong bến xe Yên Nghĩa.
Tuyến buýt nhanh BRT bắt đầu từ bến xe Kim Mã (quận Ba Đình) qua phố Giảng Võ-Láng Hạ-Lê Văn Lương- Lê Văn Lương kéo dài-trục phía bắc quận Hà Đông-Lê Trọng Tấn-Trần Phú-Ba La-bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông).
Theo Chinhphu.vn