Người dân bất chấp độc hại "kiếm cơm", điểm gom rác điện tử "chết yểu"
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 21/10/2016
Nhận thức được mức độ nguy hại, nhiều chương trình thu hồi, tái chế rác điện tử an toàn, thân thiện với môi trường đã được tổ chức và nhận được sự đồng tình tích cực từ dư luận. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, những chương trình thu gom rác điện tử chỉ sau một thời gian ngắn dần trở nên “đuối sức” bởi hiệu quả thực tế mang lại không cao.
Nhiều điểm thu gom rác điện tử chưa phát huy được hiệu quả. |
Biết nguy hại nhưng nó là “cần câu cơm”
Cho đến nay, rác thải điện tử (RTĐT) vẫn thường được các cơ sở tái chế gọi chung với cái tên “đồng nát”. Bởi hiểu theo nghĩa rộng, nó có thể là nhựa, ắc quy chì thải, sản phẩm điện tử đã qua sử dụng, phế liệu kim loại… Khi hết thời hạn sử dụng, bị lỗi, chúng sẽ bị thải bỏ và trở thành RTĐT. Tuy nhiên, có một điểm chung là, bản thân RTĐT thường chứa các vật liệu độc hại cho con người và môi trường.
Ở các cơ sở thu gom, tái chế phế liệu, RTĐT thường được tái chế bằng cách phân loại, bóc tách riêng rẽ các bộ phận còn sử dụng được. Sau đó, những linh kiện và nguyên liệu này sẽ được tiêu thụ tại thị trường nội địa hoặc xuất đi thị trường Trung Quốc cho các đối tượng sử dụng có mức sống thấp hơn. Riêng phần không tái sử dụng được, phần lớn sẽ bị xả thẳng ra môi trường lẫn theo rác thải sinh hoạt.
Theo khảo sát của phóng viên tại các khu làng nghề, khu tái chế, sau khi được thu mua về, tất thảy RTĐT đều được xử lý rất thủ công, các công đoạn tháo dỡ hoàn toàn bằng tay trần. Không chỉ vậy, dù trong điều kiện nhiều khí độc, ô nhiễm nhưng người lao động trực tiếp tham gia khâu phân loại RTĐT lại chỉ được trang bị đồ bảo hộ khá thô sơ là găng tay và khẩu trang thường.
Minh chứng dễ thấy nhất là ở Cẩm Xá (Mỹ Hào, Hưng Yên) nơi được coi là một trong những “thủ phủ” thu gom RTĐT lớn nhất miền Bắc. Nơi đây hàng ngày có hàng chục xe tải của các hộ làm nghề tản đi khắp các tỉnh tại miền Bắc gom hàng. Họ chủ yếu thu gom những vật liệu như: ổ cứng, đầu đĩa, ti vi, dây điện… đem về phân loại và tái chế. Quy mô làng nghề ngày càng lớn giúp kinh tế người dân phát triển, nhưng dường như vấn đề an toàn lao động và ô nhiễm làng nghề lại trở thành “gánh nặng”.
Nói cách khác, sau khâu đoạn thu mua, phân loại, các phế phẩm của RTĐT đều được xử lý rất thủ công bằng cách chôn lấp hoặc đốt bỏ. Tình trạng ô nhiễm dễ thấy nhất là các bãi rác thải chất đống, nhếch nhác trong vườn nhà các hộ làm nghề, nhiều vật liệu điện tử rơi vãi trên đường, nổi lềnh bềnh trên mặt kênh mương thoát nước. Đáng nói, phần lớn những hộ làm nghề nơi đây đều nhận thức được việc tái chế như vậy là nguy hại và ảnh hưởng đến môi trường nhưng vì là làng nghề, thu nhập phần lớn dựa vào đó nên họ vẫn “nhắm mắt làm liều”.
Giải pháp nào?
Theo nhận định của Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI), trung bình mỗi năm, một người Việt thải ra môi trường 1kg RTĐT. Nếu đem số lượng này căn cứ trên dân số của toàn quốc thì lượng RTĐT ra môi trường vô cùng lớn. Thế nhưng, có một nghịch lý là dù số lượng rác “tuồn” ra môi trường nhiều nhưng việc thu gom và xử lý đúng cách lại gần như hạn chế. Thống kê của Chương trình Việt Nam tái chế (đơn vị thu hồi, xử lý miễn phí rác điện tử), trung bình một năm, đơn vị này chỉ thu gom được hơn 4 tấn rác, số lượng này nếu so sánh thì chưa bằng 1% lượng RTĐT thải ra trên toàn quốc.
Cần phải khẳng định, hiện các điểm thu gom rác điện tử còn quá ít ỏi và chưa thực sự phát huy hiệu quả. Đơn cử như ở Hà Nội, hiện có 5 điểm thu gom RTĐT do Chương trình Việt Nam tái chế khởi xướng. Các điểm thu gom này được phân bố rải đều khắp các quận nội thành. Tuy nhiên, theo khảo sát của người viết, việc thu gom ở nhiều điểm gần như không được cộng đồng quan tâm. Thậm chí, cách đây ít lâu, điểm thu gom ở Bảo tàng Chiến thắng B.52 - Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội do không đem lại hiệu quả nên đơn vị tổ chức đã tiến hành thu hồi và di dời đi địa điểm khác.
Tương tự, ở điểm thu gom thuộc khu vực Yên Hòa quận Cầu giấy, Thành Công, Quán Thánh quận Ba Đình lần mở phía thùng rác đặt tại các điểm này chỉ có số ít sợi dây điện, tai nghe, vỏ chiếc điện thoại để bàn, vỏ tivi… Theo ông Đào Ngọc Long, tổ trưởng tổ bảo vệ tại điểm thu gom Quán Thánh, do số lượng rác thu được ít nên vài tháng mới có đơn vị đánh xe về thu gom rác 1 lần, không có lịch trình cụ thể.
Lý giải về việc thu gom rác thải điện tử kém hiệu quả, ông Đức Ninh (76 tuổi, ở quận Ba Đình) cho biết: “Mặc dù mô hình thu gom RTĐT là mới và phù hợp với xu hướng phát triển. Tuy nhiên, đại bộ phận dân cư vẫn thường tận dụng RTĐT vào nhiều việc thậm chí tận thu, bán đồng nát. Tâm lý chung hiện vẫn là tiện đâu bỏ đó, không mấy ai nghĩ đến việc mang những sản phẩm điện tử cũ, hỏng của gia đình tới điểm tập trung thu gom RTĐT.
Ngoài ra, do lượng rác thải độc hại không có thường xuyên nên người dân chưa hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn. Hơn nữa, có phân loại, người dân cũng không nắm rõ ngày, giờ đơn vị nào chịu trách nhiệm về thu gom và xử lý loại rác thải nguy hại này”.
Khách quan nhìn nhận trên khía cạnh pháp lý, cho đến thời điểm này RTĐT vẫn chỉ được quản lý bởi các quy định chung về chất thải rắn và chất thải nguy hại. Công tác quản lý RTĐT tại thành phố hoàn toàn chưa có sự tham gia của các nhà sản xuất, phân phối. Việc áp dụng các công cụ chế tài, đặc biệt là công cụ tài chính còn chưa hình thành... Và hệ lụy nhãn tiền là việc thu gom RTĐT suốt thời gian vừa qua đã và đang lâm vào cảnh “chết yểu”.
Thời gian tới, thành phố cần tích cực kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân tái chế chất thải nguy hại, khi phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Về lâu dài, ban, ngành chức năng cần đầu tư lắp đặt dây chuyền, công nghệ xử lý rác thải hiện đại, khép kín để xử lý tận gốc chất thải nguy hại từ pin, ắc quy… khuyến khích doanh nghiệp sản xuất thu mua, tái sử dụng phế thải độc hại... có như vậy sẽ góp phần cải thiện môi trường sinh thái Thủ đô.
Theo baophapluat