Gần 100 nhân khẩu chênh vênh bên sườn núi

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 20/10/2016

Hiện nay, tại khu vực núi Gành, thuộc thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, có 22 hộ dân với gần 100 nhân khẩu đang sinh sống. Họ xây dựng nhà ở trái phép ngay sát chân núi, thậm chí, một số nhà nằm chênh vênh trên sườn núi, không những khó khăn trong việc đi lại mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở núi nguy hiểm đến tính mạng, nhất là trong mùa mưa bão.

Tình trạng này đã tồn tại qua nhiều năm, địa phương đã nhiều lần tổ chức cưỡng chế, giải tỏa, nhưng sau đó, việc lấn chiếm đất, xây nhà trái phép lại tái diễn.

Người dân thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định chiếm đất xây nhà trái phép ở sườn núi
Người dân thôn Đức Phổ 1 chiếm đất xây nhà trái phép ở sườn núi

Trước đây, toàn xã có 26 hộ dân với trên 122 nhân khẩu sinh sống trên sườn núi. Đầu năm 2016, xã đã vận động được 4 hộ di chuyển đến nơi ở mới. Hiện, còn lại 22 hộ với gần 100 nhân khẩu "thi gan" bám trụ trên Núi Gành. Trong đó, có 7 hộ trong tình trạng thấp thỏm, lo âu, khi lụt bão ập đến không có chỗ nào trú chân.

Nhà cửa của họ bị rạn nứt từng mảng, nền đất đá trên đồi núi quá yếu, rất nguy hiểm đến tính mạng. Đó là các gia đình ông bà Phạm Thị Hoa, Trần Văn Tiến, Huỳnh Anh Dũng, Nguyễn Quốc Toản, Đào Minh Cường…Nhớ lại mùa mưa bão năm 2007, tại khu vực núi Gành này, đã xảy ra một vụ sạt lở núi kinh hoàng, đá trên núi lao xuống làm sập nhà và đè chết anh Phạm Đình Hùng.

Bà Phạm Thị Hoa là một trong 22 hộ gia đình xây nhà trái phép ở khu vực núi Gành bộc bạch: “Hồi đó, gia đình tôi không có đất xây nhà, nên lên đây dỡ đất đồi núi để làm nhà ở. Biết là núi dễ lở, đành làm liều. Bây giờ, thấy cảnh đất, đá lở lăn lở lối, tôi sợ quá”.

Trước đây, núi Gành là đất lâm nghiệp dùng vào việc trồng rừng, nhân dân chỉ dựng lều tạm để trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Trải qua năm tháng sinh sống, người dân lén lút chuyển nhượng, mua bán trao tay cho một số người khác (chủ yếu là dân làm nghề biển), rồi xây nhà trái phép.

Địa phương đã có phương án xen cư hoặc xây dựng khu tái định cư mới nằm giữa thôn Đức Phổ 1 và Đức Phổ 2 cho những hộ dân trên với diện tích đất được hỗ trợ từ 100 - 200mcùng 10 triệu đồng/nhà; ngoài ra, còn tiền hỗ trợ tháo dỡ, vận chuyển vật liệu đến nơi ở mới.

Tuy vậy, bà con nêu nhiều lý do để ở lại như: số tiền hỗ trợ di dời thấp, không đủ để xây dựng nhà cửa. Chưa kể, nơi ở mới, được xã bố trí cạnh đầm, nền đất yếu, dễ sụt lún. Cuối cùng, những hộ này quyết không "hạ sơn".

Ông Trịnh Minh Bình - Chủ tịch UBND xã Cát Minh cho biết, lần này kế hoạch di dời 22 hộ dân buộc phải tiến hành: “Trước mắt, UBND xã phân công các thành viên trong Ban Chỉ huy PCLB thuyết phục, vận động bà con rời núi. Tuyệt đối, không để một người dân nào ở lại. Nếu không chịu di dời, cưỡng chế họ lên vùng an toàn”.

Theo nongnghiep