Vì sao trạm thu phí BOT tại cầu Bến Thủy gây bức xúc?

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 25/09/2016

Việc đặt trạm thu phí tại vị trí 2 cầu Bến Thủy như hiện nay đang tồn tại nhiều nghịch lý, theo đó nhiều người tham gia giao thông đang phải đóng phí cho các...

 

Việc đặt trạm thu phí tại vị trí 2 cầu Bến Thủy như hiện nay đang tồn tại nhiều nghịch lý, theo đó nhiều người tham gia giao thông đang phải đóng phí cho các công trình mà họ không hề sử dụng.

Như đã đề cập, việc UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết liệt xin giảm phí và di dời điểm đặt trạm thu phí BOT Bến Thủy cho thấy những bức xúc khó giải tỏa trong lòng dân, cho dù chưa nhận được sự đồng tình của UBND tỉnh Nghệ An.

Lịch sử một trạm phí tai tiếng

Theo chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức xây dựng, kinh doanh, chuyển giao (BOT), Tổng Công ty Công trình giao thông 4 (Cienco 4) đã thực hiện 5 dự án lớn trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư khoảng hơn 4.200 tỷ đồng. Và để hoàn vốn cho các dự án này, Cienco 4 được phép thu phí qua cầu Bến Thủy I và II.

Bản chất của hoạt động đầu tư BOT không sai, vì đó là một “thỏa thuận đầu tư” giữa nhà đầu tư và chính quyền. Tuy nhiên, trong thực tế áp dụng, nhiều vấn đề phát sinh đã đụng chạm đến quyền lợi trực tiếp của người dân.

Tại trạm BOT Bến Thủy, trên thực tế, việc đặt trạm thu phí tại vị trí 2 cầu Bến Thủy như hiện nay đang tồn tại nhiều nghịch lý, theo đó nhiều người tham gia giao thông đang phải đóng phí cho các công trình mà họ không hề sử dụng.

Cụ thể, trong 5 dự án trên thì có 3 dự án nằm trên đất Nghệ An với tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng (tuyến tránh TP Vinh; cầu vượt đường sắt QL 46 - Nghệ An và cầu Yên Xuân) thì việc thu phí là hoàn toàn không hợp lý đối với các phương tiện tham gia giao thông của người dân các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn và TX Hồng Lĩnh.

Thực tế hiện nay, các phương tiện đi lại của nhân dân ở các địa phương trên khi qua cầu Bến Thủy I và II (được đầu tư bằng vốn nhà nước) không tham gia giao thông trên QL1 tuyến tránh TP Vinh và QL1 đoạn Nam Bến Thủy đến tuyến tránh TP Hà Tĩnh nhưng đã phải trả phí qua cầu nhiều năm nay.

Theo Pháp lệnh về thu phí và lệ phí cũng như các quy định pháp luật về sử dụng và cung ứng dịch vụ thì mỗi người chỉ phải trả một khoản phí nào đó khi họ sử dụng hoặc được cung cấp một dịch vụ tương ứng.

Do đó, việc đặt trạm thu phí bất hợp lý này không chỉ vi phạm các quy định của Nhà nước mà còn tạo bất công cho nhân dân sinh sống ở khu vực hai bên cầu Bến Thủy khi họ phải trả phí cho những công trình mình không sử dụng, nhất là đối với đại đa số người dân Nghi Xuân và TP Vinh thường xuyên đi lại qua cầu Bến Thủy I.

Theo một văn bản của UBND tỉnh Hà Tĩnh, thì theo Quyết định số 2082/QĐ-TTg ngày 21/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh đến năm 2025 thì TP Vinh (Nghệ An) và huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) là đầu mối trung tâm quan trọng trong vùng.

Việc xây dựng các tuyến đường kết nối giữa các trung tâm đô thị của vùng này với các khu vực động lực sản xuất như các khu công nghiệp, cảng biển, khu kinh tế về nguyên tắc phải đảm bảo thuận lợi cho việc thông thương hàng hóa, tạo việc làm cho người dân. Tuy nhiên, việc đặt 2 trạm thu phí như hiện nay là một trở ngại lớn cho việc đi lại, giao lưu văn hóa và kinh tế của người dân Nghi Xuân và TP Vinh.

Bức xúc lớn nhất là của người dân thuộc khu vực hai bên cầu Bến Thủy. Trước đây, họ lưu thông qua lại dễ dàng qua cầu Bến Thủy 1 vì cầu này được đầu tư bằng vốn nhà nước và miễn phí. Nay, sau khi được “tráng một lớp nhựa mới”, phí qua cầu đã là 45 ngàn đồng/lượt xe bốn chỗ ngồi. Theo phân tích của người dân, những người hàng ngày chỉ đi lại trên cầu Bến Thủy I (cũ) không hề sử dụng các công trình mà Cienco4 đã đầu tư và như vậy đóng phí là bất hợp lý.

Bản đồ vị trí dự kiến di dời trạm (2 chấm đỏ là vị trí dự kiến của 2 trạm mới). Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Bản đồ vị trí dự kiến di dời trạm (2 chấm đỏ là vị trí dự kiến của 2 trạm mới). Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Giải quyết thế nào?

Là cơ quan ghi nhận rõ nhất những bức xúc của người dân, UNBD tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra phương án di dời trạm thu phí về các địa điểm hợp lý hơn. Cụ thể, một phương án hợp lý được đặt ra là di dời 2 trạm phí cầu Bến Thủy vào các vị trí xã Xuân Lam trên tuyến QL 1A cũ (tại khoảng lý trình Km 476) và xã Xuân Lĩnh (cùng thuộc huyện Nghi Xuân) trên tuyến QL 1A mới (tại khoảng lý trình Km 480).

Theo phương án này khoảng cách của 2 trạm thu phí Bến Thủy (sau di dời) cách Trạm thu phí Cầu Rác (Cẩm Xuyên) hơn 60 km (ngắn hơn khoảng cách quy định là 70 km), nhưng trên thực tế, hệ thống quốc lộ cả nước có 86 trạm thu phí thì có 9 trạm (chiếm 10%) khoảng cách 60-70 km, 24 trạm (chiếm 28%) có khoảng cách nhỏ hơn 60 km.

Mặt khác, tuyến Quốc lộ 1 (cả tuyến cũ và mới) đi qua 2 trạm mới này là tuyến độc đạo nên tránh được hiện tượng lách trạm, đảm bảo được việc thu phí của nhà đầu tư. Điều quan trọng nhất là đảm bảo công bằng đối với đa số các đối tượng sử dụng hạ tầng trả phí vì qua khảo sát, người dân các địa phương lân cận như: Can Lộc, Đức Thọ, Hương Sơn, Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) chủ yếu là giao thương đi lại với các địa phương từ TP Vinh trở ra phía Bắc, lưu lượng phương tiện giao thương với huyện Nghi Xuân là không đáng kể nên việc thay đổi trạm như phương án này so với việc để nguyên vị trí trạm như cũ là rất ít bị ảnh hưởng và dễ chấp nhận được.

Trong khi đó, về vấn đề giảm phí, mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đồng ý với chủ trương đề xuất giảm phí BOT tại một số trạm thu phí trong cả nước, theo đó, Trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và cầu Bến Thủy 2 nằm trong danh sách được giảm phí lần này.

Cụ thể, ngày 1/8, căn cứ vào nguyên tắc điều chỉnh giảm phí và kiến nghị của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ký văn bản đồng ý giảm 10 - 15% mức thu đối với phương tiện nhóm 4 (xe có trọng tải từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet) và nhóm 5 (xe tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng container 40 feet) của 29 trạm thu phí BOT có mức thu tối đa khung tại Thông tư 159.

Ngoài ra, tại 5 trạm có mức thu phí cao nhất cũng sẽ giảm 10 - 20% mức phí đối với phương tiện nhóm 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt), nhóm 2 (xe từ 12 - 30 ghế ngồi, xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn).

UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã gửi văn bản lên Chính phủ để kiến nghị chính thức cả về vấn đề di chuyển trạm thu phí lẫn việc giảm phí này, nhưng vấn đề hiện vẫn chưa được giải quyết.

Trong bối cảnh đó, ông Lê Ngọc Hoa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã có phát biểu “khó nghe” khi nói rằng đề xuất của UBND tỉnh Hà Tĩnh là “vớ vẩn”.

sáng 23/9, trao đổi với báo Pháp luật TP.HCM về việc này, ông Lê Ngọc Hoa, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cienco 4, hiện là phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đã bày tỏ sự không đồng tình.

"Nên hay không nên không phải là một câu trả lời mà được. Mà cái này Hà Tĩnh vớ vẩn, khi triển khai cả dự án này, phương án tài chính, vị trí đặt trạm thu phí, rồi tính toán lưu lượng các thứ là người ta đã làm việc với cả nhà đầu tư, nhà tín dụng và cả địa phương, cả Bộ Giao thông vận tải. Cái đó liên quan gì đến Hà Tĩnh đâu. Trạm thu phí đang nằm ở Nghệ An mà xe là xe cả nước đi qua chứ riêng xe huyện Nghi Xuân đâu", ông Hoa nói.

Phát biểu này của ông Lê Ngọc Hoa đã và đang làm nóng công luận, trong bối cảnh lãnh đạo này từng là lãnh đạo cao nhất của Cienco4, đơn vị đang sở hữu các trạm thu phí BOT Bến Thủy hiện nay!

Theo Vietnamfinance