Xây dựng hệ thống xử lý nước thải khu du lịch Đồ Sơn (Hải Phòng): Không thể chậm trễ hơn

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 05/12/2016

Rất khó hình dung một khu du lịch tầm cỡ như Đồ Sơn - mỗi năm đón hơn 2,5 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước với hàng trăm khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng hoạt động, lượng nước thải mỗi ngày xả hàng nghìn m3 - lại chưa có hệ thống xử lý nước thải. Toàn bộ nguồn nước thải ở khu du lịch đều xử lý bằng phương pháp tự ngấm, tự thấm nên ảnh hưởng xấu đến môi trường nước, bãi tắm khu du lịch. Việc xây dựng tại đây hệ thống xử lý nước thải với quy mô phù hợp là yêu cầu cấp thiết, không thể chậm trễ hơn.

Nước thải tự thấm, tự ngấm

Tại khu 203 ở Khu 2 Đồ Sơn, hàng chục nhà hàng san sát nhau, mặt tiền hướng ra đường nhưng toàn bộ phía sau dãy nhà là giáp biển. Không có hệ thống thu gom xử lý nước thải, toàn bộ khu nhà này đều sử dụng cách duy nhất là tự thấm và tự ngấm qua hệ thống bể chứa nước thải của nhà hàng. Các ống dẫn nước thải hình thành từ mấy chục năm nay chảy thẳng tuột ra biển, khi nước xuống nhìn rõ đường ống này. Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các khu vực thuộc Khu 1,2,3 của Khu du lịch Đồ Sơn.

Nhiều nhà hàng ở khu du lịch Đồ Sơn chưa có hệ thống xử lý nước thải
Nhiều nhà hàng ở khu du lịch Đồ Sơn chưa có hệ thống xử lý nước thải

Theo khảo sát hiện trạng hệ thống thoát nước thải Khu du lịch Đồ Sơn của Phòng Tài nguyên - Môi trường quận Đồ Sơn, hiện khu du lịch Đồ Sơn chưa có hệ thống thoát nước thải riêng và chưa có khu xử lý nước thải tập trung. Do vậy, toàn bộ nước thải và nước mưa thoát chung cùng một hệ thống với hình thức tự chảy.

Một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ sau khi xử lý nước thải bằng bể phốt để nước thải chảy thẳng ra biển. Thực tế, rất nhiều tuyến đường trong khu du lịch không có hệ thống cống dọc mà chỉ có cống ngang. Tuy nhiên, mật độ cống ngang và các ga thu nước trong khu du lịch rất thưa, dẫn đến tình trạng nước bị ngập cục bộ tại một số khu vực khi trời mưa to hoặc khi lượng khách du lịch tăng cao. Các điểm cửa xả thoát nước trong khu du lịch nằm dọc bờ kè phía biển, một số vị trí cửa xả thoát nước nằm ngay tại các bãi tắm dẫn đến tình trạng nước thải chảy xuống các bãi tắm và bãi biển, gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường khu du lịch. Dọc tuyến phố Vạn Sơn từ ngã 3 khu 1 đến dốc khu 2 và dọc tuyến đường phía biển khu 2 có hàng chục cống họng xả ra biển, trong đó có một số điểm xả ra bãi tắm…

Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến Đồ Sơn tăng cao, kéo theo lượng nước thải phát sinh tại các cơ sở kinh doanh tăng khiến hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tại cơ sở không đáp ứng được yêu cầu. Một số nhà hàng tìm mọi cách tự ý xả nước thải trực tiếp ra biển hoặc đấu vào hệ thống thoát nước mặt chảy ra biển và các bãi tắm, gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường.

Theo Phòng Tài nguyên - Môi trường quận Đồ Sơn, với gần 300 tổ chức, hộ kinh doanh dịch vụ du lịch trong khu du lịch, 100% các tổ chức, cơ sở có hệ thống bể phốt xử lý tại chỗ, nhưng chỉ có 30% trong số đó xây dựng bể phốt theo tiêu chuẩn, đáp ứng kỹ thuật, còn 70% xây bể chưa đúng kỹ thuật, chủ yếu là để chứa nước thải tự ngấm và thoát ra biển, dung tích bể nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu. Một thực tế khác ở Khu du lịch Đồ Sơn là có tới 40% các tổ chức, cơ sở kinh doanh, dịch vụ đấu nối đường xả nước thải vào hệ thống thoát nước mặt, chảy ra biển; 60% các tổ chức, cơ sở kinh doanh dịch vụ thoát nước thải bằng hình thức tự thẩm thấu và một phần xả trực tiếp xuống biển.

Sớm có dự án để bảo vệ môi trường du lịch

Trước yêu cầu phát triển du lịch, ngay từ năm 2000, thành phố Hải Phòng đã có quyết định phê duyệt dự án xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải Khu du lịch Đồ Sơn. Tuy nhiên, dự án này triển khai kéo dài, nhiều hạng mục được triển khai nhưng bị xuống cấp trầm trọng. Năm 2013, thành phố quyết định dừng dự án do không còn phù hợp với quy hoạch khu du lịch.

Theo Phòng Tài nguyên - Môi trường quận Đồ Sơn, lượng nước thải phát sinh trung bình trong khu du lịch là 1800m3/ngày đêm và có xu hướng gia tăng trong thời gian tới, khi lượng khách đến Đồ Sơn ngày càng tăng cao; nhiều dự án lớn đang và sẽ đầu tư ở khu du lịch, nhiều công trình, khách sạn mới mọc lên. Khi đó, lượng nước thải tăng lên kéo theo nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước biển ven bờ và các bãi tắm nếu không có biện pháp ngăn chặn và xử lý thích hợp.

Được biết, UBND thành phố giao Sở Xây dựng cùng chuyên gia CDIA (Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Ca-na-đa) và các sở, ngành thành phố triển khai dự án thoát nước mưa, nước thải quận Đồ Sơn và Dương Kinh theo chương trình hỗ trợ của CIDA. Tuy nhiên đến nay dự án còn nhiều vướng mắc và chưa có khả năng thực hiện. Do vậy, theo kiến nghị của UBND quận Đồ Sơn, việc thành phố sớm chỉ đạo lập dự án và đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng tại khu 1,2,3 Khu du lịch Đồ Sơn và Trạm xử lý nước thải bằng nguồn vốn ngân sách thành phố là rất cần thiết và có tính khả thi cao. Theo quy hoạch tại khu 1, 2, 3 của Khu du lịch Đồ Sơn nước thải được thu gom về các trạm bơm khu vực và bơm về trạm xử lý tập trung đặt tại phường Vạn Hương, quy mô 1,5ha. Vị trí đặt trạm xử lý nước thải khu du lịch mới nằm giáp tuyến đường phía Tây và khu lấn biển Đồi Rồng.

Trước thực tế khu bãi tắm Bến Thốc và bãi tắm khu 2 tập trung đông lượng khách, nhất là vào mùa hè nên lượng nước thải phát sinh tương đối lớn, trong khi khu vực này có nhiều điểm xả nước chảy ra bãi tắm, tạo dòng chảy lớn, kèm theo rác thải gây mất vệ sinh và cảnh quan bãi biển. Do vậy, theo đề nghị của UBND quận Đồ Sơn, trong thời gian triển khai dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải khu du lịch Đồ Sơn, trước mắt thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan và quận Đồ Sơn khảo sát, cho phép đầu tư hệ thống thoát nước mặt: hệ thống cống dọc nằm dưới vỉa hè, lòng đường phía trên bãi tắm, điều chỉnh hướng dòng chảy sang vị trí xa bãi tắm, không để nước mặt, nước thải chảy xuống bãi tắm, gây ảnh hưởng đến vệ sinh và cảnh quan môi trường khu du lịch.

Theo baohaiphong