Điện Bàn - Quảng Nam: Cần giải quyết dứt điểm ô nhiễm chợ Vĩnh Điện
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 21/10/2016
Rác tràn ra ngoài nhà chứa rác ở chợ Vĩnh Điện gây ô nhiễm môi trường |
Rác tràn ra ngoài nhà rác, bốc mùi hôi thối khắp khu vực là thực tế đang diễn ra hiện nay tại khu chợ Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn. Hàng ngày khu chợ trung tâm lớn nhất thị xã Điện Bàn này xả ra khoảng trên 3 khối rác đủ loại. Cuối ngày, người của BQL chợ Vĩnh Điện sẽ đến thu gom đưa vào nhà chứa rác nằm sát bên hông chợ. Tới ban đêm, Công ty Môi trường đô thị chi nhánh Điện Bàn cho xe chở về tập kết tại bãi rác để xử lý. Thế nhưng, bên phía công ty môi trường không thực hiện theo đúng cam kết mà thường để từ 3 - 4 ngày mới tới chở rác đi, khiến rác đầy tràn ra ngoài, do để lâu ngày rác bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Ông Trần Văn Tho - Trưởng Ban quản lý chợ Vĩnh Điện cho biết: chúng tôi ký hợp đồng thu gom rác với Công ty TNHH MTV môi trường đô thị tỉnh Quảng Nam mà đơn vị trực tiếp thu gom là chi nhánh Điện Bàn. Theo hợp đồng thì công ty này phải thu gom rác trong các ngày thứ 2, 4, 5, 6, 7. Nhưng thời gian qua chúng tôi quá bức xúc vì có những lần họ để tới 3 đến 4 ngày mới tới chở rác đi, mà lấy cũng không hết rác. Trời nắng nóng rác bị phân hủy nhanh, chảy nước lênh láng ra ngoài khiến môi trường xung quang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Mặc dù Ban quản lý chợ đã làm công văn kiến nghị gửi lên công ty và tổ chức cuộc họp giữa các bên liên quan về vấn đề này với sự có mặt của lãnh đạo công ty môi trường, lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường Điện Bàn và BQL chợ Vĩnh Điện nhưng tình hình đến nay vẫn chưa cải thiện được là mấy. Trong khi đó, bà con tiểu thương lại cho rằng lỗi là do Ban quản lý chợ nợ tiền của công ty môi trường nên họ không tới chở nên tiếp tục tập trung phản ứng dữ dội. Ngày 19/10, khi PV báo Tài nguyên và Môi trường có mặt tại chợ Vĩnh Điện để tìm hiểu, thì bà con tiểu thương trong chợ bức xúc vây quanh phóng viên để kiến nghị cơ quan chức năng phải có biện pháp xử lý khẩn trương dứt điểm việc ô nhiễm môi trường trong chợ, tạo điều kiện cho bà con tiểu thương kinh doanh, buôn bán.
Rác gom lại để ngay bên hông chợ… |
Bà Trương Thị Hạnh, tiểu thương trong chợ bức xúc: Mùi hôi thối này có từ khi tôi vào chợ bán từ năm 2011. Chúng tôi ngồi bán trong chợ 5 - 6 tiếng đồng hồ một ngày mà ô nhiễm môi trường thế này ai mà chịu được, không những ảnh hưởng tới sức khỏe mà khách hàng cũng không dám vào chợ mua sắm và ăn uống. Trong khi thuế má chúng tôi đóng đầy đủ. Nhiều lần bà con tiểu thương kiến nghị tới ban quản lý nhưng chẳng thấy tình hình khá hơn chút nào. Cứ như thế này, chúng tôi bỏ chợ ra ngoài buôn bán, chứ thế này thì chịu hết nổi.
Đối với các tiểu thương kinh doanh mặt hàng ăn uống tại chỗ hoặc các quầy bán bún, mì... trong chợ thì việc ô nhiễm đã khiến các quầy hàng này không có khách. Bà Hoa một tiểu thương bức xúc: Những lúc trời mưa nước bẩn từ trong nhà rác tràn ra lênh láng mùi hôi thối khiếp lắm. Tôi hỏi anh, mùi thối như thế này anh có ngồi đây ăn uống được không? Thuế thì vẫn phải nộp nhưng buốn bán ế ẩm thì thử hỏi làm sao tiếp tục làm ăn được đây. Mà tôi thắc mắc tại sao BQL chợ không hợp đồng chở rác với công ty khác, sao phải lệ thuộc, để họ muốn làm gì thì làm.
Rác gom lại để ngay bên hông chợ nhưng phải đợi 3 - 4 ngày sau mới được chuyển đi |
Trả lời PV báo Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này ông Trần Văn Tho, Trưởng ban quản lý chợ cho biết: Chúng tôi không có sự lựa chọn, chúng tôi có nhân lực, có vật lực. Thế nhưng chỉ có việc chuyển một đống rác từ điểm A sang điểm B mà không thể thực hiện được, vì vấn đề nằm ở chỗ gom rác rồi mang đi đâu, đổ ở đâu, xử lý rác thế nào? Bãi rác là của họ, sao họ cho mình đổ được, dù không muốn chúng tôi vẫn phải lệ thuộc vào họ.
Như vậy vấn đề ô nhiễm môi trường phát sinh từ rác thải ở chợ Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) vẫn chưa thể xử lý dứt điểm khi chưa có một cam kết cụ thể chắc chắn nào từ phía Công ty TNHH MTV môi trường đô thị tỉnh Quảng Nam. Rác thải tồn đọng vẫn chậm chễ được chuyển đi, ngày đêm bốc mùi hôi thối gây rất nhiều khó khăn cho các tiểu thương kinh doanh, buôn bán trong chợ.
Bài & ảnh: Dương Bùi