Hỗ trợ nhà ở cho người có công... còn trông nhiều bề!

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 27/04/2016

(TN&MT) - Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong...
 
 
(TN&MT) - Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc tri ân và ghi nhận những đóng góp của người có công trong sự nghiệp đấu tranh, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, hàng nghìn hộ dân phấn khởi, chờ đợi được sống trong những căn nhà mới, khang trang, vững chãi. Tuy vậy, trên thực tế việc thực hiện hỗ trợ nhà ở còn không ít khó khăn.
 
Đã có gần 90 nghìn hộ được hỗ trợ
 
Bộ Xây dựng cho biết, đến hết tháng 3/2016, đã có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập, phê duyệt Đề án và rà soát, điều chỉnh số liệu người có công với cách mạng cần hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg gửi Bộ Xây dựng. Trong giai đoạn 1, Bộ Tài chính đã cấp đủ 2.500 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để thực hiện hỗ trợ cho 80.000 hộ tại 63 địa phương. 
 
Theo báo cáo của 63 địa phương, đến hết tháng 3/2016, việc thực hiện hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg có 78.456 hộ đã hoàn thành việc hỗ trợ; 11.029 hộ đang triển khai thực hiện. Đối chiếu với số lượng hộ gia đình được hỗ trợ đợt 1 thì kết quả thực hiện hỗ trợ đã tăng từ 80.000 hộ lên 89.485 hộ (tăng gần 10.000 hộ). 
 
Nguyên nhân là do một số địa phương đã chuyển cách thức hỗ trợ như giảm số hộ được hỗ trợ xây mới để tăng số hộ được sửa chữa, cải tạo và ngược lại, như: Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Quảng Ninh, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hà Nội, Hải Dương, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Kon Tum, Bình Phước, Bình Dương, Trà Vinh, Cần Thơ, Cà Mau. 
 
Đồng thời, cũng có một số địa phương đã tự bỏ thêm kinh phí để thực hiện hỗ trợ cao hơn số lượng đã báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2012 như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Gia Lai; Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long.
 
Trao nhà tình nghĩa cho người có công
Trao nhà tình nghĩa cho người có công
 
Khó chồng khó
 
Bộ Xây dựng đánh giá, việc thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn 1 đã đạt kết quả tốt do các địa phương đã quan tâm và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt. 
 
Tuy vậy, trên thực tế việc thực hiện hỗ trợ nhà ở vẫn còn một số tồn tại, khó khăn do số lượng người có công với cách mạng thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở mà các địa phương đã báo cáo theo Đề án được phê duyệt và được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm tra đã tăng thêm khoảng 273.700 hộ so với số lượng mà các địa phương đã báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2012 là 72.000 hộ (tăng gấp 4,8 lần); về kinh phí ngân sách Trung ương phải hỗ trợ cũng tăng thêm gần 7.200 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu là 2.230 tỷ đồng (tăng gấp 4,2 lần).
 
Mặt khác, một số địa phương thực hiện quy trình rà soát, xét duyệt đối tượng và cấp vốn còn kéo dài (do việc phối kết hợp giữa các cơ quan chuyên môn về xây dựng, tài chính, lao động thương binh và xã hội tại địa phương chưa tốt) dẫn đến tiến độ thực hiện hỗ trợ còn chậm.
 
Cùng với đó, có nhiều trường hợp hộ gia đình nằm trong danh sách Đề án được hỗ trợ nhà ở mà các địa phương đã lập, phê duyệt năm 2013 (nhưng không nằm trong danh sách đã báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2012) đã ứng trước kinh phí để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở; một số địa phương đã tự bỏ kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ và nay đề nghị Nhà nước cấp hoàn kinh phí.
 
Bài & ảnh: Thiên Trường