ĐBSCL: Hoang mang với trái cây, thực phẩm tươi sống sử dụng hóa chất
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 17/05/2016
(TN&MT) - "Chưa bao giờ con đường từ bao tử đến nghĩa địa lại gần đến thế. Hàng ngày cứ xem tin tức lại thấy các vụ ngộ độc do thực phẩm bẩn, lại nghe...
(TN&MT) - “Chưa bao giờ con đường từ bao tử đến nghĩa địa lại gần đến thế. Hàng ngày cứ xem tin tức lại thấy các vụ ngộ độc do thực phẩm bẩn, lại nghe phát hiện thêm cơ sở kinh doanh thực phẩm chứa hóa chất… giờ không biết đâu là sạch đâu là bẩn, ăn gì cũng sợ!” - Chị Nguyễn Thị Chúc Anh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, hoang mang chia sẻ.
Còn hơn 1 tháng, 5 tội danh liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm tại Bộ luật Hình sự năm 2015 chính thức có hiệu lực, trên thực tế tình trạng sử dụng hóa chất, tạp chất trong sản xuất, buôn bán trái cây, thực phẩm tươi sống ở ĐBSCL vẫn đang diễn ra tại một số cơ sở đầu mối…
Sử dụng hóa chất, tạp chất không biết rõ tác hại…
Trong vai người đi mua dừa về bán và học hỏi kinh nghiệm tại một cơ sở bán dừa tại đường Nguyễn Văn Cừ (TP.Cần Thơ), chúng tôi ghi nhận “bí kíp” để trái dừa gọt lớp vỏ xanh bên ngoài vẫn giữ được màu trắng như mới, có thể để lâu cả tuần mà không bị xỉn màu.
Theo tiết lộ của anh Hoàng, chủ cửa hàng bán dừa thì để trái dừa trắng rất đơn giản, chỉ cần trộn một ít bột tẩy trắng vào nước rồi ngâm dừa vào là được. Chỉ cần ngâm 3 phút vớt ra là có thể giữ trắng trong vòng 1 tuần, thời gian ngâm nhanh hay chậm cũng tùy người đặt hàng. Bột pha nước ngâm dừa sau khi gọt vỏ giữ màu trắng để bắt mắt khách hàng, thường gọi là bột tẩy, có tên là SODIUMHYDROSULFITE, xuất xứ tại Trung Quốc công dụng chính là dùng tẩy trắng trong ngành dệt.
Anh Hoàng hoàn toàn không biết tác hại của loại bột tẩy này khi sử dụng để ngâm dừa như thế nào. Nhưng kinh nghiệm thực tế thì: “Muốn vớt dừa hay pha nước phải có găng tay, không thì phải có cây trộn nếu không tay sẽ bị ăn lỡ hết, nó mạnh lắm” – Anh Hoàng, khuyến cáo.
Bơm nước vào ếch để tăng trọng lượng bán cho người mua |
Tại một vựa trái cây thuộc huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang), chúng tôi cũng đã có cơ hội “mục sở thị” công nghệ làm mít chín sớm và thơm hơn so với bình thường bằng cách nhỏ vài giọt dung dịch màu vàng vào phần cuống, vài giờ sau mít sẽ chín và có mùi thơm. Bằng cách này mỗi ngày các chủ vựa tại đây cho ra lò hàng chục tấn mít.
Trao đổi hồi lâu, ông Nghiệp chủ vựa mít ở Châu Thành cho chúng tôi xem bịch thuốc có bao bì màu xanh, bên trong bao bì gồm hai bịch màu trắng không có chữ, mỗi bịch chứa 10 lọ thuốc bé như ngón tay út, trên miệng lọ có màu đỏ. Thuốc này được bọc cẩn thận. Ông nói: “Mỗi bịch này pha loãng với 10 lít nước. Thuốc này không độc hại gì hết, chỉ làm cho trái nó nóng lên và... chín thôi. Mỗi bịch giá 100.000 đồng, chích được vài tấn mít”.
Cùng với việc sử dụng hóa chất để bảo quản dừa, tác động đến quá trình sinh trưởng của mít, chúng tôi cũng đã tiếp cận, ghi nhận thực tế việc tiêm nước để tăng trọng lượng một số loại thực phẩm tươi sống như ếch, chuột… ở một số cơ sở đầu mối.
Tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, tiến tới phạt tù…
Những tháng gần đây, số vụ vi phạm về an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm được cơ quan chức năng các địa phương trong vùng ĐBSCL phát hiện gia tăng cùng với tần suất thông tin liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chỉ riêng Chi cục Quản lý thị trường TP.Cần Thơ, thống kê trong 4 tháng đầu năm, lực lượng chức năng địa phương này đã kiểm tra và phát hiện gần 60 vụ vi phạm an toàn thực phẩm. Trong đó, phần lớn thực phẩm bốc mùi ôi thối, không rõ nguồn gốc, thực phẩm chứa chất cấm…
“Thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường đã phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt đối với các cơ sở vi phạm. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta chỉ mới lấy mẫu kiểm tra, chứ không thể phát hiện tại chỗ vì thiếu trang thiết bị test nhanh, mà đợi khi có kết quả chậm nhất cũng nữa tháng lúc đó người ta bán hết rồi”. Ông Nguyễn Văn Sanh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.Cần Thơ, cho biết.
Dừa sau khi gọt lớp vỏ xanh bên ngoài được ngâm vào nước có pha hóa chất để giữ màu trắng bắt mắt người mua |
Cũng theo ông Sanh, một thực trạng phải nhìn nhận và báo động là hình thức xử phạt đã ban hành nhưng các cơ quan xử lý chưa mạnh, chưa đều. “Qua một báo cáo mới đây mà tôi có được, hàng hóa có chứa chất cấm bị phát hiện mà không xử lý, chỉ nhắc nhở. Tôi không nói ra là ngành nào nhưng đây là điều không thể chấp nhận”. Ông Sanh, nói.
Tình hình này cho thấy, ý thức về các qui định của pháp luật liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm trên thực tế chưa có những dấu hiệu chuyển biến đáng kể mặc dù hơn 1 tháng nữa, từ ngày 01/7/2016, Bộ luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực, 5 tội danh liên quan vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được áp dụng. Theo đó, người chăn nuôi dùng chất cấm, người biết rõ thực phẩm bẩn mà vẫn cố tình chế biến, cung cấp ra thị trường sẽ bị phạt 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù 1-5 năm, thậm chí tới 20 năm.
5 tội danh liên quan đến VSATTP tại Bộ Luật Hình sự năm 2014, có hiệu lực từ 01/7/2016 Điều 317: tội Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm Nếu tội Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo pháp luật hiện hành quy định người chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại nghiêm trọng sức khỏe của người tiêu dùng bị phạt phải đối mặt mức án 1-5 năm, thì tại Bộ Luật Hình sự 2015 tội danh này được quy định chi tiết hơn. Cụ thể, người sản xuất, chế biến thức ăn nếu phạm 4 lỗi sau sẽ bị phạt tiền 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm: Thứ nhất, hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm. Thứ hai, người sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm. Thứ ba, người sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm. Cụ thể, những chất này sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm. Thứ tư, hành vi chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia,... hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm. Việc sử dụng này gây tổn hại cho sức khỏe của một người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%. Hành vi đó khiến người phạm tội thu lợi bất chính từ 50 đến 100 triệu đồng. Người vi phạm nếu thực hiện các hành vi nói trên có tổ chức, làm chết người, tái phạm nhiều lần, nguy hiểm… khung hình phạt sẽ mở rộng từ 3 đến 20 năm thay vì 3-15 năm như luật cũ. Số tiền bị phạt cũng cao hơn, lên tới 500 triệu đồng. Điều 195: tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi thuộc một trong các trường hợp: hàng giả trị giá 20-100 triệu đồng, hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng công dụng trị giá 30-150 triệu đồng, hàng giả trị giá dưới 20 triệu nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính, gây thiệt hại 100-500 triệu sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đến một tỷ đồng hoặc phạt tù 1-5 năm. Mức phạt cao nhất của tội này cũng mở rộng tới 20 năm tù, còn ở luật cũ chỉ 15 năm. Nếu pháp nhân phạm tội trên có thể bị phạt tiền 1-15 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động tạm thời hoặc vĩnh viễn. Điều 193: tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm Mức phạt tù 2-5 năm sẽ áp dụng với người sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm. Người phạm tội sẽ bị phạt tù chung thân nếu thuộc các tình tiết tăng nặng sau: thu lợi bất chính từ 1,5 tỷ đồng trở lên; làm chết 2 người trở lên; gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Đối với tội phạm là pháp nhân thương mại sẽ bị phạt tiền từ 1-18 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn hoặc cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn trong 1-3 năm. Điều 190: tội Sản xuất, buôn bán hàng cấm Người nào sản xuất, buôn bán hàng hóa mà nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam mà hàng phạm pháp là hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối sẽ bị phạt tiền từ 100 đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Điều 191: tội Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng hóa mà nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam mà hàng phạm pháp là hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối thì bị phạt tiền 50-300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. |
Bài & ảnh: H.Long – T.An