Không khí Hà Nội: Chạm "ngưỡng" ô nhiễm cao thứ nhì thế giới

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 05/10/2016

Với kết quả đo và phân tích không khí Hà Nội trong sáng ngày 5/10, môi trường sống của Thủ đô được xếp vào nhóm “xấu”, rất không tốt cho sức khỏe. 
Thông số quan trắc tại các trạm đo không khí tự động cho thấy, dự báo trong 2 ngày tới, không khí tại Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì ở mức ô nhiễm cao. Mức độ ô nhiễm dự kiến sẽ đạt cao điểm vào 10h sáng thứ Sáu 7/10.
Mức độ ô nhiễm dự kiến sẽ đạt cao điểm vào 10 giờ sáng thứ Sáu 7/10.
 
Chỉ số chất lượng không khí AQI (Air Quality Index) do cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) xây dựng là chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày. Các thông số của AQI như Ozone, bụi trong không khí, CO2, SO2, các khí Ô xit của Nitơ… khi đo được sẽ cho biết chất lượng không khí tại thời điểm đó là sạch hay ô nhiễm và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người như thế nào. 

Có 5 mức khoảng giá trị AQI. Từ 0-50, là tốt, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Cụ thể, từ 51 - 100, là mức trung bình, nhóm nhạy cảm hạn nên hạn chế thời gian ở bên ngoài; từ 101 - 200, là kém; từ 201 - 300, là xấu, nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, những người khác hạn chế bên ngoài; trên 300, mức nguy hại, mọi người nên ở trong nhà.

Theo Chi Cục bảo vệ Môi trường Hà Nội, thời điểm sáng 5/10, chỉ số AQI đo được tại một số địa điểm tại TP. Hà Nội đã thuộc nhóm xấu. 

Cụ thể tại khu vực Láng Hạ, chỉ số AQI đo được là 245. Khu vực cầu Nhật Tân, chỉ số AQI là 187. Khu vực Gia Lâm, tại trạm Nguyễn Văn Cừ, chỉ số AQI là 178. Đây là những chỉ số rất cao và so sánh với kết quả đo được từ Cơ quan bảo vệ Môi trường Mỹ tại các TP lớn ở các quốc gia, TP Hà Nội đang có chỉ số ô nhiễm cao thứ nhì thế giới, thấp hơn chỉ số ô nhiễm của Ardhali Bazar của Ấn Độ (AQI đạt 471).

Trên thực tế, trong 5 năm trở lại đây (từ 2011 - 2015), chỉ số đo ô nhiễm Hà Nội mức cao, mức chất lượng không khí xấu. Ông Ngô Thái Nam, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, nguồn cơn của ô nhiễm không khí tại Hà Nội, chủ yếu do bụi và các khí ô nhiễm NO2, SO2 và CO phát sinh từ hoạt động giao thông. 

Số liệu cho thấy, số ngày chỉ số AQI vượt mức 100 có nguyên nhân từ bụi (PM10) 5 năm qua, đều ở mức cao. Nồng độ bụi tăng cao vào các giờ giao điểm giao thông, giảm thấp vào 2 thời điểm trưa và đêm.

Bên cạnh bụi, các khí ô nhiễm NO2, SO2 và CO cũng góp phần khiến môi trường tại Hà Nội thường đặt trong tình trạng báo động. Ngay cả khu vực nông thôn Hà Nội, môi trường không khí ngày một xấu đi bởi việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan. Chỉ riêng xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, nồng độ TSP đo được đã xấp xỉ 300 trong khi mức cho phép là 200.

Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương, Hà Nội có tỷ lệ mắc hen phế quản cao nhất 5,5%. Các bệnh viêm phổi ở mức cao 4,7%, viêm họng và viêm amidan cấp (3,96%), viêm phế quản và viêm tiểu phế quản (3,2%)…

Hà Nội, thành phố đáng sống, đang phải đối mặt với thực trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Tất cả đã tạo những báo động đỏ của hôm nay và khó lường hơn nữa ở phía trước.

Theo daidoanket