Nguy cơ ô nhiễm từ làng đá chẻ Hòa Sơn

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 12/05/2016

(TN&MT) - Làng đá chẻ Hòa Sơn (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) có hơn 150 cơ sở sản xuất với trên 1.000 lao động, không lâu đời như các làng nghề khác tại Đà Nẵng, nhưng tạo việc làm ổn định cho địa phương. Tuy nhiên, các yêu cầu về môi trường, cảnh quan không được bảo đảm, nước và đá thải luôn tràn ra bên ngoài, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. 

Nguy hại sức khỏe

Hơn 10 năm về trước, làng nghề đá chẻ Hòa Sơn được hình thành dọc tuyến đường liên xã Hoà Sơn - Hòa Nhơn (Hòa Vang - Đà Nẵng). Chị Lê Thị Nguyên (33 tuổi) quê Triệu Sơn (Thanh Hóa) vào Đà Nẵng kiếm sống bằng nghề chẻ đá đã được mấy năm. Là người mới, chị phải học từ đầu những ngón nghề cơ bản nhất, thời gian đầu rất vất vả nhưng tiền công chẳng được bao nhiêu. Giờ đây đã ba năm chị gắn với cái búa, cái ve. Hai vợ chồng, anh làm thợ xẻ, chị làm thợ chẻ, quyết mưu sinh theo cái nghiệp đá này. Đôi bàn tay đỏ tía theo từng viên đá, chị Nguyên chia sẻ: “Mỗi ngày trung bình chẻ hết 40m đá được trả công từ 150 - 200 ngàn đồng. Nhưng ngày nào cũng hít bụi đá, bệnh khác thì chưa biết nhưng bị viêm xoang thì chắc chắn rồi”.

Hầu hết các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất đá còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát
Hầu hết các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất đá còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát

Chia sẻ về những năm tháng nhọc nhằn làm nghề đá, bà Nguyễn Thị Hoa (63 tuổi, ở thôn Phú Thượng, xã Hòa Sơn) đưa đôi bàn tay đầy những nốt chai sần chia sẻ với chúng tôi: “Dù đeo bao tay nhưng cũng không ăn thua gì, bụi vẫn luồn vô được. Mấy năm trước, mắt mũi còn tinh, còn chẻ đá quy cách được, chừ mắt mờ không nhìn rõ nên tui chuyển sang chẻ đá to”. Một ngày chẻ hết một bó lớn được trả công 70 ngàn đồng. Bà Hoa chẻ đá đã được 6-7 năm nay, hiền lành, chăm chỉ nên bà được những người làm trong lán gọi bằng cái tên thân thiết là dì Hai. Dì Hai hồi tưởng: “Lúc mới làm, cầm ve và búa không chắc nên đập vào ngón tay túa cả máu. Còn những tai nạn lặt vặt như khi chẻ đá bụi bắn vào mắt, vào miệng, mũi là chuyện bình thường. Những lúc đó cứ lấy tay dụi qua loa rồi làm tiếp chứ nghèo có biết đến kính bảo hộ là gì đâu.”

Sống chung với ô nhiễm

Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn tuy tuổi đời còn non trẻ nhưng đã mang lại thu nhập ổn định giúp người dân từng bước thoát nghèo, một số hộ giàu lên trông thấy, giải quyết được nhiều việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, những hệ lụy về môi trường đi kèm cũng không hề nhỏ. Ba năm qua, người dân sống quanh làng nghề đá chẻ Hòa Sơn luôn bức bối, bởi tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề này.

Hầu hết các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất đá còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát. Hoạt động cưa, xẻ đá liên tục phát thải ra bụi, hai bên đường, cây cối, nhà cửa bạc trắng vì bụi đá. Tiếng đục, xẻ đá, tiếng xe chạy qua lại gây ô nhiễm về tiếng ồn trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Anh Ngô Ngọc Anh - chủ một cơ sở sản xuất đá ở thôn Phú Hạ cho biết: “Lo nhất là nước và đá thải (còn gọi là đá đề-sê), thường xuyên tràn ra bên ngoài từ các cơ sở sản xuất, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến giao thông.

Mỗi ngày làng nghề đá chẻ Hòa Sơn thải ra gần 43m khối đá đề-sê. Nếu không có các giải pháp hợp lý, cải tạo môi trường tại đây, e rằng không bao lâu nữa, hậu họa về môi trường là không thể tính được
Mỗi ngày làng nghề đá chẻ Hòa Sơn thải ra gần 43m khối đá đề-sê. Nếu không có các giải pháp hợp lý, cải tạo môi trường tại đây, e rằng không bao lâu nữa, hậu họa về môi trường là không thể tính được

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Khoa - Trưởng phòng TN-MT huyện Hòa Vang cho biết: Mỗi ngày làng nghề đá chẻ Hòa Sơn thải ra gần 43m khối đá đề-sê. Nếu không có các giải pháp hợp lý, cải tạo môi trường tại đây, e rằng không bao lâu nữa, hậu họa về môi trường là không thể tính được. Theo một số người dân, bụi đá li ti bám vào đâu là bạc thếch chỗ đó, nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp ngày một cao hơn. Chưa kể đến việc những chiếc xe tải hạng nặng ra vào các cơ sở sản xuất, sẽ còn làm ảnh hưởng đến môi trường và giao thông.

Thời gian qua, huyện Hòa Vang đã xây dựng đề án quy hoạch, sắp xếp lại làng đá chẻ Hòa Sơn. Theo đề án, sẽ giải quyết triệt để về ô nhiễm môi trường, ổn định giá cả và đầu ra cho sản phẩm, bảo đảm tính cạnh tranh, tiến tới xây dựng thương hiệu làng nghề. Tuy vậy, để đề án triển khai đúng tiến độ và đảm bảo yếu tố môi trường, cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các cơ quan và ý thức chấp hành của người dân cũng như các cơ sở sản xuất.

Bài & ảnh: Xuân Lam