Đà Nẵng thay thế cây xanh mùa mưa bão: Nhiều ý kiến trái chiều
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 24/08/2016
Các cây muồng tím bị nhổ bỏ đang được chuyển về Cty Công viên – Cây xanh Đà Nẵng để chăm sóc |
Người dân không đồng tình
Trước cảnh các cây xanh đang sống tươi tốt bị đốn bỏ nhiều người dân đã tỏ ra thái độ không hài lòng, Công ty Công viên – Cây xanh Đà Nẵng cho biết đó là những cây lâu năm bị mục rỗng và còi cọc có nguy cơ đổ, gãy trong mùa mưa bão gây nguy hiểm cho người đi đường nên phải được nhổ bỏ để thay thế cây con mới.
Tuy nhiên, nhiều người dân sống và làm việc lâu năm trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh, nơi có nhiều cây muồng tím đang xanh tốt bị nhổ bỏ cho rằng phải mất rất nhiều năm để một cây trưởng thành, che bóng mát, việc nhổ bỏ hàng loạt cây xanh che bóng mát như vậy rất phản cảm.
Ông Đức, một nhân viên bảo vệ làm việc trên đoạn đường Nguyễn Văn Linh, trước cửa công ty ông có 2 cây xanh bị nhổ bỏ để thay thế 2 cây con khác. Khi được hỏi về việc chặt bỏ cây xanh ông cho biết,mấy ngày trước có một số người tới chụp hình cội cây rồi chỉ vào những vết đen trên vỏ cây và bảo những cây này bị hư nên phải nhổ bỏ.
“Tôi là người dân ở đây, là bảo vệ ở đây ngay dưới gốc cây, theo tôi thấy những cây đó chưa vội thay, vì nhìn bề ngoài chúng vẫn xanh tốt và khỏe mạnh như những cây bên cạnh, nếu nó có bệnh thì cứ để thời gian xem cây có phục hồi được không hoặc bị chết mới thay cây khác cũng được, chứ chờ một cây con lớn lên, xanh tốt tỏa bóng mắt thì rất lâu”- ông Đức bày tỏ.
Trước công ty ông Đức, trên đường Nguyễn Văn Linh vừa bị nhổ bỏ 2 cây xanh cao lớn và thay thế bằng 2 cây con |
Ông và những người xung quanh cũng cho biết thêm, con đường Nguyễn Văn Linh là tuyến đường lớn của trung tâm thành phố mà cây xanh cứ bị thay lên thay xuống rất mất cảnh quang. Trước đây là cây hoa sữa cũng đang xanh tốt nhưng vì mùi hoa nồng quá nên phải chặt hạ thay thế bằng loài muồng tím. Chưa được mấy năm khi cây đang ở giai đoạn tỏa bóng thì lại nhổ bỏ. Lúc trước các cây muồng tím thay thế cho cây hoa sữa là những cây to, bây giờ những cây đó cao lớn lại bị nhổ bỏ thay thế những cây con trông rất mất thẩm mỹ và không biết tới bao giờ mới cao lớn bằng nhau.
Bất đồng trong việc quy hoạch
Giải trình về việc chặt bỏ cây xanh, ông Đặng Đức Thứ - Giám đốc Cty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng cho biết, khi nâng cấp và mở rộng đường Nguyễn Văn Linh cách đây nhiều năm thì việc triển khai trồng cây xanh có đường kính lớn để mau chóng có bóng mát trên đường là do Sở Giao thông Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư. Và khi công trình này hoàn thành, Sở GTVT mới tiến hành bàn giao lại cho Cty Công viên – Cây xanh. Trong suốt quá trình trồng cây này, Cty Công viên – Cây xanh hoàn toàn không quản lý.
Ông cho biết thêm, quan điểm của Cty ông là không đồng ý với việc Sở GTVT trồng cây có đường kính lớn vì theo Thông tư 20 năm 2005 của Bộ Xây dựng thì tiêu chuẩn của các loại cây trồng ngoài đường phố chỉ có đường kính từ 5-6cm để hệ rễ những cây này có thể phát triển và cắm sâu xuống lòng đất. Tuy nhiên, khi Sở GTVT bàn giao lại cho công ty ông trước đây, những cây muồng tím đã có đường kính lớn rồi. Mặc khác, loài cây muồng tím mặc dù được trồng với đường kính lớn như vậy nhưng loài muống tím lại có đặc điểm tán lá phát triển rất nhanh nhưng bộ rễ thường không cắm sâu vào lòng đất dễ gây ngã đổ trong mùa mưa.
Nhân viên Cty Công viên – Cây xanh Đà Nẵng đang trồng mới các cây con |
Được biết, việc nhổ bỏ những cây xanh bị bệnh lâu nay nằm trong những nội dung trong công trình Chỉnh trang cây xanh đường phố năm 2015 do UBND TP. Đà Nẵng làm chủ đầu tư, Viện Quy hoạch xây dựng là đơn vị tư vấn thiết kế và Cty Công viên – Cây xanh là đơn vị thi công. Dù công trình được phê duyệt trong năm 2015 nhưng đến năm 2016, công trình mới bắt đầu thực hiện trên 9 tuyến đường làm với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng.
Việc chỉnh trang cây xanh đô thị nhằm thay thế những cây xanh bị còi cọc, mục rỗng, có nguy cơ ngã đổ trong mùa mưa bão. Theo ý kiến của Sở Xây dựng thì ngoài mục đích làm bóng mát thì việc trồng cây phải được thực hiện bền vững, không gây nguy hiểm cho mọi người trong mùa mưa bão.
Ông Thứ cho rằng, việc thay thế cây xanh bị người dân phản đối là do tâm lý của người dân nhìn những cây xanh phát triển với tán lá rộng, giờ nhổ bỏ thì người dân lại tiếc. Người dân cũng không biết được những cây này bộ rễ chưa cắm sâu vào lòng đất, rất dễ gây ngã đổ. Chính vì vậy chúng tôi đã tiến hành trồng lại những cây con là để cây phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Yến Nhi