Sơn La: Công khai phương pháp tính giá nước sinh hoạt năm 2016
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 16/11/2016
Khung giá nước sạch trên địa bàn tỉnh Sơn La được áp dụng từ ngày 1/7/2016. |
Như Báo TN&MT đã phản ánh, từ ngày 1/7/2016, giá bán nước sạch phục vụ sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Sơn La tăng thêm 700 đồng/m3. Theo đó, với người dân sinh sống tại thành phố Sơn La, phải trả tới gần 13.000đồng/m3 nước. Nhiều hộ dân đang cảm thấy bức xúc vì mức giá này quá cao. Cùng với đó, một số chi phí khá vô lý như chi phí duy trì đấu nối được thu hàng tháng...
Trước thông tin này, UBND tỉnh Sơn La đã giao Sở Tài chính chủ trì họp liên ngành công khai cách tính giá nước hiện nay và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đến nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Sau khi thống nhất với Sở Xây dựng, Sở Tài chính Sơn La vừa thông báo đến các cơ quan báo chí phương pháp và cách tính giá nước sạch năm 2016 trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Theo đó, tại Sơn La, mặc dù không áp dụng giá bậc thang nhưng để thực hiện công tác xã hội, hỗ trợ cho các nhóm khách hàng có thu nhập thấp nên căn cứ tỷ trọng đầu tư của các hệ thống cấp nước đã áp dụng phương pháp chia thành 3 vùng với 6 mức giá. Trong đó, vùng 1 (TP Sơn La, 4 huyện: Mai Sơn, Mộc Châu, Thuận Châu, Mường La) có giá bằng 103% giá bình quân chung. Vùng 2 (5 huyện: Yên Châu, Phù Yên, Sông Mã, Quỳnh Nhai, Sốp Cộp) có giá bằng 90% giá bình quân chung và vùng 3 (huyện Bắc Yên) có giá bằng 70% giá bình quân chung.
Các đối tượng khách hàng cư trú ở vùng ven lẽ ra phải chịu mức giá cao hơn bởi chi phí sản xuất lớn hơn do phải truyền tải nước đi xa. Nhưng do khả năng chi trả thấp, thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp nên tính mức giá chỉ bằng 70% giá nội vùng. Quy định trên tạo điều kiện cho dân cư ở xa nội thị được tiếp cận với việc sử dụng nước sạch.
Nguyên tắc xây dựng và điều chỉnh giá bán nước sạch năm 2016 trên cơ sở kế thừa định mức các chi phí đã xây dựng trong phương án giá bán nước sạch đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1652/QĐ-UBND ngày 29/7/2015. Chỉ xác định lại các khoản chi phí có biến động theo quy định của cấp có thẩm quyền mà ảnh hưởng đến cơ cấu giá nước sạch như việc tăng lương tối thiểu vùng từ 2,4 triệu đồng lên 2,7 triệu đồng; Luật Bảo hiểm mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016. Như vậy, việc thay đổi nhóm chính sách đã làm tăng giá chi phí lên 6,64%, tương ứng 700 đồng/m3.
Sau khi nhận được sự phản ánh của người dân, thời gian qua, Cty CP Cấp nước Sơn La đã tiến hành lắp đặt van xả khí tại một số địa điểm để hạn chế tình trạng nước quay do khí. |
Về chi phí đấu nối, hiện được thực hiện theo khoản 3, Điều 42, Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007: “Đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư đồng bộ đến điểm đấu nối với các khách hàng sử dụng nước, bao gồm cả đồng hồ đo nước. Trường hợp đồng hồ đo nước được lắp đặt sau điểm đấu nối đã được xác định thì chi phí vật tư, lắp đặt từ điểm đấu nối đến điểm lắp đặt đồng hồ do khách hàng sử dụng nước chi trả, sau khi đã có thỏa thuận với đơn vị cấp nước”.
Theo quy định này, chi phí đấu nối cho các khách hàng phát triển mới do doanh nghiệp cấp nước đầu tư. Chi phí đấu nối bình quân mỗi hộ khách hàng khoảng 2,5 triệu đồng, nếu tính trong giá thành sẽ tăng khoảng 600 đồng/m3. Đây là khoản thu chi phí duy trì dịch vụ như kiểm tra, bảo dưỡng, ghi số đồng hồ, in ấn hóa đơn... Hiện nay đang thu với mức giá tương đương 1m3 nước/khách hàng sử dụng để đảm bảo công bằng giữa các hộ sử dụng nước.
Việc giá nước tại Sơn La không áp dụng giá lũy tiến, bù chéo giữa các nhóm khách hàng sử dụng nước, là do đối tượng sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt chiếm hơn 90%; đối tượng dùng nước cho sản xuất vật chất không có; đối tượng kinh doanh dịch vụ chiếm tỷ trọng rất thấp, chỉ khoảng 2%; còn lại là các đối tượng khác. Do đó, không thể áp dụng cơ chế bù chéo cho đối tượng sử dụng nước sinh hoạt và đối tượng sử dụng nước sạch vào mục đích khác.
Nguyên nhân do tỷ trọng các đối tượng phải bù nhỏ, dẫn đến để bù chéo được thu giá các nhóm khách hàng có mục đích kinh doanh và sản xuất vật chất sẽ bị đẩy lên rất cao, trong khi quy định giá tối đa từ 1,5-3 lần giá nước sinh hoạt. Cộng thêm, giá nước cho các đối tượng khác tăng cao sẽ làm gia tăng chi phí đầu vào đối với các hộ sản xuất và dịch vụ, không có lợi cho phát triển kinh tế xã hội, không công bằng lợi ích giữa các nhóm khách hàng.
Như vậy, việc tính đúng, tính đủ các khoản mục trong giá thành nước và triển khai thực hiện như hiện nay là hợp lý, phù hợp với quy định hiện hành và đảm bảo các chi phí như thanh toán lương, bảo hiểm, khấu hao tài sản, sửa chữa tài sản, chi phí quản lý phân xưởng, công cụ bảo hộ lao động, thực hiện đảm bảo cấp nước an toàn, trả lãi vốn vay ODA và ngân hàng thương mại, thuế tài nguyên nước, chi phí dịch vụ bảo vệ môi trường, chi phí đối với nước thải công nghiệp...
Với khách hàng dùng nước, mức giá nước không tăng đột biến, nằm trong khung giá theo quy định, phù hợp với khả năng chi trả của người dân sử dụng nước và bảo đảm lợi ích, quyền lợi hợp pháp giữa đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước. Sau khi điều chỉnh giá, hộ khách hàng có mức tiêu thụ nước sạch trung bình từ 18-20m3/tháng sẽ phải trả thêm số tiền từ 12.600-14.000 đồng/tháng, tương đương trả thêm 700 đồng/m3.
Bên cạnh đó, giá nước được điều chỉnh song đảm bảo không vượt khung giá tiêu thụ nước sạch quy định của Bộ Tài chính. Giá nước năm 2016 mới bằng khoảng 75% mức giá tối đa.
Đồng thời, mức giá này giúp doanh nghiệp duy trì, ổn định và phát triển sản xuất, đảm bảo đủ chi phí, có tích lũy để tái đầu tư phát triển, có nguồn kinh phí để cải tạo, nâng cấp hệ thống để cung cấp nước sạch cho người dân luôn đảm bảo hiệu quả, an toàn và tiết kiệm.
Cũng theo Sở Tài chính Sơn La, trong 3 năm gần đây, giá nước sạch tỉnh Sơn la tăng trung bình từ 500-1.000 đồng/m3 một năm. Trong đó, năm 2014, giá nước tăng do giá bán điện tăng từ 1.339 đồng lên 1.388 đồng/Kw; lương tối thiểu vùng tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,1 triệu đồng, nên giá nước được điều chỉnh cho phù hợp để đảm bảo cấp nước đủ, an toàn và được tính tăng các khoản chi phí theo lương. Năm 2015, là năm đầu xây dựng giá nước theo định mức của Bộ Xây dựng; cộng thêm giá bán điện tăng từ 1.388 đồng lên 1.518 đồng/kw, lương tối thiểu vùng tăng từ 2,1 triệu đồng lên 2,4 triệu đồng... |
Nguyễn Nga