Sơn La: Nạn châu chấu tre đã giảm
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 12/10/2016
Hiện, châu chấu đã giảm do bước vào cuối chu kỳ sinh trưởng, chết sinh lý tự nhiên. |
Xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp là địa phương đang có nhiều châu chấu tập trung nhất. Ông Lò Văn Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp cho biết: Châu chấu xuất hiện từ tháng 6 đến nay, rải rác tại 8 bản và một cụm dân cư, đặc biệt, tại bản Liềng, đang là nơi tập trung của châu chấu từ các bản khác về.
“Tuy vậy, sau hơn 3 tháng xuất hiện, châu chấu chỉ đi qua và ăn vài lá, như lúa nương, sau đó, tập trung vào ăn lá tre, lá nứa là nhiều. Để chủ động phòng chống châu chấu trên địa bàn, chính quyền xã Mường Lèo đã có công văn, kế hoạch, đồng thời, tập trung cán bộ xã đến các bản hướng dẫn bà con cách phòng trừ, chủ yếu phòng trừ bằng thủ công là chính. Khi vào nương lúa, hoa màu, xua đuổi, và vây bắt.” – ông Lò Văn Dung cho biết thêm.
Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT Sơn La, châu chấu tre bắt đầu xuất hiện tại xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp từ đầu tháng 4/2016, với mật độ phổ biến 10 - 20 con/m2, thời kỳ cao điểm lên tới 50 con/m2, cá biệt 200 - 700 con/m2, chủ yếu là châu chấu tre lưng vàng non nở từ nguồn trứng đẻ cuối năm 2015. Châu chấu tre gây hại tập trung trên các diện tích rừng tre bát độ, tre mọc tự nhiên trong rừng hỗn giao, đường đi, bìa rừng và các cây nông nghiệp trên nương.
Đến trung tuần tháng 7, châu chấu tre trưởng thành di chuyển thành đàn dọc theo các bản khu vực biên giới Việt – Lào với số lượng lớn cư trú gây hại trên rừng tre, chít tại các xã Mường Lạn, Sam Kha, Mường Lèo, huyện Sốp Cộp. Diện tích châu chấu gây hại toàn huyện Sốp Cộp là 1.248ha, trong đó, diện tích rừng 840ha, diện tích cây nông nghiệp 308ha.
Từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 10, châu chấu tre lưng vàng di cư, bổ sung số lượng từ các khu vực giáp tỉnh Điện Biên và dọc theo đường biên giới sang gây hại tại 8/12 bản của xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp. Tổng diện tích xuất hiện và gây hại 1.095ha, chủ yếu là rừng hỗn giao. Hiện, châu chấu đã giảm do bước vào cuối chu kỳ sinh trưởng, chết sinh lý tự nhiên, mật độ, quy mô nhỏ, chủ yếu tập trung trên các khu vực rừng, co cụm đẻ trứng.
Cũng khoảng thời gian cuối tháng 8, đàn châu chấu di cư từ nước CHDCND Lào sang xã Mường Hung, huyện Sông Mã, chủ yếu là châu chấu trưởng thành, gây thiệt hại 4ha diện tích rừng hỗn giao. Từ giữa tháng 9 tới nay, đàn châu chấu đã di cư, không còn gây thiệt hại trên địa bàn huyện Sông Mã.
Ngay sau khi châu chấu xuất hiện, UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo Sở NN&PTNT và các huyện theo dõi chặt tình hình phát sinh, gây hại của châu chấu và hướng dẫn nhân dân các biện pháp quản lý, phòng trừ. Qua 3 đợt phòng trừ, tại huyện Sốp Cộp, đã huy động gần 400 người tham gia bắt và tiêu hủy được 150 kg châu chấu tre lưng vàng. Đồng thời, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phun trừ được 991 ha cây nông nghiệp trên nương và ven rừng. Tại các diện tích phòng trừ châu chấu tre lưng vàng đã mang lại hiệu quả phòng trừ cao, mật độ châu chấu tre giảm mạnh.
Ông Dương Gia Định, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La cho biết: Mức độ gây hạii của châu chấu tre lưng vàng chỉ là cục bộ. Diện tích châu chấu tre gây hại chủ yếu trên rừng hỗn giao, trên cây tre, chít, mức độ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, đời sống nhân dân chưa nghiêm trọng. Cùng với đó, công tác quản lý, theo dõi diễn biến tình hình châu chấu đã được thực hiện ngay từ khi châu chấu xuất hiện. Công tác phun trừ châu chấu được thực hiện đạt hiệu quả cao.
Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của châu chấu tre và khống chế không để bùng phát thành dịch. Xác định rõ khu vực châu chấu tre co cụm, đẻ trứng để thu gom. Vùng theo dõi gồm các xã Mường Lạn, Mường Và, Mường Lèo, Sam Kha của huyện Sốp Cộp.
Đồng thời, tổ chức thống kê, đánh giá thiệt hại do châu chấu tre gây ra, hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân, hỗ trợ khôi phục hoặc chuyển đổi sản xuất đối với các diện tích cây nông nghiệp bị châu chấu tre gây hại nặng.
Tập trung diệt trừ châu chấu non nở, khuyến khích, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp thủ công như thu gom, bắt, đốt, đào... Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phun trừ khi châu chấu non bắt đầu nở rộ, dự kiến khoảng từ tháng 4 - 6/2017.
Tin và ảnh: Nguyễn Nga