Tìm giải pháp giảm nạn kẹt xe ở các đô thị lớn tại Việt Nam
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 29/03/2016
(TN&MT) - Hàng năm quy mô dân số lẫn phương tiện tham gia giao thông tăng cao hơn nhiều so với tỷ lệ đất đai dành cho hạ tầng giao thông. Điều này được các nhà khoa học, chuyên gia lẫn nhà quản lý đặt ra và cùng nhau mổ xẻ tại Hội thảo bàn về các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông (TNGT) giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn TPHCM, diễn ra ngày 29/3.
Ùn tắc giao thông luôn là nỗi ám ảnh đối với người dân TPHCM |
Theo PGS - TS Hồ Thanh Phong, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM), sự quá tải hạ tầng giao thông thể hiện rõ khi việc đầu tư xây dựng đạt mức tăng rất thấp với khoảng 2%/năm, trong khi tốc độ tăng dân số khoảng 3,3%/năm; xe ô tô, xe máy tăng 10%/năm.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Viện nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, hiện nay, các đô thị lớn như TPHCM và Hà Nội đang mất cân đối nghiêm trọng trong quá trình phát triển giao thông đô thị. Đơn cử như tỷ lệ diện tích đất dành cho hạ tầng giao thông quá thấp so với tiêu chuẩn; đường sắt đô thị, vận tải khối lượng lớn chưa hình thành; tỷ lệ diện tích cho giao thông tĩnh quá thấp so với nhu cầu dừng đậu của phương tiện.
Theo TS Huỳnh Thế Du, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nếu muốn giải quyết căn cơ tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn như TPHCM và Hà Nội thì trọng tâm phải phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng chứ không phải xây thêm đường.
PGS - TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị TPHCM thì cho rằng, vấn đề đặt ra cấp bách tại các đô thị lớn nói trên là cần phát triển nhanh các “dịch vụ vệ tinh công chất lượng cao”, để làm giảm tải cho khu vực trung tâm; phát triển khu đô thị vệ tinh nhằm chia sẻ dòng người đổ dồn vào trung tâm hiện hữu.
Theo Thứ trướng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông cần một giải pháp tổng thể và đồng bộ. Cụ thể, cần nâng cao chất lượng phục vụ của vận tải hành khách công cộng; quản lý sự gia tăng phương tiện cá nhân; phát triển hạ tầng giao thông; tạo ra sự thông thoáng cho lòng đường, vỉa hè đối với người đi bộ, khuyến khích đi bằng xe đạp và phương tiện vận tải công cộng.
Tin & ảnh: Thục Vy