Làng chài làm giàu từ biển
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 21/09/2016
Nhà lầu, xe hơi: Nguồn thu từ biển cả
Xã Phước Tỉnh là làng chài khá sầm uất của huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, hơn 80% hộ dân làm nghề đi biển đánh bắt xa bờ và được coi là địa phương làm giàu từ nghề đi biển và dịch vụ nghề cá. Hàng trăm gia đình sắm được xe hơi, hàng nghìn hộ xây được nhà lầu và dụng cụ đắt tiền, tất cả từ biển mà có. Đó là những điều nhận biết đầu tiên khi chúng tôi đến làng chài Phước Hải để được nghe các ngư dân ở nơi này kể chuyện đi biển trong những ngày trung tuần tháng tám này.
Làng chài Phước Tỉnh nhìn từ cầu Cửa Lấp phường 12 Tp Vũng Tàu |
Ông Dư Văn Hiển là người được coi là “Kình ngư” ở làng chài Phước Tỉnh này có bốn đời làm nghề đi biển. Từ đời cố, đời cha ông, rồi ông và bây giờ là 3 con trai và một con gái đều gắn liền với sông nước. Mặc dù đã qua cái thời “trai tráng kình ngư”, nhưng hỏi về tinh thần mỗi lần ra khơi ông sôi nổi kể lại đầy khí phách: “Đi biển đồng nghĩa với chấp nhận rủi ro, thậm chí bỏ mạng cho “hà bá”, nhưng nghề đi biển cũng là nghề hái ra tiền. Hàng ngàn ngôi nhà cao tầng, hàng trăm xe ô tô đời mới mà các ngư phủ hoặc chủ ghe “tạu” được là nhờ tiền từ biển. Nước biển có máu xương của nhiều ngư phủ, song biển cũng nuôi sống đời chúng tôi”.
Chỉ tay về phía những ngôi nhà mới xây sát bờ kè biển, ông Hiển phân trần: “Nếu cứ nhìn vào đồng tiền đem về thì không ai biết được gian khổ của nghề đi biển, nhưng cũng nói thật đi biển nhanh giàu lắm. Chỉ cần một chuyến thắng lợi là ba chuyến thất bại cũng chẳng đánh đổ được. Rừng lắm cây, biển nhiều cá, có sức là có tiền. Hơn 40 năm gắn bó với biển nhưng chưa bao giờ tôi có ý định từ bỏ nó. Đời cha tôi, con tôi cũng như vậy. Đi biển cũng nhiều niềm vui lắm chớ. Anh nhìn thấy đấy, suốt dọc bờ biển Phước Hải này nhà xây san sát, nhà lầu xe hơi đều từ tiền từ biển”.
Theo tay ông Hiển chỉ dọc theo bờ biển là khu phố mới với những nhà lầu, nhà ngói đỏ tươi in mình xuống nước. Đó là “sản phẩm” của biển mà hàng ngàn hộ dân chài Phước Tỉnh này nhiều năm gây dựng mới có được. Bên chiếc xe hơi cáu cạnh mua hồi tháng trước, cựu ngư phủ Trần Chí Tài “khoe” với chúng tôi về những thành tích mà anh và các bạn ngư phủ một thời “dọc ngang” trên vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. “Lúc đầu chỉ đi theo ba nấu cơm cho các anh làm công, nhưng mỗi lần kéo được nhả cá từ biển lên là tôi thấy mình không thể bỏ được biển. Ra biển đánh cá mới thấy yêu đất nước mình. Nói thật với anh, nếu không đi biển đánh cá biết là gì để sinh sống, trong khi biển đã là nghề truyền thống của gia đình. Nhà cửa, cả cái xe này nữa đều lấy từ biển. Mặc dù nhiều chuyến đi dài ngày khá vất vả, nhất là vào mùa bão gió, song chính trong gian khổ ấy mình mới thấy yêu nghề”, anh Tài chia sẻ.
Kể về chuyện làm giàu ở Phước Tỉnh, “kình ngư” Dư Văn Hiển chỉ nói ngắn gọn “Ở làng chài Phước Hải này, không chỉ tôi, ông Tài tôi, mà nhiều gia đình ngư phủ khác làm giàu từ nghề đi biển. Tất cả các vật dụng từ nhà cửa, ti vi, tủ lạnh đến xe hơi đều từ công sức lao động mà chiếc ghe là phương tiện đẻ ra tiền của chúng tôi”.
Biển vọng về thúc giục
Có những người nhờ đi biển mà trở nên giàu có sắm được xe hơi, xây được nhà lầu, nhưng cũng không ít người vì biển mà “tán gia bại sản”. Song điều mà những ngư phủ luôn coi biển là sự sống của họ vì miếng cơm manh áo, vì biển đã ăn sâu vào máu thịt. Và họ luôn khẳng định khí phách “còn sống còn đi biển”.
Hàng trăm tàu cá sẵn sàng vươn khơi đánh bắt hải sản |
Sinh ra và lớn lên ở miền thùy dương cát trắng Thừa Thiên Huế, nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Chân lại chọn Phước Tỉnh làm nơi lập nghiệp an cư. Mặc dù “cái nghề đi biển nhọc nhằn lắm” như lời ông nói, nhưng cả gia đình ông đều sống bằng nghề này và quyết “không ngã tay chèo” dẫu có lần suýt nằm lại biển khơi.
Nhìn về phía biển, ông Chân kể từng chi tiết nhỏ. Ba năm trước, sau gần hai tháng lênh đênh trên biển, tàu cá của ông đang vào bờ thì sóng đột nhiên mạnh dần. “Từng đợt sóng đưa con tàu chở 9 anh em chúng tôi lên cao rồi đổ ầm xuống. Sau nhiều lần chao lượn thì tàu bị một cơn sóng to dập chìm nghỉm, tụi tôi bị hất văng, chỉ biết bấu víu vào mấy chiếc can nhựa không còn nước. Thật tình, lúc ấy trong tâm trí nắm chắc là chết, nào ngờ lại sống được. May mắn là tai nạn xảy ra cánh bờ biển Phước Tỉnh không xa nên chúng tôi sống sót. Không hiểu sao, những lúc gặp nạn muốn bỏ nghề, song mỗi chiều nhìn ra biển lòng tôi lại nôn nao. Ngoài biển khơi như có ai thúc dục gọi tôi. Vậy là tôi thuê người trục vớt chiếc tàu chìm, mua sắm ngư cụ rồi tiếp tục những chuyến hải trình đánh bắt. Chúng tôi sinh sống bằng nghề này, nếu bỏ nghề thì lấy gì mà ăn” - ông nói.
Ý thức bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc
Đến cảng Phước Tỉnh những ngày trung tuần tháng tám này, điều dễ dàng nhận thấy một không khí tấp nập trên bến dưới thuyền cho chuyến xuất bến đi biển dịp ngày 2-9. Ông Đinh Văn Nhữ chủ tàu cá VT-9261 đang chuẩn bị cho chuyến đi biển sắp tới. Ông Nhữ phấn khởi: “Chuyến biển vừa rồi chúng tôi đánh vùng biển Hoàng Sa. Thực sự ra đó áp lực lắm. Nhất là tàu của Trung quốc cứ vè vè săn đuổi, nhưng chúng tôi không sợ. Khi ra cửa biển và về, đều có bộ đội Biên phòng tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ. Ngoài biển có kiểm ngư, tàu hải quân cũng không sợ gì cả. Sau hơn một tháng, trừ chi phí dầu nhớt, mỗi lao động cầm tay trên dưới hai chục triệu đồng”.
Tàu cá cập cảng, mang lại thu nhập cho ngư dân |
Theo ông Nhữ, thời tiết hiện nay biển êm, công việc đánh cá cũng thuận lợi hơn, nên tàu đánh cá đi xa hơn. Đánh bắt xa bờ ngoài kiếm được đầy khoang cá, còn góp phần bảo vệ biển của mình. “Mỗi lần đi biển, chúng tôi đều có ý thức bảo vệ, giữ gìn tài nguyên, như bắt cá lớn không bắt cá bé”- ông Nhữ cho biết. Thấy tôi ngạc nhiên, ông Nhữ dãi bày “Nếu cứ bắt cá bé sẽ dần cạn kiệt. Nhiều khi cào lên mẻ cá nhỏ, đành thả lại xuống biển, vài tháng sau chúng lớn mình bắt cũng chưa muộn”.
Bài và ảnh: Trần Mạnh Tuấn