Giải quyết khí thải ở làng nghề hầm than củi lớn nhất Tây Nam Bộ
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 25/10/2016
Một góc làng nghề hầm than Xuân Hòa |
Được một người bạn mới quen hướng dẫn, chẳng mấy chốc, tôi đã hòa mình vào làng nghề hầm than củi Xuân Hòa. Dù vào thời điểm cuối thu, trời thường đổ mưa bất chợt, nhưng hoạt động tại làng nghề vẫn tấp nập, dưới sông hàng chục ghe, tàu đang neo đậu lên củi, xuống than, còn trên bờ xuôi theo dòng sông Cái Côn, sông Kinh cũ, hàng trăm lò hầm than hiện hữu vẫn đang đều đều nhả khói.
Dù đã cất công tìm hiểu về thuở sơ khai của làng nghề hầm than củi, nhưng ngay cả những hộ đã nhiều năm gắn bó như anh Nguyễn Văn Triển, cô Đặng Thị Bé Ba... ở ấp Hòa Thành, xã Xuân Hòa cũng không ai biết nghề này xuất hiện tại đây từ thời điểm nào và ông Tổ của họ là ai. Có chăng, trong ký ức mơ hồ còn lại, trước năm 1975, người dân địa phương đã xây lò hầm than. Sau thời điểm đó, nghề hầm than đã thu hút được nhiều người và phát triển thành làng nghề mãi cho đến ngày nay.
Cắt củi tạp chụm lò lấy lửa hầm than |
Những ngày này, trên tuyến sông Cái Côn và sông Kinh cũ với chiều dài khoảng chừng 10 kilomet đi qua địa phận xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng và xã Phú Tân (huyện Châu Thành), xã Tân Thành, Đại Thành (TX. Ngã Bảy), tỉnh Hậu Giang đang tập trung hơn 1.800 lò hầm than củi, trong đó ở xã Xuân Hòa chiến hơn phân nữa tổng số lò.
Các lò than ở đây rất giống nhau về hình thể (một phần hình cầu), nhưng có sự khác nhau về kích cỡ, vì những hộ có điều kiện kinh tế thì xây lò lớn khoảng 50 triệu đồng/lò, sức chứa từ 50 đến 60m3 củi, ngược lại, một số khác với kinh tế trung bình thì đầu tư xây lò nhỏ, giá thành từ 20 đến 30 triệu đồng và hầm được khoảng 30m3 củi.
Đổi đời nhờ…than
Khi nhắc đến làng nghề hầm than củi của xã, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, Phan Hải Hoàng Tâm không khỏi vui mừng cho hay, nhiều năm nay, sản phẩm than củi ở xã Xuân Hòa luôn đứng đầu trong các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp của xã kể cả huyện Kế Sách. Ngoài ra, mỗi năm làng nghề hầm than còn tạo công ăn việc làm cho hơn 1.500 lao động tại địa phương và các tỉnh lân cận, với thu nhập bình quân từ 150 đến 200 ngàn đồng/ngày. Đối với những hộ chuyên làm nghề hầm than củi ở xã Xuân Hòa thì phần lớn đều tạo dựng được kinh tế khá ổn định, họ cất được nhà tường, sắm xe, ghe vài chục tấn... và có điều kiện đầu tư cho con cái học hành.
“Là một xã khó khăn của huyện, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nhưng các hộ gia đình ở đây rất quan tâm đầu tư cho con ăn học đến nơi đến chốn. Hàng năm ở xã này có nhiều con em đậu vào các trường đại học, cao đẳng…, chỉ tính riêng năm 2016 xã có tới 17 em đậu vào các trường đại học chính quy, chưa kể còn nhiều em đậu vào các trường đại học dân lập, cao đẳng…”- ông Phan Hải Hoàng Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa phấn khởi cho biết.
Đưa than ra khỏi lò |
Là hộ có thâm niên hai đời làm nghề hầm than củi, anh Nguyễn Văn Triển 50 tuổi ở ấp Hòa Thành, xã Xuân Hòa cho rằng, cũng như bao ngành nghề khác, nghề hầm than củi ở xã Xuân Hòa cũng có lúc thăng, lúc trầm, nhưng đối với những người có tâm huyết bám trụ được với nghề thì đến nay cũng gặt hái được quả ngọt. Đối với tôi, quả ngọt chính là 3 đứa con được đầu tư học hành đàng hoàng, đứa con trai lớn hiện đang theo học tại Học viên hành chính tại TP. HCM, hai đứa kế đang học cấp hai, cấp 3, nhiều năm liền đều đạt thành tích xuất sắc.
Anh Triển nhớ lại, khi lập gia đình, vợ chồng anh được cha mẹ cho gần 3 công đất trồng trọt kiếm kế sinh nhai, dù đã làm lụng vất vả nhưng cũng chẳng đủ ăn. Để có tiền trang trải cuộc sống gia đình, anh đã xin làm thuê ở lò than của mấy hộ gần nhà. Sau một thời gian tích cóp, anh đã mua lại được 5 lò hầm than về đất nhà xây dựng lại và duy trì cho đến ngày nay. “Cũng nhờ vào nguồn thu từ 5 lò than này mà tôi đã có tiền cho con ăn học, xây nhà, mua ghe và các vật dụng trong gia đình..."-Anh Triển cho biết.
Là người gắn bó với nghề than theo diện "cha truyền con nối", ông Nguyễn Văn Ngoan, ở ấp Phú Lễ, xã Phú Tân, huyện Châu Thành sau hơn 40 năm đeo bám với nghề, đến nay gia đình ông đã tậu được 10 công đất, có tiền sắm xe, cho 2 con ăn học…"Với 4 lò than hiện có, vợ chồng tôi không chỉ có việc làm ổn định mà còn giúp được khoảng 10 lao động ở địa phương có thu nhập từ 180 đến 200 ngàn/ngày...".- Ông Ngoan vui vẻ cho biết.
Cân xuất than ra thị trường |
Mặc dù vậy, ông Ngoan cũng như nhiều người dân ở đây thừa nhận rằng, hoạt động của các lò hầm than ít nhiều đã và đanh ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, cây trồng giảm năng xuất, nhưng hiện tại chưa thể bỏ nghề này được vì tất cả vốn liếng của gia đình đã đổ hết vào xây lò hầm than và nếu không được làm nghề hầm than nữa thì bản thân ông và gia đình không biết sẽ làm gì để sống!
Nhiều khó khăn thách thức
Vui vì làng nghề hầm than củi ở Hậu Giang, Sóc Trăng đã và đang tạo được công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động ở nông thôn, kinh tế nhiều chủ lò trở nên khá giả và nhiều em học sinh tưởng chừng như phải bỏ học vì gia đình khó khăn thì nay được đầu tư học hành đến nơi đến chốn...Nhưng, phía sau niềm vui đó là những tác động tiêu cực từ khói bụi của lò hầm than đến sức khỏe con người, năng suất cây trồng…
Thực ra, trong thời gian vừa qua, các nhà khoa học đã nhiều lần cảnh báo, cơ quan quản lý nhà nước ở tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng cũng đã biết được ô nhiễm môi trường từ làng nghề hầm than, nhưng việc vận dụng các giải pháp vừa để phát triển làng nghề, vừa bảo vệ môi trường bền vững đang đặt ra nhiều khó khăn thách thức. Mới đây, làng nghề hầm than tại xã Xuân Hòa được tỉnh Sóc Trăng quy hoạch thành làng nghề truyền thống song hành với đó là giải pháp lắp đặt trên 730 hệ thống xử lý khí thải, công xuất 150m3/ngày/hệ thống, thế nhưng đến nay dự án vẫn chưa được triển khai vì chưa có kinh phí.
Xếp than xuống tàu vận chuyển đi các tỉnh, thành tiêu thụ |
Việc cứ kéo dài thời gian triển khai dự án xử lý khí thải tại làng nghề hầm than đang khiến cho chính quyền xã Xuân Hòa đứng ngồi không yên vì đã gần 6 năm trôi qua, xã vẫn chưa hoàn thành được tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, mặc dù tỉnh Sóc Trăng đã cho kéo dãn thời gian thực hiện tiêu chí 17 tại xã Xuân Hòa đến năm 2018, nhưng xem ra cũng rất khó hoàn thành được vì nguồn kinh phí để thực hiện dự án còn phụ thuộc vào Trung ương.
Bên cạnh đó, làng nghề hầm than mặc dù đã tồn tại và phát triển hàng chục năm nay, sản phẩm than tại đây không chỉ đến tay người tiêu dùng trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước khác, xong việc thu mua nguyên liệu củi, bán sản phẩm than...đang diễn ra một cách tự phát chưa có một sự hỗ trợ cụ thể nào từ các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Có những thời điểm nhiều chủ lò điêu đứng vì bị thương lái ép giá hoặc cạnh tranh giá không lành mạnh giữa các chủ lò. Do đó, hầu hết các chủ lò ở đây mong muốn các ngành chức năng thành lập hợp tác xã than giúp cho các chủ lò than trong việc tìm nguyên liệu, thị trường đầu ra với giá cả ổn định để làng than phát triển bền vững, đồng thời đây cũng là cơ sở để tăng thu cho ngân sách.
Còn diện tích đất thuộc các xã Phú Hữu, Phú Tân, huyện Châu Thành, Hậu Giang đã được quy hoạch thành vùng chuyên canh cây ăn trái, với những loại trái cây đã có thương hiệu trên thị trường như: bưởi năm roi, bưởi hồ lô…nhưng len lỏi trong đó là hơn 600 lò hầm than củi đang ngày ngày hoạt động, khiến chính quyền, nhà vườn không khỏi lo âu về năng suất, chất lượng trái cây thương hiệu...
Từ "thủ phủ" của làng nghề hầm than ngược về Cần Thơ, chúng tôi không khỏi băn khoăn về tính bền vững của làng nghề hầm than đã gắn bó máu thịt với hàng trăm hộ gia đình nơi đây. Mỗi ngày, quy trình làm than buộc phải thải ra không khí một lượng lớn khói và bụi, tức là môi trường nơi đây đang ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nhưng để làm sao hài hòa được lợi ích phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường bền vững, hơn lúc nào hết vào thời điểm này cần lắm sự vào cuộc hỗ trợ quyết liệt từ phía các ngành chức năng.
Lê Hùng