Tròng trành chợ nổi Cái Răng
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 01/10/2016
Hiếu kỳ chợ nổi trên sông
Đến Đồng bằng sông Cửu Long, du khách thường mong muốn được thưởng ngoạn du thuyền trên sông nước, hoà mình vào không khí tấp nập chợ nổi.
Từ lúc trời chưa sáng, trên sông Cần Thơ, dưới chân cầu Cái Răng, hàng trăm tàu thuyền đã hội tụ, cung ứng hàng hoá nông sản cho thị trường |
Chợ nổi Cái Răng nằm trên sông Cần Thơ (một nhánh của sông Hậu), được hình thành cách nay hơn 100 năm. Đây là biểu tượng du lịch của TP.Cần Thơ và là một trong những điểm du lịch tiêu biểu tại Đồng bằng sông Cửu Long, có sức hấp dẫn du khách trong nước và nước ngoài.
Chợ nổi Cái Răng còn lưu giữ được những nét đặc trưng vốn có; nơi giao lưu thương mại trù phú, đem lại nguồn thu đáng kể cho thương gia, tiểu thương trên địa bàn. Ngay từ tờ mờ sáng, hàng trăm thuyền, ghe đã neo đậu trên mặt sông, gần chân cầu Cái Răng. Trời còn nhá nhem, chưa nhìn rõ mặt người, nhưng lái thương chỉ cầm nghe tiếng cười nói đã nhận ra chủ tàu, chủ hàng.
Khách hàng mua trái cây trên chợ nổi Cái Răng |
Anh Lê Văn Tư, ở thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang) có thâm niên 10 năm đi tàu buôn bán gắn bó với chợ nổi Cái Răng, tâm sự: Vợ chồng tôi cùng em trai thường xuyên mua củ đậu từ tỉnh An Giang đưa về chợ nổi Cái Răng bán, vừa bán xỉ, vừa bán lẻ. Mỗi chuyến chở khoảng 20 tấn hàng. Giá củ đậu mua vào là 3.000 đồng/kg, bán ra từ 3.500 – 4.000 đồng/kg. Buôn bán có chuyến lời, chuyến lỗi, mỗi tháng trừ chi phí đi cũng thu nhập khoảng 10 - 15 triệu đồng. Vợ chồng sinh được 2 con, cháu lớn học lớp 11, đứa nhỏ học lớp 6. Con cái cô em gái trông nom, dạy dỗ. Đi làm xa, việc quan tâm chăm sóc con cái học hành có những khó khăn, nhưng phải khắc phục.
Anh Tư cho biết, chợ nổi Cái Răng hình thành tự phát từ lâu đời theo nhu cầu buôn bán và trao đổi sản phẩm của địa phương theo một tập quán sinh hoạt “trên bến dưới thuyền”. Đây là chợ đầu mối thương mại, trung tâm giao lưu hàng hoá lớn nhất khu vực, là trục lộ giao thông thuỷ, bộ; đồng thời là trung tâm của những vườn cây trái trù phú và ruộng vườn phì nhiêu, giữa các địa phương: Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền. Hàng ngày có khoảng 250 ghe, thuyền, xuồng neo đậu, mua bán trái cây, rau, củ và nông sản: Rau xanh, hoa tươi, quả bí xe tải chuyển từ Đà Lạt, Đắk Lắk về chợ Cái Bè, sau đó chuyển xuống tàu, thuyền chở đến chợ nổi để bán ra thị trường. Các loại nông sản muôn nẻo nhập về chợ nổi Cái Răng: Củ đậu từ An Giang, Bến Tre; dứa, dưa hấu, củ mỡ lái thương nhập từ Kiên Giang, An Giang, Tiền Giang…
Hàng trăm tiêu thương cung ứng hàng nông sản cho thị trường, mang lại thu nhập đáng kể, cải thiện cuộc sống gia đình |
Trong không khí tấp nập, sôi động, chúng tôi đang say mê ngắm sông nước thì tiếng “Đờn ca tài tử” vang vọng cuốn hút lòng người. Chị Nguyễn Thị Oanh, chủ tàu hàng cho biết: Hàng ngày, buổi sáng, đoàn văn nghệ của Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ tổ chức du thuyền hát đờn ca tài tử phục vụ bà con và du khách tham quan trên chợ.
"Đờn ca tài tử" là nét đặc trưng văn hoá miền sông nước hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế |
Có lẽ, hát “Đờn ca tài tử” phục vụ trên sông là đặc trưng và hấp dẫn nhất, nét văn hoá Chợ nổi miền sông nước. Chiếc thuyền tròng trành, tiếng sóng nước vỗ mạn thuyền, tiếng cười nói hoà cùng tiếng hát say lòng người.
Đôi điều góp bàn
Thuyền, ghe chuyên mua bán, kinh doanh ở Chợ nổi Cái Răng hiện nay chỉ còn khoảng hơn 250 phương tiện, giảm nhiều so với xưa kia. Phương án “Bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng” đang được TP.Cần Thơ triển khai.
Nhiều du khách không mắc áo phao khi du thuyền trên sông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông |
Bên cạnh sự hấp dẫn to lớn của chợ nổi Cái Răng thì vẫn còn những điều trăn trở đối với khách tham quan, thưởng ngoạn. Một trong trong những lý do không hấp dẫn ở chợ nổi là tình trạng ô nhiễm môi trường, hoạt động khá lộn xộn, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; nhà ven sông xập xệ, thuyền bè phơi quần áo chằng chịt, mất mỹ quan văn minh thương mại; tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tính mạng trên sông…
Hàng ngày có hàng nghìn người tham gia Chợ nổi Cái Răng, mọi sinh hoạt trên tàu tác động đến dòng sông. Tình trạng xả thải bừa bãi trực tiếp xuống sông, túi ni lông, chai nước, hộp đựng thức ăn… đang diễn ra. Điều đáng nói là, ngày đầu tháng 10/2016, có mặt trên chợ nổi Cái Răng, chúng tôi không thấy bóng dáng ai thu gom rác thải; rác trôi lênh đênh trên sông, cuộn trên những đám bèo, vừa gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan Chợ nổi.
Cả du khách và người lái thuyền đều không mặc áo phao |
Tình trạng hoạt động khá lộn xộn, mạnh ai nấy bán, thuyền ghe va quệt vào nhau; hầu hết những người buôn bán không mặc áo phao và trên thuyền cũng không có phao, tiềm ấn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Tàu du lịch trên sông, mặc dù trên tàu có áo phao nhưng nhiều du khách không mặc. Để đảm bảo an toàn cho những người tham gia chợ nổi trên sông, cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý, kiên quyết không cho tàu xuất bến, nếu du khách không mặc áo phao. Đồng thời xử phạt nghiêm đối với nhưng chủ tàu, nhân viên phục vụ để khách không mặc áo phao vẫn cho tàu chạy.
Rác thải trôi theo dòng nước, dòng sông đang bị ô nhiễm môi trường |
Hiện nay Chợ nổi Cái Răng chủ yếu hoạt động buôn bán nông sản. Hoạt động du lịch trên sông, chợ nổi mới dừng lại ở việc đưa khách tham quan, ghé vô chợ cho khác thưởng thức trái cây, mua hàng hoá; hoạt động du lịch còn đơn điệu. Khách du lịch quốc tế thích được trải nghiệm trong vai người buôn bán trên sông nước.
Rác thải xả thẳng xuống sông, cuộn trên những đám bèo nhưng không đượt vớt, thu dọn |
Các đơn vị kinh doanh du lịch cần có giải pháp nghiên cứu để xây dựng những chương trình tham quan Chợ nổi phù hợp, hấp dẫn; thuyết minh thổi hồn, hấp dẫn đặc trưng chợ nổi gắn với văn hoá miền sông nước; gắn hoạt động thương mại với kinh doanh du lịch; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn du khách giữ gìn môi trường du lịch xanh, sạch, bền vững.
Bài & ảnh: Xuân Vũ