TP.HCM: Lớp 10 đầu tiên tại xã đảo Thạnh An cho học sinh nghèo
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 31/08/2016
(TN&MT) – Ít ai ngờ rằng, giữa Sài Gòn hoa lệ vẫn còn một xã đảo nghèo mang tên Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.HCM). Và cũng ít ai nghĩ rằng, học sinh nơi này vẫn phải “bơi” vào đất liền để học cấp ba. Ước mơ được học cấp ba tại chính xã đảo giờ đã thành hiện thực...
Giấc mơ về một ngôi trường
Cách trung tâm Sài Gòn gần 100km, “ốc đảo” Thạnh An vẫn còn như một nàng công chúa ngủ trong rừng chờ hoàng tử đến đánh thức.
Sáng ngày 31-8, vượt qua phà Bình Khánh nối huyện Nhà Bè – Cần Giờ, chúng tôi đi thêm khoảng 40km nữa mới đến thị trấn Cần Thạnh. Từ Cần Thạnh lại đi thêm một chuyến đò máy, mất khoảng 45 phút nữa mới tới xã đảo Thạnh An. Mà không phải lúc nào cũng có đò đâu nhé. Mỗi ngày chỉ có vài chuyến thôi, đến 5 giờ chiều là đò không đón khách. Ai lỡ độ đường, xin mời vào các homestay tự phát của người dân xã đảo. Giá rất bình dân: chỉ 50.000 đồng/người, rồi chờ tới chuyến đò đầu tiên vào bình minh lúc 6 giờ 30 nhé. Có muốn ở khách sạn cho đàng hoàng cũng không hề có, cho đến giờ này.
Chỉ vài dòng vậy là bạn đọc đủ tưởng tượng ra cảnh khó khăn của người dân nơi đây. Cho nên chuyện xã đảo tới giờ chỉ có trường cấp 1,2 mà chưa có trường cấp 3 cũng là điều dễ hiểu. Trước đây, muốn học lên cấp 3 thì các em học sinh phải đi đò vào trọ học ở thị trấn Cần Thạnh. Cho nên mới có cái nghề gọi là “nghề chuyển cơm” ra đời.
Bà Lê Thị Hoàng Loan (53 tuổi) nổi tiếng ở xã đảo Thạnh An, hầu như ai cũng biết. Bởi bà Loan đã hành “nghề chuyển cơm” hàng ngày cho các gia đình trên đảo gửi cho các em học cấp 3 ở trung tâm huyện Cần Giờ đã hơn 10 năm qua. Bà Loan cho biết, mình làm nghề tay trái này bắt nguồn khi con bà bước vào cấp 3. Năm ấy thấy con mình cũng như các gia đình khác đi học đã khó khăn lại thêm tiền ăn hằng ngày rất tốn kém nên bà đứng ra nhận chuyển cơm và phân phát cho các hộ không có điều kiện đi. Cho đến hiện tại, một phần cơm hàng ngày bà Loan thu 3.000 đồng, gia đình nào gửi thêm đồ đạc bà cũng không tính thêm. Suốt 10 năm qua, ngày nào cũng thế, những cà - mèn cơm và những món ăn đặc sản trên đảo từ các gia đình ngày nào cũng đến đều đặn với các em học sinh xa nhà.
Tiếp chuyện, bà Loan nói: “Hơn chục năm làm việc này, thấy cha mẹ các em gửi cơm để tiết kiệm, nhưng vẫn phải cho thêm tiền để các em sinh hoạt, rất tốn kém. Nhiều em đã phải nghỉ học vì không có điều kiện. Tôi cũng có một cháu đang học cấp 3, tôi chỉ mong có một ngôi trường cấp 3 ở xã đảo này để các em đi học thuận tiện, cha mẹ không còn tốn kém. Năm nay lớp 10 đã được học tại đây, tôi rất mừng. Tôi mong sao sắp tới toàn bộ các lớp cấp 3 đều được học ở đây…”.
Sau chỉ đạo của Bí thư Thăng, lớp 10 đầu tiên đã mở
Ngày 24/4, ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM tới thăm xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ. Khi lần đầu tiên đến thăm xã đảo Thạnh An (Cần Giờ), Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã chỉ đạo phải xây trường cấp 3 tại Thạnh An để con em ở đây không phải bơi thuyền vào đất liền đi học.
Trước mắt ngay năm học 2016-2017 khi chưa có trường thì phải mở phân hiệu. Ông Thăng cho rằng: “Chúng ta kêu gọi xây dựng một thành phố đáng sống, kêu gọi trở thành trung tâm lớn của cả khu vực mà vẫn còn một xã chưa có trường cấp 3 thì thật khó chấp nhận”.
Sau chỉ đạo của bí thư thành ủy, ngay trong ngày hôm đó, Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa đã trao đổi với Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hồng Sơn và thống nhất kế hoạch. Thế rồi, một lớp 10 mang tên 10A8 thuộc phân hiệu trường cấp ba Cần Thạnh đã ra đời, “ở ké” trong trường THCS Thạnh An. Đồng thời, cách đó 300m, một công trình đồ sộ đang tấp nập thi công. Đây là công trình xây trường cấp 2 và mở rộng thêm cho các khối cấp 3 sau khi có chỉ đạo của Bí thư Thăng.
Bà Nguyễn Kim Anh (45 tuổi) cho biết cũng đang có hai người cháu, một người đang học lớp 11 và năm nay lên lớp 10. “Mong ước có một ngôi trường cấp 3 tại xã đảo này không chỉ riêng tôi mà ai cũng mong. Giờ nghe mở lớp 10 tôi mừng lắm, đặc biệt là nghe tin trong vài năm nữa các khối cấp 3 sẽ được học tại đây. Mừng thì rất mừng nhưng tôi mong sao khi các giáo viên qua giảng dạy vẫn đảm bảo chất lượng như ở trường THPT Cần Thạnh” – bà Kim Anh bộc bạch.
Cử giáo viên ra đảo xa
Ông Dương Văn Thư, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Cần Giờ cho biết, việc chuẩn bị lớp học cho học sinh lớp 10 đã xong. Theo đó, trường THCS Thạnh An sẽ dồn học sinh lại và dành ra một phòng để các em học sinh lớp 10 học. Thế nhưng bàn ghế, dụng cụ phục vụ giảng dạy phải chở từ trường THPT Cần Thạnh qua để phù hợp với lứa tuổi các em.
Cũng theo ông Thư, hiện chỉ có 28 em đến trường THPT Cần Thạnh nộp hồ sơ. Các giáo viên được cử từ trường THPT Cần Thạnh qua giảng dạy cũng sẽ được hỗ trợ phí đi đò, ăn uống. “Giáo viên ở trường THPT Cần Thạnh khi có môn ở lớp Thạnh An sẽ đi đò qua dạy giảng dạy, không nhất thiết phải bố trí ở lại. Việc này Sở GD&ĐT TP.HCM đã chỉ đạo hiệu trưởng trường THPT Cần Thạnh. Qua đó, tăng cường giáo viên qua lớp ở xã Thạnh An dạy y như ở trường THPT Cần Thạnh nhằm đảm chất lượng cũng như đáp ứng nguyện vọng của bà con. Khi nào trường cấp 3 được đưa vào sử dụng mới tuyển thêm giáo viên về” – ông Thư nói.
Ông Thư cũng cho biết, hiện tại trường THCS – THPT Thạnh An đang trong quá trình xây dựng và được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến đến năm 2017 sẽ hoàn thành để dạy được cả cấp 2, 3.
Nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo ở bậc THPT, mỗi tuần số học sinh lớp 10 ở xã đảo Thạnh An này sẽ được đưa đến Trường THPT Cần Thạnh một lần để học thực hành, thí nghiệm và tham gia sinh hoạt tập thể với học sinh toàn trường. Các em được miễn hoàn toàn học phí, tiền học 2 buổi và phí qua phà. Nhà trường cũng có kế hoạch mỗi ngày cử tối thiểu 2 - 3 thầy, cô đến Trường THCS Thạnh An để giảng dạy cho các em. Trường sẽ phụ cấp tiền đi - về cho giáo viên khoảng 50.000 đồng/ngày. Huyện Cần Giờ cũng đã đề xuất với UBND TP.HCM hỗ trợ khoảng 500.000 đồng/tháng cho những giáo viên phụ trách giảng dạy lớp 10 ở xã đảo Thạnh An.
Doanh nghiệp tiếp sức đưa các em đến trường
Chia sẻ với các em học sinh nghèo ở đây, ngày 31-8, Công ty Cổ phần TIE đã đến trường THCS Thạnh An trao 28 suất học bổng cho toàn bộ các em lớp 10, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng. “Các năm tiếp theo, tùy theo tình hình, công ty sẽ tiếp tục tài trợ. Trước đó, vào ngày 16-8, công ty đã trao quà cho 5 trường tiểu học huyện Cần Giờ, tổng cộng 2.500 em với 75.000 cuốn tập. Cạnh đó ba trường tiểu học có khó khăn về cơ sở vật chất cũng được TIE tài trợ 300 triệu đồng tiền mặt. Trong đợt hai (31-8) công ty cũng trao quà cho 5 trường tiểu học Thạnh An, Cần Thạnh, Đồng Hòa, Hòa Hiệp và Long Thạnh.
Với thông điệp “hợp tác – chia sẻ - phát triển”, hơn 26 năm hình thành và phát triển, TIE nhận thức và xem việc đóng góp cho xã hội là một phần trách nhiệm của doanh nghiệp. Cụ thể, trong năm 2016, chúng tôi dành ra hàng tỉ đồng tiền lợi nhuận để tài trợ cho các chương trình học bổng, tặng tập vở cho học sinh nghèo trên cả nước”. Ông Trần Thế Vinh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần TIE, khẳng định.
Trọng Mạnh