"Nhà hàng không khói thuốc" tại Hà Nội hiệu quả thế nào?

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 18/11/2016

(TN&MT) - Tại Hà Nội, sau 3 năm thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, hiện nay đã có nhiều nhà hàng thực hiện thành công mô hình không khói thuốc.

Xung quanh nội dung này, nhóm PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn Bs.Ths. Phạm Thị Hoàng Anh – Giám đốc Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam.

PV: Từ năm 2015 đến nay, việc triển khai mô hình nhà hàng không khói thuốc đã có kết quả như thế nào?

Bs.Ths. Phạm Thị Hoàng Anh: Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Chính phủ Việt Nam cũng như những đơn vị chức năng triển khai Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá như UBND, Phòng Y tế cấp quận, huyện tại Hà Nội. Chúng tôi xây dựng các tài liệu hướng dẫn, tổ chức các lớp tập huấn để tuyên truyền đến cộng đồng. Ngoài ra, chúng tôi tập huấn cho các chủ nhà hàng, hỗ trợ các cơ quan chức năng phổ biến thông tin và hỗ trợ một vài giám sát điểm, đặc biệt hỗ trợ kỹ thuật.

Bs.Ths. Phạm Thị Hoàng Anh – Giám đốc Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam.
Bs.Ths. Phạm Thị Hoàng Anh – Giám đốc Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam

Qua quan sát các quận, huyện mà chúng tôi từng làm việc, việc ban hành các văn bản cần thiết để Luật đi vào thực tiễn tại các cơ sở đã được thực hiện rất tốt. Các quận, huyện đều đưa ra các văn bản đúng quy định pháp luật cũng như nội dung phù hợp, phổ biến các văn bản đến địa phương và có kế hoạch kiểm tra, giám sát, lôi cuốn các nhà hàng thực thi tốt, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm với những nhà hàng còn lại.

PV: Theo đánh giá của bà, hoạt động tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá ở Việt Nam đang ở mức độ nào?

Bs.Ths. Phạm Thị Hoàng Anh:Trong những năm gần đây, ngành y tế và ngành thông tin - truyền thông đã cố gắng tuyên truyền về tác hại của thuốc lá cũng như tuyên truyền các chính sách, quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đặc biệt, từ khi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực ngày 1/5/2013, các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc. Hiện nay, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá đã tạo ra nguồn lực rất quan trọng, góp phần nâng cao công tác truyền thông.

Trên các phương tiên thông tin đại chúng, có rất nhiều chương trình tuyên truyền về tác hại của thuốc lá cũng như phổ biến quy định của phát luật về phòng chống tác hại của thuốc lá và kêu gọi mọi người tuân thủ những quy định này.

Tuy nhiên, thói quen hút thuốc ăn sâu vào trong cộng đồng. Chúng ta phải cố gắng tìm tòi phương pháp tiếp cận với cộng đồng một cách sáng tạo hơn. Một trong những phương pháp đó là thông qua các sự kiện của báo chí, năng lực tuyên truyền của báo chí. Báo chí Việt Nam cũng đã đồng hành cùng rất nhiều chương trình y tế công cộng thành công. Nếu báo chí đặt mối quan tâm thường kỳ với vấn đề này và tìm ra những hướng tiếp cận, cách viết sáng tạo và có tác động tốt đối với cộng đồng thì chính sách phòng chống tác hại của thuốc lá ở Việt Nam sẽ đươc thực hiện tốt hơn.
    
PV: Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về vai trò của cơ quan báo chí trong công tác truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá?

Bs.Ths. Phạm Thị Hoàng Anh: Vai trò của báo chí rất quan trọng, trước khi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá ra đời, vai trò của báo chí là tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và lợi ích của việc ban hành luật phòng chống thuốc lá trong suốt quá trình vận động xây dựng Luật. Đã có rất nhiều bài báo nói về tác hại của thuốc lá. Khi Luật ra đời, báo chí tiếp tục đóng vai trò quan trọng theo 2 hướng là tuyên truyền Luật và phản ánh hiện thực từ đời sống, giáo dục cộng đồng qua báo chí và truyền hình để truyền đi các thông điệp ngắn về tác hại của thuốc lá, từ đó, điều chỉnh hành vi của cộng đồng.

PV: Theo bà, để đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá, trong thời gian tới, cơ quan báo chí cần đề ra các biện pháp và chiến lược như thế nào?

Bs.Ths. Phạm Thị Hoàng Anh:Thách thức lớn nhất là có những đơn vị sản xuất thuốc lá và những người hút thuốc chưa nhận thức đầy đủ và không mong muốn chính sách phòng chống thuốc lá được thực hiện một cách mạnh mẽ và hiệu quả. Điều này dẫn đến những lực cản “ngầm”. Báo chí cần quan tâm đến những chính sách có lợi cho phòng chống tác hại thuốc lá.  

Một trong những chính sách quan trọng liên quan đến thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam. Thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam rất thấp, vì thế, nếu chỉ tuyên truyền hút thuốc có hại cho sức khỏe trong khi thuốc lá bán ở khắp mọi nơi, giá rẻ, dễ tiếp cận, bán cho mọi đối tượng thì công tác tuyên truyền rất khó khăn.

Cần phải có sự đồng bộ, quản lý để giảm thiểu tác hại của thuốc lá. Báo chí phải tuyên truyền toàn diện về chính sách phòng chống tác hại của thuốc lá và phải quán triệt những quy định liên quan đến nhiệm vụ của mình. Nếu báo chí nói lên những bất cập về giá và thuế ở Việt Nam thì các cơ quan chức năng và các nhà hoạch định chính sách cân nhắc việc điều chỉnh giá và thuế, giá và thuế cao sẽ tác động rất tốt.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!
 

Mai Đan – Thái Học(thực hiện)