Cá chết hàng loạt: Sức mua giảm, ngư dân Đà Nẵng lo "sốt vó"

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 24/04/2016

(TN&MT) - Hàng trăm tấn cá biển đã chết dọc bờ biển từ Hà Tĩnh, đến Thừa Thiên - Huế trong những ngày qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngư dân, cũng như tâm lý của người dân bản địa. Ghi nhận ở Đà Nẵng, ngư dân vẫn ra khơi nhưng lo lắng về sức mua bởi tác động của dư âm cá nhiễm độc tố.

Giá thành sụt giảm

Ngày 24/4, có mặt tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), ghi nhận của chúng tôi cho thấy, tâm lý của chủ các đầu nậu rất lo lắng về thông tin các nhiễm độc tố, đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức mua từ các chợ. Trên cầu cảng số 2 và số 3, ngư dân vẫn bán cá cho các nậu và thương lái, chỉ khác một điều, các nậu và thương lái đã không còn mặn mà với lượng cá từ các ngư trường về. Ông Nguyễn Cu (quận Sơn Trà) - chủ tàu ĐNa 90442 chưa bán được mấy tấn cá ngừ, cá thu đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa về trước ngày rằm cho biết, mọi chuyện đã xấu đi rất nhiều từ những thông tin cá bị nhiễm độc tố, giá cả thấp hơn rất nhiều so với trước.

Anh Nguyễn Cam (quận Sơn Trà), chủ tàu ĐNa 37089 làm nghề mực sà tại Hoàng Sa cũng cho rằng, giá cả hải sản đã giảm đáng kế. “Mực sà được ngư dân thường xuyên bán cho thương lái với giá từ 170 - 180 nghìn đồng/kg và bây giờ đã hạ xuống còn 120 - 130 nghìn đồng/kg. Mọi chuyện đã không bình thường như trước nữa rồi”, anh Cam chia sẻ. Đó cũng là khẳng định của ngư dân Thanh Hòa, chủ tàu ĐNa 90679. Anh Hòa còn bức xúc hơn bởi việc cứ được mùa là mất giá, bị thương lái chèn ép, nay lại thêm cá nhiễm độc tố gây sức mua giảm sút.

Hàng trăm tấn cá biển đã chết dọc bờ biển từ Hà Tĩnh, đến Thừa Thiên - Huế trong những ngày qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngư dân, cũng như tâm lý của người dân bản địa
Hàng trăm tấn cá biển đã chết dọc bờ biển từ Hà Tĩnh, đến Thừa Thiên - Huế trong những ngày qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngư dân, cũng như tâm lý của người dân bản địa

Anh Lê Văn Sang, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Hải Nhi - Chủ tàu dịch vụ hậu cần lớn nhất miền Trung ĐNa 90444 thì lại cho rằng, cá chết vừa qua dọc biển miền Trung chỉ ở gần bờ. Do đó, tàu khai thác xa bờ đem về cá to, nên đáng ra giá cả phải bình thường, người dân nên tin tưởng để sử dụng. Còn một chủ nậu tại Cảng cá Thọ Quang cũng khẳng định rằng, cá chết dọc biển miền Trung do ô nhiễm. Còn đối với biển Đà Nẵng thì không sao, hơn nữa ngư dân mình toàn khai thác ở vùng lộng và vùng khơi. Là nậu, chúng tôi cũng không dại gì mà mua cá chết ở các nơi để bán, khác nào tự giết mình…

Nỗi niềm người dân

Việc cá chết dọc bờ biển miền Trung thời gian qua đã ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng. Có mặt tại một số chợ, ghi nhận của chúng tôi cho thấy người dân ít mua cá biển hơn những ngày trước, nhất là những loại cá nhỏ. Các loại cá ngừ, cá thu, tôm biển… được người dùng tin chọn nhiều hơn. Chị Hương (đường Tôn Đản, quận Cẩm Lệ) thường đi chợ tại chợ chiều (Hòa An) để mua thức ăn. “Món ăn chính của gia đình là cá, chứ thịt nghe nói là có chất tạo nạc nên sợ lắm. Tuy nhiên, mấy ngày hôm nay nghe cá chết do nhiễm độc chi đó nên mình cũng ái ngại lắm”, chị Hương chia sẻ.

Tại chợ Thanh Khê 1 (quận Thanh Khê), người dân tập trung mua cá đồng như cá lóc, cá rô và tôm nuôi. “Mặc dù biển Đà Nẵng không bị gì, cũng chẳng ai đem cá chết ở ngoài kia vào đây bán, nhưng vì tâm lý nên mình cũng ái ngại. Nên mấy ngày qua mình chủ yếu ăn cá đồng, cá hồ, tôm nuôi và rau quả thôi. Nếu ăn cá biển, mình cũng chỉ chọn những con cá lớn, đánh bắt ở ngư trường xa”, chị Hải (phường Hòa Khê) nói khi chọn đang đứng mua cá ngừ tại chợ Thanh Khê 1.

Ghi nhận ở Đà Nẵng, ngư dân vẫn ra khơi nhưng lo lắng về sức mua bởi tác động của dư âm cá nhiễm độc tố
Ghi nhận ở Đà Nẵng, ngư dân vẫn ra khơi nhưng lo lắng về sức mua bởi tác động của dư âm cá nhiễm độc tố

Còn anh Trường (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) cho biết, cách đây 3 ngày có mua cá nục bạc má ăn, sau đó thấy lo, chừ thì tạm thời không dám đưa cá vô thực đơn nữa. “Người lớn có lỡ ăn một hai con cá nhỏ, có thể không bị gì, nhưng lo cho trẻ con”, anh Trường nói. Trong khi đó, buổi trưa anh thường ở lại trung tâm quận Hải Châu để ăn cơm bụi thì anh cũng tạm thời bỏ luôn món cá mà lựa chọn thịt và trứng, rau…

Đem những nỗi lo của người dân đến ngành chức năng, ông Nguyễn Quang Khánh, Chi Cục trưởng Chi Cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. Đà Nẵng) cho biết, ngành thủy sản thành phố đang theo dõi chặt chẽ diễn biến vụ cá chết dọc biển miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế), nhưng đến nay chưa có ảnh hưởng gì đến Đà Nẵng. Theo ông Khánh, mùa này ngư dân toàn đánh bắt vùng khơi - chủ yếu ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên, theo ông Khánh, các ngành chức năng Trung ương cần công bố nguyên nhân cá chết trong thời gian qua để người dân yên tâm và tiếp tục tiêu dùng hải sản.

Bài & ảnh: Xuân Lam