ĐBQH Phạm Đình Cúc: Người có bệnh hiểm nghèo cũng cần được trợ giúp pháp lý

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 11/11/2016

(TN&MT) - Phát biểu ý kiến đóng góp vào dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) trong  phiên thảo luận tại Hội trường ngày 10/11, Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Cúc - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, nếu người nhiễm HIV được trợ giúp thì người có bệnh hiểm nghèo cũng cần được trợ giúp.
Đại biểu Phạm Đình Cúc phát biểu tại phiên thảo luận sáng 10/11. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Phạm Đình Cúc phát biểu tại phiên thảo luận sáng 10/11. Ảnh: quochoi.vn

Theo đại biểu Phạm Đình Cúc, qua 10 năm thực hiện Luật trợ giúp pháp lý năm 2006 được Quốc hội khóa XI thông qua đã thể hiện tính nhân văn cao cả sâu sắc của Đảng và nhà nước quan tâm đến các đối tượng yếu thế trong xã hội gồm người nghèo, người có công với cách mạng, người khuyết tật, người già và trẻ em không nơi nương tựa, người dân tộc sống ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn... Qua đó đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy công tác trợ giúp pháp lý phát triển đáp ứng tốt hơn nhu cầu trợ giúp pháp lý.

Ông Phạm Đình Cúc đưa ra dẫn chứng: công tác trợ giúp pháp lý đạt được những kết quả đáng khích lệ, các tổ chức trợ giúp pháp lý đã giải quyết trên 1 triệu vụ việc với trên 1000 lượt người được trợ giúp pháp lý, trong đó có 61 nghìn vụ việc tham gia tố tụng và trên 900 nghìn vụ tư vấn pháp luật; Hệ thống tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã được hình thành trên toàn quốc với 63 trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp và 202 chi nhánh cấp huyện và liên huyện, 364 tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý...

Theo Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hàng năm, hàng ngàn số phận con người yếu thế đã được bảo vệ. Song, trước yêu cầu phát triển của đất nước căn cứ vào Hiến pháp năm 2013 và nhằm thực hiện các đạo luật quan trọng mới được ban hành, do vậy đòi hỏi sự cấp bách cần sửa đổi Luật trợ giúp pháp lý.

Góp vào dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi), ông Phạm Đình Cúc cho rằng: Tại Điểm b, Điều 7 người được trợ giúp pháp lý cần sửa lại "người cao tuổi, người khuyết tật, người có nhược điểm về thể chất", theo ông Cúc phải thêm là "người có nhược điểm về thể chất tinh thần và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn về tài chính" thành "người dưới 18 tuổi" để Luật trợ giúp pháp lý phù hợp với Luật tố tụng hình sự và Luật xử lý hành chính….

“Tôi đề nghị bổ sung thêm Điểm d, Khoản 1, Điều 7 "Người bị nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn về tài chính" thêm "người bị bệnh hiểm nghèo". Theo tôi người nhiễm HIV được trợ giúp thì người có bệnh hiểm nghèo cũng được trợ giúp” - ĐBQH Phạm Đình Cúc nói.

Toàn cảnh phiên họp ngày 10/11. Ảnh: Quốc Khánh
Toàn cảnh phiên họp ngày 10/11. Ảnh: Quốc Khánh

Góp ý về việc giữ nguyên mô hình trung tâm trợ giúp pháp lý như hiện nay, Đại biểu Phạm Đình Cúc cho rằng, theo quan điểm cá nhân ông, nên giữ nguyên mô hình trung tâm trợ giúp pháp lý như hiện nay, bởi vì chỉ có nhà nước mới có thể giữ vai trò cốt yếu chỉ đạo và thực hiện công tác này. Ông Cúc phân tích:

Thứ nhất, về tổ chức, hiện nay chúng ta có hệ thống Trung tâm trợ giúp pháp lý của các tỉnh, thành phố trực thuộc Sở Tư pháp đang hoạt động và quản lý tốt công tác này. Trung tâm là đầu mối tiếp nhận, thụ lý, lựa chọn trợ giúp viên, luật sư phù hợp với từng loại vụ việc, phù hợp với từng đối tượng thụ hưởng và cũng là cơ quan rà soát, chi trả thù lao vụ việc, là cơ quan sự nghiệp của nhà nước nên công tác quản lý rất dễ dàng và có chế tài ràng buộc, có chế tài xử lý nếu vi phạm.

Thứ hai, công tác trợ giúp pháp lý do nhà nước thực hiện. Bởi đây là chính sách nhân đạo, từ thiện, chính sách xóa đói, giảm nghèo về pháp luật nên chỉ công chức, viên chức nhà nước được trả lương phần nào, không phải lo cơm áo gạo tiền, không bị chi phối, ràng buộc bởi Luật viên chức, bởi động lực phấn đấu thăng tiến nên họ sẽ thực hiện công tác này nhiệt tình, tốt hơn.

Thứ ba, về nguồn lực con người chúng ta có sẵn. Chúng ta chỉ cần chính sách khuyến khích, bổ sung các đối tượng này.

Thứ tư, về cơ sở chúng ta có sẵn ở các địa phương. Chính vì vậy, theo quan điểm cá nhân tôi cần giữ nguyên tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý như hiện nay nhưng cần tinh giản bộ máy. Tiền nhà nước đưa vào trợ giúp pháp lý phải phục vụ cho các đối tượng yếu thế như phân tích ở trên và chủ yếu tập trung vào lĩnh vực tranh tụng về hình sự và tranh tụng về tố tụng, giảm bớt việc tư vấn, tuyên truyền. Vì không nước nào có đủ ngân sách để trợ giúp tất cả các yêu cầu…

Việt Hùng(lược ghi)